Multimedia Đọc Báo in

Từ nhật ký Việt Bắc…

17:39, 24/09/2024

Tác phẩm “Nhật ký một bộ trưởng” (gồm hai tập khổ lớn dày hơn 1.000 trang, do Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành cuối năm 1995) là tập nhật ký của cụ Lê Văn Hiến, Bộ trưởng Bộ Tài chính đầu tiên của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ghi lại những tháng ngày ở thủ đô kháng chiến Việt Bắc từ sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946).

Chỉ hai tháng sau được xuất bản, tác phẩm được giới sử học đón nhận với một sự trân trọng đặc biệt, như nhận định trong lời giới thiệu của nhà sử học Dương Trung Quốc là đã “giúp những nhà viết sử phục dựng lại được cả một cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc”...

Tấm lòng Hồ Chủ tịch 

Nhật ký của cụ Lê Văn Hiến bắt đầu dòng đầu tiên lúc 16 giờ ngày 19/12/1946 – đúng ngày Hồ Chủ tịch ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến. Những ngày tiếp theo là trận chiến quyết tử giữa lòng Hà Nội và các tỉnh lân cận để bảo vệ nền độc lập non trẻ.

Trang nhật ký ngày 26/12/1946 ghi lại không khí đặc biệt tại cuộc họp toàn thể của Hội đồng Chính phủ: “Sau khi nghe báo cáo của Hồ Chủ tịch, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, ai nấy đều tán thành kháng chiến đến cùng để giành lại nền độc lập hoàn toàn cho dân tộc. Trong một gian phòng kín, bốn bề im lặng, dưới ánh sáng nhỏ của ngọn đèn dầu, sau lời tuyên bố quyết chiến của Hồ Chủ tịch, tất cả nắm tay giơ lên, biểu dương tất cả ý chí của một dân tộc... Cuộc hội nghị đến 1 giờ sáng. Đêm nay lửa cháy rực trời phố Hà Nội…”.

Trong nhật ký tràn ngập những chi tiết về tấm lòng nhân ái bao la của Chủ tịch Hồ Chí Minh như việc Bác Hồ yêu cầu chăm sóc chu đáo tù binh Pháp; sự giản dị và ân cần của Bác…

Xúc động những dòng nhật ký ghi ngày 30/4/1947 sau khi toàn bộ các cơ quan Đảng và Chính phủ của chúng ta chuyển lên căn cứ địa Việt Bắc chỉ huy kháng chiến: “... Gần tối, trong lúc chúng mình đang ăn cơm, thì Hồ Chủ tịch đến trong bộ áo quần bí mật của Cụ. Lần này thì lưng mang một gùi, vai mang súng, mình mặc bộ áo quần nâu, đội mũ như bộ đội, mới trông như người đi săn trong rừng sâu, không ai tài nào nhận ra được. Bắt tay vui vẻ tất cả mọi người, rồi giản dị hơn ai hết, Cụ bảo thêm một chén một đũa để Cụ cùng ngồi ăn chung trong lúc mâm cơm đã gần tàn. Cụ và hai tùy tùng phải đi bộ hàng mấy chục cây số mới đến đây…”.

Tết Mậu Tý 1948, cái Tết cổ truyền đầu tiên nơi chiến khu Việt Bắc, ngày 28 Tết (7/2/1948), Cụ Hồ tổ chức bữa cơm đoàn kết thết đãi mọi người: “Bữa cơm trong rừng thanh đạm mà mặn mà, một quang cảnh Tết trong lúc súng nổ bốn phương… Câu chuyện, tiếng cười, kéo dài mãi đến 8 - 9 giờ tối mới xong…”.

Các thành viên Chính phủ tại chiến khu Việt Bắc tháng 5/1948 (ông Lê Văn Hiến thứ ba từ phải sang). Ảnh tư liệu

Để chuẩn bị bước vào trận trận chiến Việt Bắc - Thu Đông đầy khốc liệt, ngày 28/5/1948, Hồ Chủ tịch đã trao sắc phong Đại tướng cho Tổng Tư lệnh, Bộ trưởng Quốc phòng Võ Nguyên Giáp – vị Đại tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam khi mới 37 tuổi. Sự kiện lịch sử được Bộ trưởng Lê Văn Hiến mô tả chi tiết: “Trong một căn nhà dựng bên bờ suối lớn, dựa một bên núi, cây cối chen phủ kín... Một phòng trưng bày đặc biệt. Có bàn thờ Tổ quốc, chung quanh băng đỏ ghi các khẩu hiệu: “Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi”, “Thống nhất độc lập nhất định thành công...”. Đến giờ làm lễ, Hồ Chủ tịch và cụ Trưởng ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn lên đứng hai bên bàn thờ, toàn thể nhân viên Chính phủ đứng sắp hàng trước bàn thờ. Hồ Chủ tịch tay cầm sắc lệnh gọi Võ Nguyên Giáp lên trước bàn thờ, rồi Cụ nín lặng, sụt sùi rơi nước mắt mà không nói được tiếng gì. Một phút vô cùng cảm động có lẽ trong chúng mình, tuy không ai nhìn thấy ai, nhưng mỗi người đều rơm rớm nước mắt. Giây lâu, Hồ Chủ tịch mới cất được tiếng mà tuyên bố: “Nhân danh Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trao cho chú chức vụ Đại tướng, để chú điều khiển binh sĩ làm trọn sứ mạng mà quốc dân phó thác cho”...   

Và những ngày tháng hào hùng

Ngày 7/10/1947, cụ Nguyễn Văn Tố, Trưởng Ban Thường trực đầu tiên của Quốc hội hy sinh khi Pháp càn lên Bắc Kạn. Ngày 28/10/1947, nhật ký kể những sinh viên ngoại ngữ đang được đào tạo tại Việt Bắc cũng “bị nạn oanh tạc của địch, trong số trên 40 người, 10 người bị chết và một số bị thương”.

Nhưng cán bộ, chiến sĩ và đồng bào Việt Bắc không hề nao núng. Trang nhật ký ngày 18/7/1947 ghi lại không khí tập luyện của dân quân du kích Hà Giang: “Trên một bãi cỏ rộng, cây cờ Việt Nam được dựng lên, và một số dân chúng ăn mặc đủ mọi cách, có kẻ quần áo rách tơi bời, thanh niên, thiếu nhi, phụ nữ cũng khá đông theo hiệu lệnh của huấn luyện viên cùng đồng bào thiểu số tập tành qua lại với khẩu súng bằng cây. Xem anh chị em tập tành rất có tinh thần. Cứ cách một khoảng ngắn lại gặp ngọn cờ đỏ sao vàng và một số dân quân như thế... Chúng mình nhìn theo mãi mà lòng chứa chan hy vọng. Phải có người ấy, tinh thần ấy mới gìn giữ được núi non bao la trùng điệp này...”.

Bác Hồ thăm lớp mẫu giáo tại chiến khu Việt Bắc ngày 19/5/1953. Ảnh tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh

Ngày 19/8/1947, máy bay Pháp bắn phá Bắc Kạn để phá cuộc mít tinh kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám, nhưng bộ đội và thanh niên, thiếu niên vẫn “ráo riết tập trận thâu đêm”; và buổi tối thiếu nhi vẫn đốt lửa trại mừng kỷ niệm ngày độc lập. “Ngồi rất lâu trong khi các em thiếu nhi đốt lửa trại để kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám, chúng mình liên tưởng đến ngày này năm ngoái ở Thủ đô, các lớp sóng người trùng trùng điệp điệp lượn trên các đường phố dài và lớn với bao nhiêu oai vệ tôn nghiêm của một dân tộc đương hăng hái, vui sướng với nền độc lập. Hôm nay giữa bốn vách rừng núi, tuy vậy trong phạm vi nhỏ hẹp hơn nhiều, nhưng cũng tinh thần ấy, cũng lòng hăng hái quả quyết ấy... nêu cao tinh thần bất hủ của cuộc cách mệnh dân tộc”.  

Ngày 12/1/1948, tác giả Lê Văn Hiến trải lòng “… Trải qua hai năm chiến đấu, dân tộc ta hiện tiến đến một hiện trạng mới. Nếu sự gian khổ đã làm cho một số người hèn nhát, khiếp nhược…, thì trái lại sự gian khổ cũng đào tạo, rèn luyện được một số người khác, mà lại là số đông, gan góc hơn, rắn rỏi hơn, càng chiến đấu, tinh thần càng hăng hái, càng gian khổ, ý chí quyết thắng càng vững chắc”.

Vĩ thanh

Cụ Lê Văn Hiến cũng chính là tác giả cuốn hồi ký “Ngục Kon Tum” nổi tiếng. Tại TP. Đà Nẵng hiện có 4 con đường mang tên Phan Thanh – Lê Thị Xuyến – Lê Văn Hiến và Thái Thị Bôi. Trong đó, nữ chiến sĩ cách mạng Thái Thị Bôi (cháu ruột của Thái Phiên, một lãnh tụ khởi nghĩa chống Pháp) là vợ đầu của cụ Lê Văn Hiến. Còn cụ Lê Thị Xuyến là phu nhân của nhà cách mạng nổi tiếng Phan Thanh. Sau khi cụ Thái Thị Bôi mất (năm 1938), và Phan Thanh mất (năm 1939), hai người đồng hương Lê Văn Hiến – Lê Thị Xuyến gặp nhau tại chiến khu Việt Bắc, và cùng nhau bước suốt chặng đường kháng chiến chông gai mà hào hùng…

Trần Tuấn


Ý kiến bạn đọc