Non nước Cao Bằng (bài 1)
Cao Bằng là vùng đất biên viễn, phên giậu của Tổ quốc. Nơi đây không chỉ có sơn kỳ thủy tú mà còn là vùng đất giàu bản sắc văn hóa, gắn với những sự kiện, nhân vật lịch sử.
Bài 1: Giấc mơ Cao Bằng
Từ nhỏ, trong tôi cứ ám ảnh với câu ca dao “Nàng về nuôi cái cùng con/ Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng”. Non nước Cao Bằng hẳn đẹp lắm, đến mức dân gian phải tha thiết nhắn gởi tâm tình. Vì lẽ đó, đầu tháng 5 này tôi đã làm chuyến "ta ba lô" từ miền Trung nắng gió đến vùng đất địa đầu Tổ quốc, thực hiện giấc mơ thời tuổi trẻ là phải ít nhất một lần trong đời đặt chân đến đây.
Mặc dù chưa đi Cao Bằng nhưng tôi biết vùng đất này qua sách vở. Xưa nữa không nói, nhưng chí ít đầu thế kỷ 11, dưới thời nhà Lý, Cao Bằng đã là phần đất thuộc cương thổ Việt Nam, bao gồm dải núi non rộng lớn của châu Quảng Nguyên. Nửa cuối thế kỷ 15 thời Lê sơ, vua Lê Thánh Tông đã cho lập Thừa tuyên Thái Nguyên gồm 3 phủ, trong đó có phủ Cao Bằng. Năm 1499, vua Lê Hiến Tông (niên hiệu Cảnh Thống) cho tách phủ Cao Bằng ra khỏi Thừa tuyên Thái Nguyên, lập thành một trấn riêng, trở thành đơn vị hành chính độc lập, ngang cấp tỉnh ngày nay.
Cứ nghĩ Cao Bằng xa xôi ít khách du lịch. Hóa ra tôi nhầm, gọi điện đặt xe phải hơn 10 hãng mới tìm ra vé. Đặt phòng khách sạn ở TP. Cao Bằng còn “căng” hơn. Tìm hiểu ra, mùa này là mùa du lịch cao điểm, nhất là dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 kéo dài đến 5 ngày nên khách du lịch nhiều nơi đổ về Cao Bằng.
Chuyến xe đêm đưa tôi đến TP. Cao Bằng vào sáng sớm. Thành phố miền biên giới còn mờ sương. Vậy là tôi chính thức đặt chân đến vùng đất trong giấc mơ thời trẻ. Đúng như tôi hình dung nhưng sự kỳ vĩ thì vượt xa tưởng tượng.
Cao Bằng hiện ra như bức tranh thủy mặc khổng lồ. Trong tầm mắt xa gần hiện ra là những dãy đồi bát úp liền kề, phía sau nữa là những dãy núi đá vôi nhiều hình thù, in lên nền trời bóng hình xanh thẫm.
Và sông, suối, hồ, rất nhiều những con sông, lớn như sông Gâm, sông Bằng Giang, vừa như sông Quây Sơn, sông Nho Quế, sông Năng, sông Hiến…, tất cả như những dòng nhạc chảy đan xen giữa núi rừng tạo nên bản hòa âm có tên Cao Bằng.
Sông Bằng đoạn chảy qua thành phố Cao Bằng. |
Khí hậu Cao Bằng giao mùa giữa xuân, hạ khá dễ chịu. Anh bạn thổ địa tôi vừa làm quen bảo, ở đây khác với nhiều tỉnh vùng Tây Bắc và Đông Bắc, khí hậu quanh năm ôn hòa, trừ những đỉnh núi cao, còn lại không hề có băng tuyết như ở Sa Pa (Lào Cai) hay Lạng Sơn.
Mùa hè nhiệt độ trung bình cũng chỉ tầm trên 30oC, mùa đông nhiều gió nên khí hậu gần với ôn đới, nhiệt độ trung bình khoảng 6 - 8oC.
Do nằm ở vị trí cao của vùng Đông Bắc nên thi thoảng có những hình thái thời tiết thất thường, tuy nhiên nhìn chung các mùa đều có nhiệt độ ở ngưỡng không cực đoan, xuân hạ ấm áp, thu đông mát mẻ, hơi lạnh chút đỉnh so với đồng bằng.
Người Cao Bằng tôi gặp cũng có nét tính cách của người vùng cao, chân tình, cởi mở và hiếu khách.
Hầu hết ở đây là dân tộc thiểu số, người Tày đông nhất, chiếm hơn 40%, kế đến là người Nùng 30%, còn lại là nhiều dân tộc anh em khác như Dao, Mông, Sán Chỉ, Lô Lô…
Hôm tôi đến khu chợ đêm ở phố Kim Đồng giữa lòng TP. Cao Bằng, cứ hoa mắt vì các loại trang phục, không biết trang phục nào gắn với dân tộc nào. Anh bạn thổ địa bảo, mình sinh ra, lớn lên ở đây mà đôi khi còn nhầm nữa là bạn.
Đại thể người Tày có trang phục màu chàm, không hoặc ít hoa văn, người Nùng cũng gần giống vậy nhưng tùy theo nhóm (giới tính, tuổi) mà có sự khác biệt chút ít. Trang phục của người Dao, Mông, Sán Chỉ nhiều màu sắc, hoa văn hơn, đặc biệt rực rỡ và ấn tượng là trang phục của người Lô Lô.
Quả thật, nhìn ngắm các cô gái Lô Lô không hề chán mắt. Từ đầu đến chân gồm khăn, áo, váy, màu sắc sặc sỡ, nhiều họa tiết đẹp, cộng thêm các loại trang sức như vòng bạc, kiềng, chuỗi cườm… khiến mỗi cô gái như một bức tranh di động.
Ẩm thực Cao Bằng thì khỏi nói, đơn giản nhưng ngon khó cưỡng. Thói quen của tôi là đi đâu cũng tìm đến thăm các ngôi chợ, đó là nơi bảo tồn, lưu giữ nét văn hóa địa phương rõ nhất và cũng là nơi các món ẩm thực bày biện nguyên gốc, nguyên trạng nhất.
Hầu như các huyện thị trong tỉnh Cao Bằng đều có chợ phiên, cách nhau khoảng 5 ngày có một phiên.
Nổi tiếng và được nhiều người biết đến là các ngôi chợ phiên Pò Tấu, chợ Pò Peo ở huyện Trùng Khánh, chợ Háng Châu ở huyện Quảng Uyên, chợ Bản Ngắn ở huyện Trà Lĩnh…
Ở những ngôi chợ này, ngoài việc bày biện, mua bán các loại hàng hóa như ở dưới xuôi còn có thêm rất nhiều những sản vật địa phương: măng, nấm, rau rừng, mật ong, thảo dược, thổ cẩm, vật dụng đan lát thủ công…
Riêng về ẩm thực thì cả một thế giới vùng cao đầy màu sắc như xôi bảy màu, phở chua, bánh coóng, bánh trứng kiến (người Tày gọi là pẻng rày), hạt trám nướng… Mỗi món ăn mỗi hương vị, sắc màu khiến du khách cứ ngẩn ngơ.
Hương rừng vị núi là đây, căn cốt quê hương bản quán là đây, trong món ăn thường nhật chứ không phải kiếm tìm đâu xa qua sách vở hàn lâm.
Vậy đó, Cao Bằng ùa vào trong tôi đầy ấn tượng, vừa có sự kỳ vĩ của non nước, vừa mê đắm bởi sự chất phác, gần gũi của con người và nét văn hóa vùng cao. Giấc mơ Cao Bằng thời trẻ của tôi đã thành hiện thực. Nhưng sẽ là chưa hết, bởi phía trước tôi còn những hành trình ngắn khác, đến với những nơi mà nhiều người ao ước ghé thăm như thác Bản Giốc, hang Pắc Bó…
(Còn nữa)
Bài 2: Đường qua thác Bản Giốc
Phạm Xuân Hùng
Ý kiến bạn đọc