Khúc tráng ca trên quê hương 10/3
Những ngày tháng Ba, Buôn Ma Thuột rộn ràng với Lễ hội Cà phê lần thứ 9, cùng nhiều hoạt động kỷ niệm 50 năm chiến thắng lịch sử.
Nhìn lại chặng đường chiến đấu oanh liệt của quân và dân trong nửa thế kỷ đã qua, Buôn Ma Thuột hôm nay càng trân trọng quá khứ, quyết tâm dựng xây thành phố xứng tầm là đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên.
Kiên cường, bất khuất trên chiến trường lửa đạn
Cuối năm 1974, cục diện chiến tranh có sự chuyển biến nhanh chóng theo hướng ngày càng có lợi cho cách mạng. Bộ Chính trị thông qua kế hoạch tác chiến chiến lược do Bộ Tổng tham mưu soạn thảo, thống nhất chọn Nam Tây Nguyên là hướng tiến công chủ yếu, bởi đây là địa bàn quan trọng về chiến lược nhưng bố phòng của địch có nhiều sơ hở. Quán triệt nghị quyết Bộ Chính trị đề ra, ngày 9/1/1975, Thường trực Quân ủy Trung ương họp bàn, quyết định mở Chiến dịch Tây Nguyên, lấy Nam Tây Nguyên là hướng tiến công chủ yếu, mục tiêu then chốt mở đầu là thị xã Buôn Ma Thuột.
Nhớ lại những tháng ngày xông pha trên chiến trận, ông Lê Viết Thiết (75 tuổi, ở phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột) không khỏi bồi hồi. Ông Thiết từng là một trong 24 chiến sĩ của Đội biệt động K2 do đồng chí Nguyễn Khắc Thuật, Tham mưu trưởng Thị đội Buôn Ma Thuột trực tiếp huấn luyện, giao nhiệm vụ.
![]() |
Ông Lê Viết Thiết (bên trái) cùng đồng đội ôn lại những năm tháng chiến đấu trên chiến trường |
Sinh ra ở Buôn Ma Thuột, là cư dân của dinh điền Thăng Đạt (thôn Kiên Cường, xã Hòa Thuận ngày nay) nên Lê Viết Thiết rất thông thạo địa hình thành phố. Bởi vậy, suốt những năm tháng làm nhiệm trên chiến trường lửa đạn, ông luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ rải truyền đơn, nắm tình hình của địch, ném lựu đạn vào các căn cứ của địch. Với phương thức hoạt động bí mật, ông đã cùng các đồng đội gây nhiều tổn hại cho địch, thông qua việc truy tìm và tiêu diệt nhiều tên ác ôn, sĩ quan, cảnh sát của địch, các đối tượng chỉ điểm… Ông Thiết nhớ lại: Trong trận đánh Buôn Ma Thuột, Đội Biệt động K2 được giao đảm nhiệm vùng cánh Bắc, dẫn đường cho bộ đội chủ lực tiến công các mục tiêu; phối hợp tổ chức đánh các ổ đề kháng, diệt tàn quân địch ngoan cố chống đối. Đồng thời, bám cơ sở, phát động quần chúng nổi dậy giành chính quyền; truy quét tàn quân, thu vũ khí, tài liệu địch, làm chủ địa bàn.
Dù tuổi đã cao, nhưng trong ký ức của ông Phạm Du Hà (85 tuổi, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk), những năm tháng trực tiếp khám chữa bệnh cho thương binh và người dân trong trận đánh Buôn Ma Thuột vẫn còn mãi. Ông là một trong những bác sĩ đầu tiên được điều động từ miền Bắc vào chiến trường Đắk Lắk sau khi tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội năm 1965 với chuyên ngành Đa khoa.
Bác sĩ Phạm Du Hà kể lại, năm 1975, ông được giao nhiệm vụ Thường trực Ban Y tế, công tác y tế khi đó gặp rất nhiều khó khăn do thiếu nhân lực, nguồn lực, trong khi rất nhiều thương binh và người dân cần chăm sóc. Các y bác sĩ vừa làm nhiệm vụ chính là chăm sóc thương binh, bệnh nhân, vừa chăm sóc sức khỏe, phòng chống bệnh tật cho đồng bào vùng căn cứ và vùng tranh chấp; đồng thời phải sản xuất và vận chuyển lương thực thực phẩm. Vật tư y tế thiếu thốn trầm trọng, cán bộ ngành y phải thường xuyên dùng vải màn, cắt miếng nhỏ, đem luộc để băng bó cho bệnh nhân. “Bàn mổ” thời chiến cũng chỉ làm bằng vật dụng tre nứa, lồ ô, được trải bằng lớp lá rừng, hoặc nilon; nẹp cố định cho người bệnh cũng phải tận dụng tre chẻ nhỏ. Tất cả các loại cây thuốc tìm thấy được đều đem tận dụng để bổ sung dược liệu nhằm tập trung cứu chữa, chăm sóc người bệnh...
![]() |
Ông Phạm Du Hà. |
Xứng danh quê hương anh hùng 10/3
Hòa bình đã mang lại ấm no, hạnh phúc và cả những đổi thay kỳ diệu cho phố núi Buôn Ma Thuột. Trên quê hương 10/3 ngày nay bạt ngàn cao su, bạt ngàn cà phê, bạt ngàn những vườn cây trái trĩu quả, có giá trị kinh tế cao, được áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại. Những nơi từng gánh chịu mưa bom bão đạn của địch, nay đã được khoác lên mình chiếc áo trù phú, xanh tươi, hiện đại.
Diện mạo mới của phố núi hôm nay cũng là minh chứng cho những chủ trương, đường lối đúng đắn, hiệu quả, được Trung ương, địa phương và nhân dân chung sức, đồng lòng vun đắp, dày công gây dựng. Những dự án trọng điểm đang được thi công trên địa bàn như: Đường Đông Tây, nâng cấp Cảng hàng không Buôn Ma Thuột; hạ tầng cụm công nghiệp Tân An 1, Tân An 2; Khu công nghiệp Hòa Phú; Hồ thủy lợi Ea Tam... hứa hẹn sẽ càng điểm tô cho bộ mặt Buôn Mê thêm khang trang, hiện đại.
Phó Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột Trần Đức Nhật thông tin, những năm gần đây, tình hình kinh tế - xã hội của thành phố tiếp tục duy trì phát triển, các hoạt động kinh doanh, sản xuất, thương mại - dịch vụ được duy trì phát triển ổn định, cơ cấu kinh tế từng bước chuyển dịch đúng định hướng, giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp và tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ. Trong 20 chỉ tiêu theo nghị quyết đề ra năm 2024, Buôn Ma Thuột có 6 chỉ tiêu nổi bật, vượt kế hoạch; 11 chỉ tiêu đạt kế hoạch và có 2 chỉ tiêu cơ bản đạt kế hoạch. Hiện nay, thành phố đang tập trung nguồn lực đầu tư cho công tác chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh; đẩy mạnh cải cách hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp. Từ đó, góp phần tạo điều kiện thuận lợi trong công tác kêu gọi, thu hút đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội.
Dành tình yêu đặc biệt cho chiến trường xưa Tây Nguyên nên dù ở Hà Nội, Đại tá Khuất Duy Hoan (nguyên Phó Tư lệnh Quân đoàn 3) vẫn đều đặn về thăm lại Đắk Lắk nói chung và Buôn Ma Thuột nói riêng bởi những vấn vương của một thời xông pha trận mạc. Xem phố núi như quê hương thứ hai của mình, ông bày tỏ: “Từ một thị xã nhỏ bé, hẻo lánh và bị tàn phá nặng nề sau chiến tranh, Buôn Ma Thuột hôm nay đã thực sự thay da đổi thịt, trở thành một thành phố trẻ trung, năng động, hiện đại, nhưng vẫn luôn ấm áp tình người, tình đồng chí, đồng đội. Tin rằng, thành phố sẽ còn phát triển vượt bậc trên nhiều mặt, đặc biệt sẽ tiếp tục đưa cà phê Buôn Ma Thuột vươn xa hơn nữa trên trường quốc tế, trở thành điểm đến cà phê của thế giới”...
Đúng vậy, Buôn Ma Thuột đang nỗ lực chuyển mình, vươn lên, xứng đáng với tầm vóc đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên theo Kết luận số 67-KL/BCT, ngày 16/12/2019 của Bộ Chính trị “Về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Các cơ chế, chính sách đặc thù của phố núi Ban Mê đã và đang được vận dụng một cách sáng tạo, hiệu quả…, góp phần thu hút vốn đầu tư và tạo thêm nhiều nguồn lực thúc đẩy thành phố vươn mình phát triển nhanh về mọi mặt.
Quỳnh Anh
Ý kiến bạn đọc