Multimedia Đọc Báo in

Đậm đà đặc sản Tây Nguyên

07:16, 06/11/2022

Nền văn hóa ẩm thực của Tây Nguyên vốn rất phong phú, độc đáo. Những sản vật đặc trưng đi cùng bí quyết chế biến của người dân địa phương tạo nên nhiều món ăn với hương vị đặc biệt, có sức hấp dẫn với du khách.

Đơn cử như món “Gà nướng Bản Đôn” và “Thịt nai nướng” - hai món vừa được Tổ chức kỷ lục Việt Nam (Hội Kỷ lục gia Việt Nam) công nhận chọn vào top món ăn đặc sản Việt Nam (2021 - 2022) theo Bộ tiêu chí công bố giá trị ẩm thực, đặc sản Việt Nam.

Gà nướng hay thịt nai nướng là một trong những món ăn dân dã, gần gũi với đời sống người dân Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng. Hầu như điểm, khu du lịch nào cũng có món này trong thực đơn để phục vụ du khách. Tuy nhiên, để trở nên khác biệt và là một trong những món ăn đặc sản được công nhận, thì nó có những đặc điểm, bí quyết riêng không nơi nào có được.

Gà nướng Bản Đôn có xuất xứ ở huyện Buôn Đôn, nổi tiếng thơm ngon với vị thơm, ngọt, dai dai của thịt gà và sự đậm đà của muối chấm. Món này ăn kèm với cơm nếp hoặc cơm lam ống tre, luôn là lựa chọn đầu tiên của du khách khi đến vùng đất này. Theo người dân nơi đây, gà nướng ngon là bởi nguyên liệu. Gà lựa chọn để làm món ăn chủ yếu là gà thả vườn, ăn thức ăn tự nhiên, không cám tăng trọng. Trọng lượng gà không quá to, không quá nhỏ nhưng cũng phải nuôi ít nhất 6 tháng thì thịt mới có độ dai, không bở.

Thưởng thức món ăn theo kiểu dân dã của người dân Đắk Lắk. 

Mỗi gia đình, nhà hàng sẽ có những cách ướp gà khác nhau, ngoài những gia vị thông thường thì không thể thiếu nước sả, mật ong. Đặc biệt, Buôn Đôn nổi tiếng là vùng đất đa dạng, phong phú về loài cây làm gia vị; ngoài ra còn có người Việt gốc Lào sinh sống, vì vậy bí quyết để ướp món gà nướng càng trở nên đặc biệt, hấp dẫn hơn. Gà sau khi ướp thấm kỹ gia vị được nướng trên than củi, than phải luôn cháy hồng, âm ỉ;  được xoay trở liên tục để chín từ từ, từ trong ra ngoài, đến khi da vàng ươm, cháy sém, tỏa mùi thơm hấp dẫn. Để thưởng thức món gà nướng Bản Đôn trọn vị phải kể đến muối chấm, có thể là muối lá é, muối sả, hay đơn thuần là muối ớt; nhưng nhất định người đầu bếp phải dùng ớt rừng hay ớt hiểm nhằm tăng vị món chấm; vừa ăn, vừa hít hà để cảm nhận những nguyên liệu và gia vị độc đáo hòa quyện vào nhau.

Nai nướng cũng là một trong những món ăn được du khách nhắc đến khi tới Đắk Lắk. Tỉnh có vùng nguyên liệu khá ổn định, vì vậy những món ăn từ nai được người dân ưa chuộng. Thịt nai có thể chế biến theo các kiểu xào lăn, nhúng mẻ, nấu cháo, làm khô nai… Tùy theo nhu cầu và hoàn cảnh mà người dùng lựa chọn cách ăn, chế biến cho phù hợp. Nhưng với du khách, những người phương xa đến, hầu hết đều chọn món nai nướng. Thịt nai thái mỏng, sau đó ướp một chút gia vị quen thuộc như mắm, muối, gừng… cho thấm rồi đem nướng; ngon nhất vẫn là vừa nướng, vừa thưởng thức, món ăn nóng hổi mà ngọt lịm, thịt  không bị dai. Theo kinh nghiệm của những người đi rẫy, thịt nai cắt tảng vừa phải (khoảng bằng bàn tay), không cần ướp mà nướng trực tiếp trên bếp lửa, bề ngoài cháy sém thì bên trong chín tới, thái cục chấm cùng muối sả cũng rất ngon. Kiểu thưởng thức này vẫn có du khách lựa chọn, nhưng thông thường chỉ dành cho những đối tượng du lịch mạo hiểm, trải nghiệm hoặc ở homestay.

Bà Chín Lào, chủ quán ăn Lào tại Khu du lịch Buôn Đôn đang chuẩn bị món nướng phục vụ du khách.

Nếu không có cơ hội thưởng thức thịt nai tươi, du khách cũng có thể chọn nai khô, vừa mang về làm quà, vừa nhâm nhi để nhớ những ngày trải nghiệm tại Đắk Lắk. Để làm được khô nai ngon cũng không thể thiếu gia vị, thịt nai tươi được thái thành những lát mỏng, rồi mang tẩm ướp với nhiều gia vị truyền thống đến khi thấm đẫm rồi đem phơi khô hoặc sấy. Khi ăn, đem nướng trên than củi, sau đó dùng chày đập cho miếng thịt mềm và bung lên từng thớ, xé ra và ăn chậm rãi để cảm nhận vị thơm, ngọt đặc trưng của khô nai.

Hiện nay, những món ăn hấp dẫn trên đều được phục vụ tại các địa phương hoặc điểm, khu du lịch trên địa bàn tỉnh. Dù rằng, hương vị có khác nhau do cách thức chế biến, gia vị gia giảm nhưng nó đều mang đặc trưng riêng của núi rừng Tây Nguyên. Đặc biệt, khi quây quần bên bếp lửa giữa nhà sàn, nhà dài vít ống rượu cần, nghe điệu ay ray; hay ngồi giữa rừng, nghe tiếng thác reo mà nhâm nhi gà nướng, nai nướng sẽ là một trải nghiệm khó quên với du khách.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.