Multimedia Đọc Báo in

Người chiến sĩ cách mạng nặng lòng với Tây Nguyên

08:51, 01/09/2024

Đồng chí Phan Kiệm (1920 – 1998) là một trong những người tập hợp, lãnh đạo phong trào khởi nghĩa giành chính quyền ở Đắk Lắk tháng 8/1945.

Trọn cuộc đời mình, người chiến sĩ cách mạng ấy luôn vững vàng khí tiết của người đảng viên Đảng Cộng sản, là tấm gương sáng về lòng nhân nghĩa, kiên trung cho các thế hệ sau noi theo.

Người chiến sĩ cộng sản cốt cán trong Chi bộ Đảng đầu tiên của Đắk Lắk

Theo sách Lịch sử Đảng bộ tỉnh và nhiều tài liệu khác, Phan Kiệm là một tù nhân chính trị bị thực dân Pháp đưa từ Quảng Trị lên giam cầm tại Nhà đày Buôn Ma Thuột vào năm 1940.

Ở chốn lũy thép tường gai, ông đã cùng các chiến sĩ cách mạng trung kiên tổ chức các hoạt động của chi bộ Đảng, xây dựng và mở rộng cơ sở cách mạng ở trong và ngoài Nhà đày.

Đầu tháng 4/1945, tranh thủ thời điểm Nhật đảo chính Pháp, Phan Kiệm cùng các chiến sĩ cách mạng tại Nhà đày Buôn Ma Thuột đã nhất tề tranh đấu để được thả tự do và tích cực tuyên truyền, vận động, phát động phong trào quần chúng chuẩn bị cho khởi nghĩa giành chính quyền.

Ngay sau đó, tổ chức phân công Phan Kiệm trở về Quảng Trị với mục đích cùng một số đồng chí khác lãnh đạo phong trào hoạt động ở miền Trung. Thế nhưng, trên đường nhận nhiệm vụ, trong lòng ông cứ trăn trở nghĩ về địa bàn Tây Nguyên. Trăn trở ấy thôi thúc ông đề xuất, thống nhất với các đồng chí khác để được quay trở lại Đắk Lắk tiếp tục thực hiện nhiệm vụ dẫn dắt phong trào đấu tranh.

Cụ Phan Kiệm (người ngồi giữa) và gia đình. (Ảnh chụp năm 1993 do gia đình cung cấp)

Tháng 5/1945, Ban lãnh đạo lâm thời của tỉnh được thành lập, đồng chí Phan Kiệm được phân công làm Trưởng ban lãnh đạo lâm thời, phụ trách công tác binh vận, đồn điền, nông thôn kiêm chủ nhiệm Việt Minh tỉnh. Chỉ trong một thời gian ngắn, Ban lãnh đạo lâm thời đã nhanh chóng phát triển, mở rộng các tổ chức cách mạng của quần chúng, đặc biệt là phong trào công nhân ở các đồn điền, phong trào cách mạng trong các buôn làng, trong cả giới công chức, trí thức và binh lính.

Tối 17/8/1945, trong cuộc liên hoan văn nghệ của công nhân và quần chúng ở Đồn điền CADA, đội tự vệ mang theo cờ đỏ sao vàng, vũ trang bằng gươm, giáo, gậy gộc xếp thành hàng ngũ chỉnh tề. Đồng chí Phan Kiệm bước lên giữa hàng quân phát lệnh khởi nghĩa của Tỉnh bộ Việt Minh tuyên bố xóa bỏ chính quyền địch, thành lập chính quyền cách mạng. Tại Buôn Ma Thuột, ông cũng đã lãnh đạo Ủy ban khởi nghĩa biến cuộc mít tinh của bọn tay sai thân Nhật thành cuộc mít tinh tuyên bố hiệu triệu toàn thể đồng bào cùng đoàn kết đứng lên giành chính quyền.

 

Là Phó Bí thư Khu ủy Sài Gòn – Chợ Lớn, nắm giữ nhiều mật mã của mạng lưới cách mạng nên khi bị địch bắt vào năm 1957, đồng chí Phan Kiệm đã chịu rất nhiều cực hình, tra tấn trong các nhà lao ở Sài Gòn, Định Tường, Phú Lợi và cả "địa ngục trần gian" – Nhà tù Côn Đảo. Những đòn tra tấn của kẻ thù đã khiến ông rụng gần hết hai hàm răng, gãy 3 xương sườn, mất gần như hoàn toàn thính lực.

Hoàn thành khởi nghĩa trên toàn tỉnh, ông tiếp tục lãnh đạo Đảng bộ tỉnh xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng, đặt nền móng cho việc xây dựng chế độ mới, cuộc sống mới cũng như chuẩn bị cho cuộc trường kỳ kháng chiến chống Pháp cùng quân và dân cả nước.

Đầu năm 1946, ông được điều sang tổ chức lực lượng chống Pháp ở mặt trận Quy Nhơn – An Khê và sau đó là phụ trách đoàn quân Nam tiến, tiếp tục dốc toàn tâm lực cho sự nghiệp các mạng của Đảng, sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Ân tình với Tây Nguyên

Trong câu chuyện của Tiến sĩ Phan Thu Nga, con gái thứ hai của cụ Phan Kiệm (hiện đang sinh sống tại TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh), Tây Nguyên luôn chứa đựng những tình cảm, kỷ niệm đặc biệt đối với cụ và gia đình.

Ký ức tuổi thơ của bà Phan Thu Nga với cha khá ngắn ngủi bởi khi bà còn ở trong bụng mẹ, cha đã bị địch bắt giữ, giam cầm. Năm 1961, bà Nga 4 tuổi, cha mới vượt ngục trở về, được tổ chức sắp xếp vào R (Trung ương Cục Miền Nam ở Tây Ninh). Lên 7 tuổi, bà Nga xa gia đình, ra miền Bắc học tập tại trường dành cho học sinh miền Nam.

Mãi đến tháng 3/1974, cụ Phan Kiệm được đưa ra miền Bắc điều trị bệnh, bà Phan Thu Nga mới gặp lại cha và em trai Phan Thanh Dũng. Đêm hôm ấy, ba cha con thức trắng, kể cho nhau những câu chuyện ở hai đầu nỗi nhớ, những mừng tủi sau bao năm xa cách.

Biết tin cụ Phan Kiệm ra Hà Nội, các đồng chí được cụ dìu dắt ở Đắk Lắk trong những năm khởi nghĩa giành chính quyền đã vượt đường xa đến thăm. Lúc ấy, bà Nga mới biết đến bác Y Ngông, bác Y Blốk, bác Y Nuê và nhiều lãnh đạo khác của Đắk Lắk được cử ra miền Bắc học tập, công tác. Bà Nga cứ nhớ mãi hình ảnh bác Y Ngông đạp chiếc xe đòn dông, trên ghi đông treo một nải chuối băng quãng đường hơn 10 km đến thăm cha mình. Cả hai ôm chầm lấy nhau, mừng rỡ, xúc động…

Bà Phan Thu Nga (bên phải) tự hào khi nhắc đến những câu chuyện về cha mình.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, cụ Phan Kiệm trở về công tác tại Văn phòng Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, sống cuộc đời cần kiệm, giản đơn. Căn nhà nhỏ của gia đình cụ thường xuyên đón bạn bè, đồng chí đến thăm, trong đó có các đồng chí lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk. Những câu chuyện, tâm tình cứ nối dài mãi không chỉ ở các cụ mà còn gắn kết tình cảm của các thế hệ cháu con trong những lần gặp gỡ, thăm hỏi ở cả TP. Hồ Chí Minh và TP. Buôn Ma Thuột.

Gia đình cụ vẫn thường nhận được những túi quà là trái cây, là cà phê đặc trưng của Tây Nguyên. Mỗi lần như thế, bà Nga thấy cụ rất vui và xúc động bởi cụ luôn xem Tây Nguyên như mảnh đất quê hương thứ hai. Trong số di vật của cụ mà gia đình gìn giữ có chiếc tủ, chiếc giường và bộ bàn ghế vô cùng giản đơn, được anh em, bạn bè ở Tây Nguyên gửi tặng. Với gia đình cụ, những vật dụng ấy có giá trị vô cùng lớn lao về tinh thần và tình cảm mà dù ở đâu, những người con của cụ cũng mang theo để thấy hình bóng cha luôn ở bên mình.

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc