Multimedia Đọc Báo in

Trận Điện Biên Phủ - ký ức buồn của nước Pháp

14:41, 04/05/2024

Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc vào lúc 2 giờ sáng 8/5/1954, sau mấy chục ngày đêm bão lửa. Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Chiến tranh ở Đông Dương thực sự kết thúc từ ngày 20/7/1954.

Sau gần 9 năm kể từ năm 1946 tiến hành xâm lược Việt Nam lần thứ hai, quân đội Pháp, đồng minh, lính thuộc địa thiệt mạng gần 100.000 người; chi phí phục vụ cho chiến tranh tiêu tốn 66 tỷ franc chưa kể đến các khoản bảo hiểm xã hội cho thương phế binh và đền bù cho hậu quả của cuộc chiến phải chừng sau 20 năm mới giải quyết xong.

Tin quân đội Pháp thất thủ ở Điện Biên Phủ đến Pa-ri vào lúc 13 giờ 42 ngày 8/5/1954. Lúc 16 giờ 45, Thủ tướng Pháp La-ni-en (Joseph Laniel) đến nhà Quốc hội Bourbon để thông báo tình hình: “Chính phủ vừa được tin tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã thất thủ sau 20 giờ chiến đấu gay go liên tục”.

Thủ tướng nói chầm chậm, trong không khí của hội trường rộng rãi âm vang “người ta nghe tiếng La-ni-en như tiếng khóc nức nở của một thiếu phụ ở chốn xa xăm nào đó” (Báo Paris Match số ra ngày 8/5/1954).

Ngày hôm sau, Thủ tướng đã ra lệnh cho các công sở trong toàn nước Pháp treo cờ rủ, từ việc này nước Pháp như có một cơn bão ngầm trong dân chúng, bởi một cuộc thất bại đau thương trong một cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa để rồi thanh danh nước Pháp bị tổn hại khi truyền thông quốc tế chỉ trích thậm tệ.

Ngày 9/5/1954, vì quá hốt hoảng trước thất bại ở Điện Biên Phủ, Chính phủ Pháp ban hành thiết quân luật tại thủ đô Pa-ri, ngừng các hoạt động vui chơi giải trí và hành động này đã bị phản đối kịch liệt. Báo Giải phóng (Libérer) ngày 11/5/1954 chỉ trích: “Chính phủ đừng hòng trông mong gì ở một sự thay đổi của dư luận để cho phép tiếp tục và làm nghiêm trọng thêm cái chính sách mình đã thực hiện ở Điện Biên Phủ”.

Những binh sĩ Pháp đầu hàng được áp giải đến nơi tạm giam. Ảnh tư liệu

Sau khi tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị tiêu diệt, báo chí Pháp, Mỹ, Anh đều nêu lên những con số tương đối đầy đủ về những thiệt hại của quân đội viễn chinh Pháp và các mặt trận khác trên chiến trường Đông Dương. Các tờ báo Pháp trích dẫn số liệu và cho rằng ngay cả La-ni-en và tướng Na-va đã lấp liếm sự thật về cuộc chiến tranh: “Chính buổi chiều ngày 7/5/1954, căn cứ Điện Biên Phủ buộc phải chấm dứt cuộc chiến đấu. Tấn bi kịch đã kết thúc với bản tổng kết hết sức nặng nề: 1.500 người chết, 1.600 người mất tích, 1.100 người đào ngũ, 4.500 thương binh, 5.500 tù binh”.

Bảy năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ký giả kiêm sử gia Juyn Roa, nguyên là Đại tá quân đội viễn chinh Pháp khẳng định rằng: “Trên thế giới, trận Oa-téc-lô cũng có ít tiếng vang hơn (Waterloo, tên một địa danh ở nước Bỉ, nơi diễn ra trận chiến ngày 16/8/1815 của liên quân Anh – Phổ đánh bại quân đội của Napoleon Bonapac, dẫn đến sụp đổ của đế chế Pháp Napoleon). Điện Biên Phủ thất thủ đã gây ra một sự kinh hoàng ghê gớm. Đó là những thất bại lớn của phương Tây, báo hiệu sự tan rã của các thuộc địa và sự cáo chung của một nền cộng hòa”.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã làm “tia lửa” tạo ra một loạt “vụ nổ” khác và góp phần làm chấm dứt chế độ thực dân Pháp ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là ở châu Phi. Sáu tháng sau khi Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, một loạt cuộc chiến tranh giải phóng của các nước ở Bắc Phi như An-giê-ri, Ma-rốc, Tuy-ni-di … diễn ra, nhanh chóng bùng cháy như đám dầu loang trên nước trải dài từ Việt Nam đến tận lục địa đen.

Võ Hữu Lộc


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.