Linh hồn của làng Thạc Gián
Từ đầu hẻm 478 Lê Duẩn, phường Chính Gián, quận Thanh Khê (TP. Đà Nẵng) vào chừng 300m, ngay phía bên trái là một ngôi đình cổ kính: đình Thạc Gián.
Ngôi đình lọt thỏm trong khu phố đông đúc cư dân nhưng vẫn toát lên vẻ thâm trầm, lặng lẽ bởi không gian rộng rãi, cây cối che phủ râm mát. Với nghệ thuật kiến trúc tao nhã mà không kém phần độc đáo, đình Thạc Gián đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia từ năm 2007.
Ngược dòng lịch sử, vào thời kỳ vua Lê Thánh Tông dẫn quân đi mở mang bờ cõi phương Nam, trong đoàn người đó có ông Huỳnh Văn Phước đã ở lại vùng đất này khai canh, rồi sau đó các bậc tiền nhân khác cùng đến lập ra làng Thạc Gián - Hầm Bứa. Không rõ về năm đặt nền móng của ngôi đình, chỉ biết rằng từ khi có làng Thạc Gián là có mái đình với nhiều lần sửa chữa, xây dựng, làm mới nên ngôi đình làng mới có được dáng dấp trầm mặc như bây giờ.
Chính điện đình Thạc Gián. |
Đình Thạc Gián được kết cấu theo kiểu nhà 3 gian, 2 chái, chính điện và hậu tẩm với 5 hàng cột gỗ tròn quý hiếm, mỗi hàng có 6 cột đứng trên hai hàng đá tán, lớp dưới đá hình bát giác lớn, hàng trên là đá tròn theo kiểu quả quý rợ, nhỏ hơn trông rất đẹp mắt cùng với 4 bộ vì kèo tỉ mẩn, chạm khắc công phu. Mái ngói âm dương phủ màu xanh nhạt cùng với nóc hình lưỡng long chầu nguyệt được ghép bằng các mảnh sành sứ, các bờ góc hình quy, phượng, mái hiên gắn đĩa men lam làm ta liên tưởng tới các lăng tẩm ở cố đô Huế. Hậu tẩm được xây bằng gạch thẻ theo lối vòm cuốn. Đình là nơi dân làng thờ Thành hoàng và Phi vận tướng quân Nguyễn Phục, quê tỉnh Hải Dương, vị quan tài ba của triều Lê bị xử trảm oan nghiệt tại xóm Đồng khi thuyền lương nhu đến trễ do bão tố. Trước cửa chính điện có hai pho tượng nghê ngồi đối thủ với nhau như canh gác đêm ngày và phía hai bên bức bình phong là hai pho tượng voi to lớn, màu trắng đứng ngẩng cao vòi nhìn vào phía cửa đình rất uy nghi. Ngày xưa, hai gian tả, hữu trước đình là nơi dành để hội họp của các bậc kỳ lão, hương thân, chức sắc trong làng. Hai gian nhà này cũng là nơi để chủ bái sửa soạn áo quần, mũ mão, các đồ đệ, học trò tập trung và các nghi thức khác chuẩn bị tiến hành mỗi khi lễ lạt diễn ra. Phía đông bắc của đình là miếu âm linh, sau đình là nhà hồi hương, còn gọi dịch trạm để cho khách khứa, quan lại tuần du, quân lính đi đưa văn thư ăn uống, nghỉ ngơi mỗi khi dừng chân. Bên hướng tây nam là nhà trù, dùng làm nơi nấu nướng, dọn cỗ dâng cúng tại đình.
Một cái giếng cổ nằm bên ngôi nhà trù rất sâu, nước quanh năm trong mát. Đây là một trong ba giếng cổ của tổng Bình Thới Hạ, tức Đà Nẵng ngày nay (cùng với giếng Bộng, xóm Bình Thuận, làng Hải Châu; giếng Từ Vân, xóm Vĩnh Trung). Từ thời Cảnh Hưng, nhà hậu Lê đến vua Bảo Đại thứ 10 (1935), triều Nguyễn, đình Thạc Gián được ban 18 sắc phong, 38 chiếu chỉ, một minh chứng về ngôi đình này có từ rất lâu đời.
Theo đánh giá của Trung tâm Quản lý di tích TP. Đà Nẵng thì đình Thạc Gián là mái đình duy nhất của TP. Đà Nẵng còn giữ gần như nguyên vẹn về kiến trúc cũng như đậm nét văn hóa của làng quê xưa. Tấm bia đá sa thạch bạc màu dựng trong khuôn viên đình làng khắc 5 chữ lớn “Thạc Gián xã nghĩa trủng” đã cho thấy đây là vùng đất lầy lội mà tiền nhân đã khai phá từ buổi hoang sơ. Đình Thạc Gián được xem là linh hồn về tín ngưỡng văn hóa, tinh thần của bà con dân làng bao đời nay.
Thái Mỹ
Ý kiến bạn đọc