Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng, chỉnh đốn Đảng: Từ Hội nghị Trung ương 4, khóa XI đến Trung ương 4, khóa XIII

14:32, 22/12/2021

Trong 3 khóa liên tục, Đại hội XI, XII, XIII đều chọn Hội nghị Trung ương 4 là hội nghị đầu mỗi khóa để bàn về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Mỗi hội nghị đều có sự kế thừa, phát triển mới cả về “lượng” và “chất”, mở rộng phạm vi và nội dung nhằm xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh.

Rộng về lượng

Hội nghị Trung ương 4, khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16/1/2012 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, tập trung vào 3 vấn đề cấp bách nhất trong công tác xây dựng Đảng gồm: đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên; xây dựng đội ngũ lãnh đạo cán bộ quản lý các cấp; xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền... Trung ương đã đề ra 4 nhóm giải pháp đồng bộ để thực hiện nhằm tạo sự chuyển biến cụ thể, thiết thực trong công tác xây dựng Đảng.

Đại hội lần thứ XII của Đảng đã có báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI, chỉ rõ kết quả đạt được, góp phần đấu tranh, ngăn chặn tình trạng suy thoái trong Đảng nhưng khẳng định vẫn chưa đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra. Vì vậy, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận, ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW, ngày 30/10/2016 về "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”; “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn chủ trì một hội nghị về công tác xây dựng Đảng.

Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII đã xác định, nhận diện cụ thể hơn và hệ thống tương đối đầy đủ, rõ ràng hơn những biểu hiện suy thoái bằng việc “định danh” 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Nghị quyết này đã tạo hiệu quả rõ rệt trên các mặt xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức, cán bộ, kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng, phòng, chống tham nhũng. củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân.  Trên cơ sở kế thừa những thành quả của Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI, XII, Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII đã thảo luận và ban hành Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 về "Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”" với nhiều điểm sát hợp với tình hình mới. Kết luận số 21 đã mở rộng phạm vi, không chỉ trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà còn bao gồm cả trong xây dựng hệ thống chính trị theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng. Điều này khẳng định Đảng ta luôn coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện là then chốt.

 

“Mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt là người đứng đầu, người chủ trì phải gương mẫu, tự giác làm trước; căn cứ vào nghị quyết, kết luận và quy định lần này, nghiêm túc tự phê bình, kiểm điểm, tự soi lại mình, đơn vị mình, gia đình mình, cái gì tốt thì phát huy, cái gì khiếm khuyết thì tự điều chỉnh, cái gì xấu thì tự gột rửa, tự sửa mình”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Sâu về chất

Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII đã bổ sung thêm những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “tiêu cực” sát hợp với tình hình mới.

Trong đó nhấn mạnh, nguy hiểm nhất là sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường xã hội chủ nghĩa; nói trái, làm trái quan điểm, đường lối của Đảng; sa sút về ý chí chiến đấu... Những biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức, lối sống, đó là sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, hám danh, hám quyền lực, tham nhũng, tiêu cực; bè phái cục bộ, mất đoàn kết; quan liêu, xa dân, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của dân. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Từ sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, cơ hội, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”.

Để đấu tranh với những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “tiêu cực”, Kết luận số 21-KL/TW khẳng định tiếp tục tiến hành đồng bộ và quyết liệt 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp mà Hội nghị Trung ương 4, khóa XII đã đề ra, đồng thời bổ sung, nhấn mạnh thêm 2 nhóm nhiệm vụ, giải pháp: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu gắn với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm”.

Cử tri huyện Ea Kar phát biểu ý kiến liên quan đến công tác xây dựng đội ngũ cán bộ tại hội nghị tiếp xúc cử tri do Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện tổ chức.

Điểm mới của Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII là cùng với việc tiếp tục đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, Đảng ta còn nhấn mạnh đến việc “xử lý nghiêm những cán bộ sai phạm”. Điều này cho thấy bước chuyển biến mới trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đó là chuyển trạng thái từ “phòng ngừa” sang “tấn công” với một quyết tâm rất cao theo đúng phương châm “không có vùng cấm” trong xử lý sai phạm.

Để “tấn công” trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, Kết luận 21 khẳng định cần “thực sự dựa vào nhân dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”. Theo đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, thời gian tới, cần thực hiện tốt quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam, phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong giám sát, phản biện xã hội về xây dựng chính sách, pháp luật, đặc biệt là công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là giám sát người đứng đầu các cơ quan nhà nước và đại biểu dân cử.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.