Multimedia Đọc Báo in

Chuối chần xứ Quảng

04:14, 26/01/2023

Ẩm thực ngày Tết ở xứ Quảng rất phong phú và độc đáo. Trong đó, chuối chần là món ngon không thể thiếu trong gian bếp của nhiều gia đình.

Đặc sản này có nhiều tên gọi như dưa chuối chát, dưa chuối sứ, chuối chát dầm chua ngọt… nhưng phổ biến nhất vẫn là chuối chần. Tên gọi trên bắt nguồn từ một công đoạn không thể thiếu khi chế biến: dùng vật nặng đè lên (chần) cho quả chuối bớt chát.

Chuối chần được xem là món khai vị không thể thiếu mỗi dịp Tết đến xuân về tại nhiều vùng thôn quê Quảng Nam. Tuy dân dã nhưng món ăn này được nhiều người yêu thích bởi hương vị thơm ngon rất riêng và hơn nữa, đây còn là hình ảnh thân thương của ngày Tết cổ truyền trong lòng người dân xứ Quảng.

Chuối chần phổ biến vì nguyên liệu làm món này không quá cầu kỳ. Chỉ với vài quả chuối sứ, ít chanh, ớt, gừng có thể tìm trong vườn cùng một vài gia vị thông thường như muối, đường, giấm đã có thể làm được những đĩa chuối chần bắt mắt cho bữa cơm sum vầy ngày Tết theo hương vị, sắc màu.

Hấp dẫn món chuối chần.

Làm chuối chần không khó nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ. Trước tiên là công đoạn sơ chế. Ớt, tỏi, gừng được giã nhỏ cho món ăn thêm cay và đẹp mắt. Chuối sứ chọn quả còn non, tước hết vỏ ngoài, dùng dao cắt ngang hoặc chéo hai phần ba quả thành những lát mỏng đều nhau. Xong quả nào cho ngay vào thau nước pha chanh để giữ cho chuối không bị thâm đen.

Tiếp đến là công đoạn luộc chuối. Món chuối chần có trắng đẹp hay không phụ thuộc vào công đoạn này. Nước luộc chuối phải cho thêm ít muối. Khi nước sôi, cho chuối vào, đợi chuối vừa chín tới thì vớt ra cho ngay vào thau nước đá lạnh. Luộc lâu chuối sẽ nhừ nát và như thế, món chuối chần không còn trọn vẹn.

Cuối cùng, đặt chuối luộc lên thớt, lấy đĩa chần lên trên rồi dùng tay ép cho chuối ra hết nước chát. Sau đó, xếp chuối vào hũ, cho nước dầm được pha sẵn từ đường, muối, giấm, gừng, ớt, tỏi vào, đợi vài hôm cho chuối ngấm gia vị là có thể dùng được.

Chuối chần sau hai đến ba ngày dầm có màu trắng đục, quả chuối mềm, thơm cay dễ chịu, hài hòa các vị chát, chua, cay, mặn, ngọt, kích thích vị giác, mang đến cảm giác lạ miệng cho người dùng. Bởi đó, chuối chần thường được ưu tiên làm món khai vị trong bữa cơm đãi khách ngày xuân của người xứ Quảng. Đôi khi, ngày Tết thịt cá dư thừa, chuối chần trở thành thức nhắm yêu thích của người Quảng bên cốc bia, ly rượu mừng xuân.

Ngày Xuân, về thăm xứ Quảng, qua những miền quê yên bình, uống rượu Hồng Đào, thưởng thức đĩa chuối chần đủ năm vị chua, cay, chát, mặn, ngọt, nghe hương sắc xuân rộn rã khắp đất trời, chắc hẳn sẽ là một trải nghiệm khó quên!

Phạm Tuấn Vũ


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.