Multimedia Đọc Báo in

Từ Mường Phăng đến Mường Thanh

08:43, 27/05/2024

Trong một lần ngược miền Tây Bắc, chúng tôi đã có dịp đến thăm khu di tích Mường Phăng và “lòng chảo” Mường Thanh (TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) - những địa điểm lịch sử nổi tiếng và là biểu tượng của tinh thần chiến thắng bất diệt.

Tự hào Mường Phăng

Khu di tích Mường Phăng nằm cách TP. Điện Biên Phủ khoảng 25 km, chính là nơi Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ đứng chân, họp bàn tác chiến và cũng là nơi ở, làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Thiếu tướng Hoàng Văn Thái.

Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ nằm trên một ngọn đồi cao, bao bọc xung quanh là những cánh rừng, hiện vẫn còn nguyên vẹn các dấu tích, hiện vật như hầm chỉ huy, hầm thông tin, lán họp chỉ huy, lán giao ban, lán tác chiến, khu bếp Hoàng Cầm, nơi sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ…

Trong những căn hầm, căn lán hết sức đơn sơ đó, từ ngày 31/1/1954, Đại tướng Võ Nguyễn Giáp cùng các tướng lĩnh, sĩ quan đã chỉ huy bộ đội ta làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Ngày 6/5/1954, với việc bí mật đặt khối bộc phá 1 tấn phá sập hệ thống hầm ngầm, bộ đội ta đã hoàn tất việc chiếm đồi A1. Hiện nay, dấu tích hố sâu do quả bộc phá tạo nên vẫn còn nguyên vẹn.

Chúng tôi hết sức ngạc nhiên khi đến thăm khu di tích được chứng kiến những đứa trẻ mới chỉ khoảng độ 10 - 15 tuổi, nhưng lại tỏ ra rất am hiểu, thông thuộc mọi đường đi lối lại và nói vanh vách về cách bố trí các căn hầm, lán trại, nơi ở của các vị chỉ huy như những hướng dẫn viên du lịch thực sự.

Các “hướng dẫn viên” tự nguyện theo chân các đoàn du khách từ tận dưới chân đồi, rồi cứ thế đi đến đâu thì ríu rít “thuyết minh” đến đó. Nơi này là hầm của cụ Giáp, nơi kia là hầm cụ Thái, nơi nọ là lán giao ban, tác chiến… các “hướng dẫn viên” cứ tận tình chỉ cho du khách biết...

Nổi tiếng Mường Thanh

Rời Mường Phăng, chúng tôi đến “lòng chảo” Mường Thanh, địa điểm từng nổi tiếng là tập đoàn cứ điểm quân sự vào loại lớn nhất, mạnh nhất của quân đội Pháp ở chiến trường Đông Dương.

“Lòng chảo” Mường Thanh bây giờ là trung tâm TP. Điện Biên Phủ với những đường phố khang trang, khu đô thị sầm uất, không thua kém gì các thành phố khác trong cả nước.

Ngay trong khu vực trung tâm, thành phố vẫn còn giữ được khá nguyên vẹn dấu tích những cứ điểm quân sự nổi tiếng của Pháp như hầm chỉ huy của vị tướng bại trận Đờ Cát, hệ thống hầm ngầm, lô cốt, giao thông hào hết sức kiên cố trên các đồi A1, C1, D1… Đây là những chứng tích hết sức hùng hồn, ghi dấu chiến thắng oanh liệt của quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng cũng như đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của quân đội Pháp trên chiến trường Việt Nam.

Nghĩa trang Liệt sĩ Điện Biên Phủ nằm ngay trung tâm thành phố, nơi yên nghỉ của hàng nghìn liệt sĩ đã từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa, hằng ngày vẫn có rất nhiều người đến thăm viếng, thắp hương tưởng nhớ. Trong số đó, có bốn ngôi mộ được đặt ở vị trí trang trọng nhất đó là mộ của các liệt sĩ Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện, Trần Can mà tên tuổi, chiến công của các anh đã được ghi trang trọng trong trang sử của dân tộc.

Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ bằng đồng khối đứng sừng sững trên đồi D1 lộng gió hôm nay chính là hình ảnh tượng trưng hùng hồn nhất cho tinh thần hy sinh cao cả, chiến thắng bất diệt của quân và dân ta.

Ra vùng ngoại ô thành phố là cánh đồng lúa nước xanh mướt trải dài dọc hai bên đường hơn 20 km. Cánh đồng Mường Thanh chạy dọc theo bờ sông Nậm Rốm xòe ra như cánh hoa ban ôm lấy các di tích lịch sử. Không chỉ nổi tiếng về diện tích rộng lớn lên đến hàng nghìn héc-ta, với điều kiện thâm canh thuận lợi, cánh đồng Mường Thanh còn mang đến cho đời những “hạt ngọc” thơm ngon đặc biệt với thương hiệu gạo Điện Biên nổi tiếng. Hạt gạo từ cánh đồng Mường Thanh đã mang đến vẻ đẹp trù phú cho vùng đất Điện Biên vốn vang danh với những chiến công hiển hách.

Mạnh Phong


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.