Multimedia Đọc Báo in

Khí thế Cách mạng Tháng Tám ở đồn điền CADA

08:51, 01/09/2024

Đồn điền CADA được thực dân Pháp xây dựng vào năm 1922 với mục đích trồng cà phê và khai thác tài nguyên, nhất là giai đoạn 1925 - 1934, chúng bóc lột công nhân bằng đồng lương rẻ mạt và đối xử vô cùng tàn nhẫn.

Để chống lại sự bóc lột hà khắc đó, nhiều cuộc đấu tranh của công nhân được tổ chức chặt chẽ và ngày càng rộng lớn.

Tháng 3/1945, tranh thủ thời cơ Nhật đảo chính Pháp, tù chính trị tại Nhà đày Buôn Ma Thuột tổ chức đấu tranh đòi Nhật phải trả lại tự do. Sau khi thoát khỏi nhà tù, các đồng chí đã tỏa về các nơi để xây dựng cơ sở cách mạng.

Tại CADA, các tổ chức bí mật của Việt Minh bắt đầu được thành lập như: tổ chức công nhân cứu quốc, phụ nữ cứu quốc, trong đó đội tự vệ mật được tổ chức chặt chẽ nhất. Khi mới thành lập, đội chỉ có 14 thanh niên, thời gian sau tăng lên 36 công nhân được trang bị dao, kiếm, mã tấu và đây cũng là lực lượng vũ trang đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk được thành lập, sống và hoạt động ngay trong lòng địch tại địa bàn Krông Pắc dưới sự bảo vệ, đùm bọc của công nhân đồn điền.

Cũng từ đây, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng thông qua tổ chức Việt Minh, mọi hoạt động của phong trào công nhân đồn điền CADA và vùng phụ cận Ea Nhăi ngày càng phát triển mạnh mẽ và sâu rộng. Các tổ chức bí mật và đội tự vệ ban ngày vẫn sản xuất bình thường, nhưng ban đêm thì tập trung sinh hoạt, học tập chính trị, luyện tập quân sự theo chương trình hướng dẫn của Việt Minh.

Tháng 7/1945, công nhân đồn điền CADA tổ chức một cuộc đấu tranh trực diện với tên Tôn Thất Hối, tay sai của chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim thân Nhật khi tên Hối lên nắm quyền tại Buôn Ma Thuột. Cuộc đấu tranh giành thắng lợi lớn, phong trào công nhân và vùng đồng bào dân tộc phụ cận lại được thêm đà dấn tới. Thanh niên công nhân gia nhập đội tự vệ tăng gấp đôi, trong đó có cả một trung đội nữ. Đội ngũ cai ký và phần lớn lính khố xanh của địch canh gác bảo vệ đồn đã ngả theo cách mạng. Lúc bấy giờ hầu hết các đồn điền và nhiều buôn làng dọc hai bên Quốc lộ 26 hầu như đã hoàn toàn do Việt Minh kiểm soát.

Khách tham quan tìm hiểu về các thông tin, hiện vật tại Di tích lịch sử Đồn điền CADA. Ảnh: Đinh Nga

Đầu tháng 8/1945, phát xít Đức - Ý - Nhật liên tiếp thua trận. Ngày 13/8/1945, Nhật đầu hàng quân Đồng minh vô điều kiện. Ban lãnh đạo lâm thời tỉnh Đắk Lắk quyết định tiến hành ngay cuộc khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân tại đồn điền CADA vào đêm 17/8/1945. Đồng chí Phan Kiệm, Trưởng Ban khởi nghĩa của Đắk Lắk phát lệnh khởi nghĩa, tuyên bố xóa bỏ chính quyền địch, thiết lập chính quyền cách mạng, mở đầu cho cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 trong toàn tỉnh. Cuộc khởi nghĩa giành thắng lợi, và từ đây ngày 17/8/1945 trở thành dấu ấn lịch sử không bao giờ quên của công nhân đồn điền CADA cũng như nhân dân các dân tộc Đắk Lắk.

Sáng 18/8/1945, với khí thế thừa thắng xốc tới, Ủy ban Cách mạng lâm thời CADA theo sự chỉ đạo của tỉnh đã cử ngay cán bộ và tự vệ tỏa về các đồn điền và các buôn làng dọc Quốc lộ 26 từ cây số 23 đến cây số 49, vận động nhân dân và công nhân tiến hành các cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở đồn điền và các buôn làng xung quanh. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trên phần lớn địa bàn Krông Pắc đã thắng lợi vẻ vang. Đội tự vệ công nhân cùng một bộ phận trung kiên cốt cán của đồn điền CADA lại được vinh dự nhận nhiệm vụ làm nòng cốt trong việc chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tỉnh Đắk Lắk vào ngày 24/8/1945.

Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh hội Việt Minh và Ủy ban Cách mạng lâm thời tỉnh, các tổ chức cách mạng trên địa bàn Krông Pắc đã tiếp tục hoàn thành công cuộc giành chính quyền ở các nơi còn lại trên địa bàn, góp phần cùng nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk viết nên một trong những trang sử vẻ vang, oanh liệt nhất của dân tộc Việt Nam, đưa đất nước ta bước vào một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do.

Võ Quang Hùng


Ý kiến bạn đọc