Multimedia Đọc Báo in

Chuyện tình của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn

09:04, 10/06/2024

Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn là nhà quân sự, nhà chính trị kiệt xuất thời Trần với tài thao lược đã cầm quân đánh tan hai cuộc xâm lược  Mông - Nguyên năm 1285 và 1287 - 1288. Sau khi ông mất (năm 1300), dân gian đã suy tôn ông là Đức Thánh Trần.

Trần Quốc Tuấn là con của An Sinh Vương Trần Liễu và bà Trần Thị Nguyệt. Trần Liễu là anh ruột của vua Trần Thái Tông (tức Trần Cảnh). Khi Trần Thái Tông bỏ Chiêu Thánh Hoàng hậu (tức Lý Chiêu Hoàng) và lấy vợ của Trần Liễu vào làm Hoàng hậu thì Trần Liễu đem quân làm loạn, nhưng thân cô sức yếu nên bất thành, phải buông giáp quy hàng bị giáng xuống làm An Sinh Vương, được cho về an trú ở đất Quảng Yên.

Ảnh: Internet
(Ảnh: Internet)

Lúc này Trần Quốc Tuấn mới 7 tuổi. Thương cháu của mình còn nhỏ đã phải rời kinh đô tới nơi xa, chị gái vua Trần Thái Tông là Thụy Bà xin nhận Quốc Tuấn làm con nuôi. 8 năm được cô ruột là Thụy Bà chăm sóc, Trần Quốc Tuấn được học văn, học võ và lớn lên với các con em hoàng tộc cùng trang lứa. Chính thời gian này, Trần Quốc Tuấn đã chớm nở tình yêu với Thiên Thành công chúa - tình yêu lớn của đời ông.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư kỷ nhà Trần, Thiên Thành công chúa sinh năm 1236 là con gái đầu của vua Trần Thái Tông, xinh đẹp kiều diễm. Trong suốt những năm tháng cùng học tập và sinh sống nơi cung cấm, tình cảm của Trần Quốc Tuấn và Thiên Thành công chúa lớn dần lên, quấn quýt không rời. Những tưởng đây là mối tình đẹp trời ban, nhưng công chúa thân thế cao quý còn Trần Quốc Tuấn chỉ là cậu con trai của An Sinh Vương không môn đăng hộ đối. Thiên Thành công chúa được vua hứa gả cho Trung Thành Vương, con trai của Nhân Đạo Vương, phá tan giấc mộng tình yêu đôi lứa.

Đại việt sử ký toàn thư ghi rằng: “Tân Hợi, Thiên Ứng Chính Bình năm thứ 20 (1251)… mùa Xuân, tháng 1, đổi Nguyên Phong (năm thứ 1)… Gả trưởng công chúa Thiên Thành cho Trung Thành Vương (…) Ngày 15 tháng ấy, vua mở hội lớn 7 ngày đêm, bày các tranh về lễ kết tóc và nhiều trò chơi cho người trong triều ngoài nội đến xem, ý muốn cho công chúa Thiên Thành làm lễ kết tóc với Trung Thành Vương. Trước đó vua cho công chúa Thiên Thành đến ở trong phủ Nhân Đạo Vương (Nhân Đạo Vương là cha của Trung Thành Vương). Quốc Tuấn muốn lấy công chúa Thiên Thành, nhưng không thể làm thế nào được, mới nhân ban đêm lẻn vào chỗ ở công chúa…”.

Ngay sau khi lẻn vào phòng của công chúa Thiên Thành, Trần Quốc Tuấn ra lệnh cho thị nữ về báo với mẹ nuôi Thụy Bà. Là chị gái của vua nên Thụy Bà vào gặp ngay vua Thái Tông khóc xin: “Không ngờ Quốc Tuấn càn rỡ đang đêm lẻn vào chỗ của Thiên Thành, Nhân Đạo Vương đã bắt giữ hắn rồi, e sẽ giết hắn mất. Xin bệ hạ rủ lòng thương, sai người đến cứu”. Chuyện đã rồi, với sự van xin của chị gái, vua mềm lòng. Nội thị theo lệnh nhà vua, xông thẳng vào phủ Nhân Đạo Vương, vào phòng Thiên Thành công chúa hộ tống đưa Trần Quốc Tuấn ra ngoài an toàn. Đến lúc này cả phủ Nhân Đạo Vương mới ngỡ ngàng, có kẻ liều mạng đã vào phủ “tư thông” với công chúa Thiên Thành.

Cuối cùng, theo Đại Việt sử ký toàn thư, Thụy Bà - mẹ nuôi Trần Quốc Tuấn phải dâng 10 mâm vàng sống để đền bù. Vua Thái Tông cũng đành đem 200 mẫu ruộng ở phủ Ứng Thiên để đền sính vật. Trần Quốc Tuấn kết hôn với Thiên Thành công chúa và hai người có cuộc sống êm đềm, hạnh phúc. Bốn người con của họ sau này cũng trở thành những danh tướng lừng lẫy. Người con gái út của họ sau này trở thành Bảo Thánh Hoàng hậu Trần Trinh, vợ vua Trần Nhân Tông, mẹ của Huyền Trân công chúa và vua Trần Anh Tông.

Võ Hữu Lộc


Ý kiến bạn đọc


(Video) Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động
Tại Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh với cán bộ công đoàn, đoàn viên và người lao động tỉnh năm 2024 diễn ra sáng 3/7, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà khẳng định, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của Đảng và Nhà nước.