Multimedia Đọc Báo in

Nguyễn Văn Tố - vị nhân sĩ được Bác Hồ trọng dụng

07:27, 27/06/2024

Cụ Nguyễn Văn Tố (bút hiệu Ứng Hòe), một trí thức nổi tiếng của Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20. Ông là đại biểu xuất sắc thuộc thế hệ chuyển tiếp từ Nho học sang Tây học, người có nhiều đóng góp to lớn cho cách mạng Việt Nam trong những năm đầu độc lập.

Một nhân sĩ, nhà báo yêu nước

Nguyễn Văn Tố sinh ngày 5/6/1889, tại làng Đông Thành, huyện Thọ Xương, nay là phố Bát Sứ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Thuở nhỏ, cụ theo học chữ Hán, song lại rất say mê tiếng Pháp. Lớn lên, cụ sang Pháp học và đỗ bằng Thành chung loại ưu. Tốt nghiệp (1905), cụ trở về nước và được tuyển vào làm ở Viện Viễn Đông Bác Cổ Hà Nội (EFEO) - một trung tâm khoa học nhân văn có uy tín, nơi tập hợp những danh nhân nổi tiếng bậc nhất ở Việt Nam thời đó.

Từ năm 1907, Nguyễn Văn Tố tham gia giảng sách tại Hội Trí tri bằng tiếng Pháp và tiếng Việt về các đề tài lịch sử, địa lý, văn học... Với vốn kiến thức uyên bác văn hóa Đông - Tây, cụ đã trở thành một học giả nổi tiếng, được xếp trong nhóm tứ kiệt “Quỳnh, Vĩnh, Tố, Tốn” và được cử làm Trưởng Ban Biên tập tập san Trí tri.

Nguyễn Văn Tố để lại nhiều công trình nghiên cứu công phu về lịch sử, văn hóa, văn học như: “Thời tiền sử ở Bắc Kỳ”, “Nguồn gốc các mái cong”, “Ngôi chùa An Nam”, “Tôn giáo nước Nam”, “Vết tích thành Đại La”, “Lịch sử Hồ Tây”, “Gốc tích thành Huế”, “Phép quân điền của nước ta”, “Văn hóa phương Đông”, “Quan hệ lịch sử giữa Nhật Bản và Việt Nam”, “Văn hóa Đông Dương”, “Tục ngữ ta so với tục ngữ Tàu và tục ngữ Tây”…

Ngoài ra, cụ còn dịch thuật, giới thiệu nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử văn minh, văn hóa Tây Á - Cận Đông, Hy Lạp, Trung Hoa... Đặc biệt, cụ còn sưu tầm, dịch thuật và xác lập hệ thống tư liệu, thư tịch, văn bản Hán Nôm, góp phần chuẩn bị cho sự ra đời các bộ văn học sử và công trình nghiên cứu chuyên sâu.

Các thành viên Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Kỳ họp thứ nhất – Quốc hội khóa I (3/1946) (cụ Nguyễn Văn Tố là người đứng hàng đầu bên trái). Ảnh tư liệu

Không chỉ xuất sắc trong vai trò lãnh đạo các tổ chức giáo dục, văn hóa tiến bộ, Nguyễn Văn Tố còn là một nhà báo xuất sắc. Cụ đã sử dụng báo chí làm công cụ truyền bá kiến thức cho cộng đồng để hướng tới mục đích nâng cao dân trí. Ông đã viết nhiều bài báo có giá trị bằng chữ quốc ngữ, chữ Pháp và phần lớn đều in trên các tạp chí Nam Phong, Tri Tân, Đông Thanh, báo Đông Dương...

Những bài báo nổi tiếng như: “Vấn đề về lòng yêu nước và chủ nghĩa dân tộc”, “Đạo đức Việt và đạo đức phương Tây”, “Về vấn đề lịch sử và khảo cổ Việt - Chăm”, “Mỹ thuật nước nhà”, “Tiếng ta gốc tự tiếng nào”, “Di tích thành Đại La”, “Một đoạn Nam sử rất vẻ vang”, “Bia Văn Miếu: Những ông nghè triều Lê”, “Đại Nam dật sử”, “Việt Nam văn hóa sử”, “Những chuyện vẻ vang trong sử Đại Việt”, “Truyền bá quốc ngữ với nạn chống thất học”, “Cha cố Alechxandre de Rhodes và việc phiên âm ra chữ quốc ngữ”, “Nước Việt cổ trước văn hóa Pháp”, “Thanh niên đối với lễ giáo”, “Thanh niên đối với sự học”, “Nền giáo dục bình dân”… được đông đảo bạn đọc và giới nhân sĩ đánh giá cao.

Là Hội trưởng Hội Truyền bá quốc ngữ (những năm 1930 và 1940), Nguyễn Văn Tố đã đóng vai trò quan trọng trong phát triển hội cả về tổ chức và các hoạt động truyền bá kiến thức khoa học hướng đến mục tiêu canh tân đất nước. Dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Văn Tố, Hội Truyền bá quốc ngữ đã góp phần khơi dậy lòng yêu nước, truyền thống hiếu học của quần chúng nhân dân, tạo thành một phong trào học tập sâu rộng trong cả nước. Phong trào này đã tạo nên nền tảng quan trọng để xây dựng lực lượng cho cách mạng Tháng Tám và công cuộc “diệt giặc dốt”.

Đi theo tiếng gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Với tư tưởng tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng về mọi mặt, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng và thực thi nhiều biện pháp để tập hợp, sử dụng nhân sĩ, trí thức, nhân tài phục vụ cho sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc.

Là người tài cao, đức trọng, một nhà yêu nước không đảng phái và có uy tín lớn trong giới nhân sĩ, trí thức, cụ Tố được lãnh tụ Hồ Chí Minh rất coi trọng và mời ra giúp nước. Cụ Tố cảm mến tài năng và lòng chân thành từ Hồ Chủ tịch nên đã đi theo và nhận chức Bộ trưởng Bộ Cứu tế, xã hội trong Chính phủ lâm thời, góp phần đẩy lùi giặc đói và giặc dốt. Sau Tổng tuyển cử Quốc hội đầu tiên (1946), cụ Tố trúng cử đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định. Tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I ngày 2/3/1946, Quốc hội đã nhất trí bầu cụ Tố làm Trưởng Ban Thường trực Quốc hội (Chủ tịch Quốc hội đầu tiên) và cụ giữ chức vụ này đến ngày 9/11/1946, rồi chuyển sang đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Không bộ trong Chính phủ Liên hiệp.

Thực hiện chính sách đoàn kết của Mặt trận Việt Minh, Bác Hồ và Trung ương Đảng chủ trương vận động thành lập Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam với nhiều giai tầng khác nhau trong xã hội để cùng nhau liên hiệp kháng chiến chống đế quốc, thực dân. Ngày 26/5/1946, Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Liên Việt) chính thức được thành lập tại Hà Nội và nhất trí cử Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Hội trưởng danh dự, cụ Huỳnh Thúc Kháng làm Hội trưởng và cụ Tôn Đức Thắng làm Phó Hội trưởng, cụ Nguyễn Văn Tố là Ủy viên Đoàn Chủ tịch.

Sau ngày toàn quốc kháng chiến, cụ Nguyễn Văn Tố cùng Chính phủ rút lên Việt Bắc tiếp tục kháng chiến chống Pháp. Ngày 7/10/1947, trong một cuộc tấn công của quân đội Pháp vào chiến khu Việt Bắc, cụ bị địch bắt, bị tra tấn dã man rồi giết tại Bắc Kạn. Trong bài truy điệu cụ Nguyễn Văn Tố, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành những lời lẽ trân trọng, thống thiết: “Cụ dù hy sinh, tinh thần cụ ngàn thu sẽ vẻ vang bất diệt/ Chính phủ khôn xiết buồn rầu, đồng bào khôn xiết nỗi lòng thương nhớ...”.

Nguyễn Đình Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.