Multimedia Đọc Báo in

Cảm xúc Mường Lay

07:17, 17/09/2023

Mường Lay xưa vốn là kinh đô của chúa Thái - Đèo Văn Long; sau Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, mảnh đất này trở thành thủ phủ của tỉnh Lai Châu (cũ), nay Mường Lay là một thị xã nhỏ thuộc tỉnh Điện Biên.

Với diện tích chưa đầy 12 nghìn héc ta, thị xã Mường Lay nằm trong một thung lũng hẹp và dài, nơi giao nhau của sông Đà, sông Nặm Na và suối Nặm Lay. Khi mực nước của lòng hồ thủy điện Sơn La dâng cao hơn 200 m giữa một không gian rộng hơn 100 mẫu đất thì Mường Lay như là vịnh Hạ Long giữa miền Tây Bắc. Dòng sông Đà hung dữ năm xưa mà Nguyễn Tuân từng miêu tả trong tùy bút nổi tiếng giờ đây trở nên hiền hòa, trong xanh phẳng lặng. Dừng chân đứng giữa mảnh đất này, tâm hồn con người như được kết nối giữa hiện tại và quá khứ xa xăm.

Cầu Hang Tôm.

Nếu có dịp đi vãn cảnh lòng hồ, lữ khách có thể ghé qua đất Lai Châu để thăm và tìm hiểu về dinh thự vua xứ Thái, thăm mô hình nuôi cá lồng của người dân bản địa. Đặc biệt nơi đây cũng luôn hấp dẫn đối với những người thích khám phá và ưa mạo hiểm với các hoạt động như câu cá trên sông Đà, leo núi khám phá Hang Bản Bắc hoặc tản bộ xuyên rừng tới thăm các bản làng nằm ẩn mình bên vách núi cheo leo. Những cung đường thơ mộng đến Lai Châu có thể bắt đầu từ cầu Hang Tôm mới băng qua Chăn Nưa rồi Pa Tần - Phong Thổ với chiều dài hơn 100 km - là cung đường tránh ngập uốn lượn trên triền núi tựa như sợi dây thừng đang trườn mình trên cao. Từ trên bờ vực sâu nhìn xuống sẽ thấy sông Nặm Na bám theo những đường gấp khúc, quanh co của con đường cũ năm xưa. Nhiều đoạn sông bỗng trải rộng, ngập tràn đến tận vách núi, chân trời, nơi thuở xưa là đồng ruộng, là bến nước hoặc bãi bồi cho trâu, bò gặm cỏ giữa tiếng mõ rừng chiều. Đứng xa xa trông ra chỉ thấy bản làng với những ngôi nhà sàn xinh xắn trên rẻo cao đang ẩn hiện giữa áng mây mù lãng đãng. Thỉnh thoảng xuất hiện trên sông con thuyền độc mộc trôi qua lờ lững, điểm tô nét thi vị cho miền sơn cước.

Dấu tích dinh thự chúa Thái Đèo Văn Long.

Không chỉ nổi tiếng với những nếp nhà sàn, Mường Lay còn được tô điểm bởi những cây cầu. Đó là cầu Hang Tôm, từng được xưng tụng là “Đông Dương đệ nhất kiều” - cầu lớn nhất Đông Dương. Cây cầu này vắt mình nối liền hai bờ Điện Biên và Lai Châu. Cũng như dinh thự chúa Thái Đèo Văn Long, toàn bộ cây cầu Hang Tôm cũ giờ đây đã chìm xuống lòng hồ sâu vời vợi, để rồi mỗi lần đứng trên cầu Hang Tôm mới, ta chợt hoài niệm về một thời quá khứ đã qua. Ông Khăm Ching, người dẫn đường cho chúng tôi đến Mường Lay kể rằng dưới chân cầu Hang Tôm xưa có một hang tôm với lượng tôm càng xanh nhiều vô kể trở thành nguồn cung cấp thực phẩm dâng cho chúa Thái và nhân dân Mường Lay.

Mường Lay không chỉ có cảnh quan thiên nhiên thơ mộng mà còn quyến rũ lòng người bởi nét văn hóa đa dạng và độc đáo của các dân tộc anh em chung sống. Mỗi dân tộc nơi đây đều mang bản sắc văn hóa riêng, tạo nên nét đẹp hết sức đa dạng, phong phú. Mường Lay được xem là thủ phủ của người Thái trắng ở Điện Biên, nơi sản sinh ra những điệu múa nón, múa khăn, múa quạt duyên dáng, nhiều vũ nữ xứ Thái xưa đã từng được chúa Thái Đèo Văn Long tuyển chọn vào dinh biểu diễn trong những cuộc vui hay những dịp đón tiếp những viên quan Tây đến từ mẫu quốc. Sau giải phóng Điện Biên, những vũ nữ trong đội múa đã thoát khỏi cảnh cá chậu, chim lồng, để rồi họ đem tuyệt kỹ một thời truyền lại cho lớp người sinh sau...

Đến Mường Lay ngày nay, du khách còn có thể tham quan các làng nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, chế tác nhạc cụ dân tộc ở phường Na Lay, sản xuất và chế biến đồ gỗ ở phường Sông Đà hay nghề đan lát đồ gia dụng ở xã Lay Nưa. Tối đến, dừng chân trong những ngôi nhà sàn truyền thống, ta có thể thưởng thức những món ẩm thực hấp dẫn như canh bon, nộm hoa ban, gỏi, lạp, các món cá nướng, đặc biệt không thể không kể đến món cá lăng và tôm sông Đà nổi tiếng. Giữa hương thơm rượu ngô bay theo làn gió ngây ngất, ta hòa vào vòng xòe, điệu múa và thả hồn mình theo giọng ca, tiếng hát của những cô gái Thái có mái tóc mượt mà ẩn hiện giữa sương khói dưới đêm trăng.

Xe chúng tôi chạy dọc ven sông Đà dưới ánh trăng vàng dát lên con đường mềm như dải lụa, đi qua những ngôi nhà sàn lợp ngói đá dựng kề nhau san sát, đầu hồi có mấy người con gái Thái da trắng ngần, mái tóc mềm mại nhuộm đầy ánh trăng giữa làn sương mỏng mềm mại, thướt tha.

    Khăm Kẹo Tha Na Sủn Thon           


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.