Multimedia Đọc Báo in

Nạn đói năm Ất Dậu: Những ký ức không quên

15:45, 25/09/2024

Gần 80 năm đã trôi qua nhưng những ký ức kinh hoàng về nạn đói năm Ất Dậu (1945) vẫn là nỗi đau không thể nào xóa nhòa trong tâm khảm của nhiều người. Nỗi đau ấy là lời nhắc nhở thế hệ trẻ hôm nay về giá trị của hòa bình, độc lập, tự do mà cả dân tộc ta đang chung tay vun đắp, giữ gìn…

“Bố, mẹ, Thẩm, Mỹ, Nho, Nhung” – ông Bùi Việt Hưng (SN1927, hiện đang sinh sống tại xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột) giọng run run vì xúc động khi nhắc tên những người thân trong gia đình đã chết trong nạn đói Ất Dậu.

Quê ông Hưng ở tỉnh Thái Bình, nơi là vựa lúa của đồng bằng Bắc Bộ nhưng lại có đến hơn 28 vạn người chết đói. Những năm ấy, bọn thực dân, phát xít vừa vơ vét thóc gạo, lương thực, vừa bắt dân ta nhổ lúa trồng đay, rồi lại thêm sưu cao, thuế nặng.

Trong cái đói khổ cùng cực, ông Hưng cùng anh trai cả đi theo một người buôn gỗ lên Hòa Bình, mong tìm được lối thoát cho cả gia đình. Ông Hưng xin được việc bán phở, còn người anh được nhận vào một xưởng mộc. Nhưng chỉ ít tháng sau, người anh cả qua đời vì bị bệnh. Ông Hưng trở về quê thì hay tin cả nhà đã chết đói, tang thương tràn khắp quê nghèo. Cả nhà 8 người, còn mỗi ông sống sót...

Ông Bùi Việt Hưng kể lại những ký ức kinh hoàng về nạn đói Ất Dậu.

Còn với ông Vũ Viết Giới (SN 1933, hiện đang sinh sống tại xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột), những ký ức về một thời đói khổ cùng cực kéo dài suốt nhiều năm niên thiếu. Ông kể, vùng Hải Hậu, Nam Định quê ông vốn có nghề làm muối lâu đời. Dưới chính sách độc quyền về muối và rượu của thực dân Pháp, dân làm muối còn không có lấy hạt muối để ăn.

Sau thời gian lang bạt khắp Hà Nội, Quảng Ninh, bố ông đưa một người con vào miền Nam. Còn người mẹ đưa ông Giới và hai em lần hồi về quê. Lúc kiệt quệ vì đói khát, người mẹ nuốt nước mắt đổi ông Giới lấy một đồng Đông Dương để cứu các em. Nhưng rồi một đứa em của ông Giới cũng qua đời vì đói và bệnh. Lưu lạc suốt hai năm ròng, ông Giới mới được đoàn tụ với mẹ ở quê nhà.

Lúc ấy, để nuôi sống các con, mẹ ông nghĩ ra cách múc nước làm muối mang về nấu cho nước bốc hơi hết để kết tinh thành những hạt muối bé xíu. Ông Giới được mẹ may cho chiếc áo bằng manh cói rồi giấu những hạt muối ấy lén lút bán cho những người dân vùng làm lúa. Mẹ ông tích góp những đồng tiền bán muối ấy mua từng đấu thóc mang về giã lấy gạo bán, tấm và cám giữ lại ăn.

Nhưng rồi, cái đói dần bao trùm, người chết đói trong làng ngày một nhiều. Đến một buổi sáng đầu năm Ất Dậu, chứng kiến người hàng xóm cắt manh chiếu ra làm ba để bó xác ba đứa con thơ vừa chết đêm qua, mẹ ông quyết định theo dòng người bỏ làng ngược lên vùng trung du tìm đường sống.

Ông Vũ Viết Giới thắp nhang ghi nhớ công ơn của Bác Hồ.

Từ Nam Định đến Hà Nội, rồi lên Tuyên Quang, ông Giới chứng kiến nhiều cảnh hãi hùng nhất của nạn đói, xác người la liệt khắp đường đi… Đi mãi, đi mãi cho đến khi được một người cậu theo cách mạng cưu mang, mẹ con ông mới thoát khỏi thảm cảnh đói khát. Một thời gian ngắn sau đó, Cách mạng Tháng Tám thành công, mẹ con ông Giới cùng hàng triệu người đói khổ lúc bấy giờ mới được trở thành công dân của một nước Việt Nam tự do, độc lập.

Theo bước người cậu đã cưu mang mẹ con mình, ông Giới sớm giác ngộ cách mạng. Còn nhỏ tuổi, ông đã dẫn đường cho đội du kích của xã đi đặt mìn mai phục quân Pháp trên Quốc lộ 2. Đến khi tròn 18 tuổi, ông xung phong đi bộ đội nhưng vì thêm một người em mất, mẹ thường xuyên đau yếu nên ông được động viên ở lại địa phương tham gia du kích, làm dân công hỏa tuyến cho chiến dịch Điện Biên Phủ, rồi góp công vào xây dựng đất nước sau chiến tranh. Ông chia sẻ: “Thế hệ của ông được nhìn đất nước thay da đổi thịt, phát triển vượt bậc đến hôm nay quả thực không có hạnh phúc nào bằng!”.

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc