Multimedia Đọc Báo in

Gửi hiến thanh xuân cho sự học vùng sâu

06:52, 14/11/2021

Đam mê, tận tụy với công việc, hết lòng vì học sinh, nhiều giáo viên đã dành cả thanh xuân của mình để "gieo chữ" và tiếp lửa yêu thương cho nhiều học trò nơi vùng sâu, vùng xa của tỉnh…

“Gieo yêu thương” cho học sinh vùng khó

Tốt nghiệp cao học chuyên ngành sư phạm, cuối năm 2013, thầy Hồ Quang Đạo về nhận công tác tại Trường THPT Trần Hưng Đạo (xã Cư Drăm, huyện Krông Bông). Từ nhịp sống phố thị sầm uất, sôi động, khi về với địa bàn vùng khó khăn, nơi học sinh dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ khoảng 75%, việc học hành còn nhiều vất vả, thầy Đạo thêm gắn bó với mảnh đất này. Thầy tâm sự rằng, có lẽ nhiều người không tin, nhưng nếu ngày đầu tận mắt chứng kiến lũ học trò đang tuổi ăn tuổi ngủ mà phải dựng lều trọ học với muôn vàn khó khăn giữa tiết trời lạnh căm, thì bạn cũng sẽ dâng tràn những cảm xúc yêu thương, mong muốn làm được điều gì đó thiết thực cho các em.

8 năm công tác xa nhà, thầy Đạo luôn chịu khó học hỏi, nâng cao kiến thức chuyên môn, đưa công nghệ thông tin vào việc giảng dạy. Sự nỗ lực ấy được đền đáp xứng đáng khi nhiều năm liền, thầy được các cấp khen thưởng vì hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, có sáng kiến kinh nghiệm dạy học và là một trong những giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.

Thầy Hồ Quang Đạo (bìa phải) hướng dẫn học sinh ôn bài.

Nhưng đó không phải là tất cả. Học sinh ở địa bàn vùng đặc biệt khó khăn quý mến thầy hơn thế bởi sự tận tâm, trách nhiệm và tấm lòng nhân hậu.

Năm 2014, biết chuyện một học sinh giỏi bỏ học giữa chừng vì gia cảnh nghèo khó, phụ huynh thường xuyên say xỉn và gây gổ với mọi người, thầy đã đến tận gia đình để tìm hiểu ngọn ngành. Không ai biết cậu học trò đi đâu, thầy xin số điện thoại rồi liên tục gọi, nhưng máy không liên lạc được.

Nhận được tin nhắn của thầy Đạo: “Nếu em muốn học tiếp thầy sẽ giúp, muốn đi làm thầy cũng sẽ giúp…”, cậu học trò đang chơi vơi, chán chường đã quyết định gọi lại và cho biết mình đang hái cà phê thuê ở một nơi hoang vu, heo hút. Tìm cách kết nối, thầy gửi tiền và nhờ người đón xe đưa học trò trở về nghỉ ngơi tại nơi ở của mình. Liên tiếp sau đó, những cuộc chuyện trò giữa thầy, học trò, phụ huynh đã hóa giải mọi khúc mắc để cậu bé yên tâm đến trường. Động lực, tình yêu ấy được tiếp tục vun đắp khi cậu học trò đó bước vào lớp 12, thi đỗ đại học và cả khi những biến cố đến với gia đình.

Thầy giáo Hồ Quang Đạo (bìa phải) đến thăm, chuyện trò cùng học sinh trọ học.

Không đơn thuần dạy chữ, thầy Đạo còn đem đến cho học sinh niềm hy vọng. Nơi nào có học sinh của mình sinh sống, dù đường làng, ngõ hẹp gập ghềnh, xa ngái, thầy đều đến thăm để hiểu và giúp đỡ. Cũng với cách tiếp cận rất tự nhiên và chân thành, thầy đã động viên, khích lệ nhiều trường hợp bỏ học trở lại trường. Có 5 em hoàn cảnh khó khăn được thầy làm cầu nối với các học bổng uy tín khi bước chân vào đại học. Cũng có khi vì quá bức xúc trước thái độ cực đoan của gia đình, thầy đã quyết liệt bày tỏ: “Gia đình không cho cháu đi học, tôi sẽ cho cháu đi học”. Cũng nhờ có thầy rèn dạy, "tiếp lửa" mà có không ít học sinh cá biệt, lười học đã dần trở nên thay đổi bất ngờ, tiến bộ rõ rệt, sau đó nhận thầy làm cha nuôi.

Trân quý thầy giáo, học trò tặng thầy những món quà đậm hương vị của núi rừng. Những lon gạo nếp, mớ rau củ quả, cây trái nhà trồng, món quà thủ công… được học trò, phụ huynh chắt chiu như sợi dây vô hình nhưng lại gắn kết bền chặt với người đưa đò thầm lặng ấy.

Thầy Đạo tâm tình: “Trong sự nghiệp trồng người, có hai điều mà thầy cô giáo mong mỏi, đó là giúp học trò làm được thứ mình thích và đi đúng đường đã chọn. Đó cũng là phần thưởng và niềm vui lớn nhất đối với người đứng trên bục giảng”.

Nhà giáo tiêu biểu ở ngôi trường vùng sâu

Gắn bó với ngành giáo dục huyện vùng sâu Ea H’leo từ năm 1996 sau khi tốt nghiệp trường sư phạm, đến nay thầy Quách Đình Bảo đã có 25 năm gắn bó với sự nghiệp "trồng người". Trải qua 10 lần chuyển công tác, đảm nhiệm nhiều vị trí, nhiệm vụ ở các đơn vị khác nhau, thầy Bảo đều luôn tận tâm, tận tụy với công việc, hết lòng vì học sinh thân yêu.

Thầy Quách Đình Bảo nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Bộ GD-ĐT tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2021 - 2022.

Hiện nay, là Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ea Hiao (xã Ea Hiao), thầy Bảo luôn nỗ lực tập trung xây dựng nhà trường có kỷ cương, nền nếp, hiệu quả trong các hoạt động giáo dục; khuyến khích, tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường đi học nâng cao trình độ chuyên môn.

Đặc biệt, trong công tác dạy học, thầy luôn chỉ đạo đội ngũ cán bộ, giáo viên tập trung đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Từ đó, Trường Tiểu học Ea Hiao đã thực hiện nhiều giải pháp phù hợp, linh hoạt, sáng tạo nâng cao chất lượng giáo dục, trong đó có giải pháp “Đổi mới hoạt động sinh hoạt tổ nhóm chuyên môn” với các nội dung và hoạt động cụ thể.

Theo đó, nhà trường xây dựng và triển khai kế hoạch năm học, theo tháng, theo tuần; tổ chức kiểm tra việc chuẩn bị theo kế hoạch của giáo viên, của tổ/nhóm chuyên môn; tổ chức chuyên đề cùng nhau trao đổi nhằm nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên về trách nhiệm đối với công việc dạy học. Thực hiện ngày chuyên môn, các nhóm giáo viên, tổ, khối đăng ký các chuyên đề, nội dung sinh hoạt: kỹ năng tổ chức trò chơi tăng cường hiệu quả tiết học và giảm căng thẳng cho học sinh; kỹ năng dạy học sinh cách học và làm đồ dùng dạy học.

Bên cạnh đó, nhà trường khuyến khích sự phối hợp làm việc giữa giáo viên lâu năm có kinh nghiệm với giáo viên trẻ có kỹ năng sử dụng tốt công nghệ thông tin, có phương pháp dạy học mới để cùng giúp nhau tiến bộ về chuyên môn. Tổ chức thi thiết kế giáo án, sưu tầm tư liệu các môn học, tập hợp thành tư liệu dạy học chung của tổ, nhóm chuyên môn và tổ chức bình chọn, trao thưởng nhân dịp 20-11 hằng năm cho các giáo viên có bộ câu hỏi bài soạn, bộ câu hỏi kiểm tra tiêu biểu; giáo án thiết kế hiệu quả nhất, giáo viên, nhân viên sử dụng công nghệ thông tin thành thạo nhất.

Riêng với học sinh, các em được phát phiếu lấy ý kiến về các hoạt động học tập, hoạt động giáo dục mà các em mong muốn được tham gia trong giờ học; được tổ chức các hoạt động nhóm phù hợp, tham gia thiết kế bài tập, trò chơi cùng thầy cô (nhất là đối với học sinh lớp 4, 5); được rèn luyện kỹ năng trình bày ý kiến, phản biện tích cực đối với các câu hỏi, bài tập, ý kiến nhận xét của thầy cô và bạn bè; được dạy cách học bài trên lớp, ở nhà. Không những vậy, nhà trường còn tổ chức kết hợp giữa các buổi họp phụ huynh với các buổi sinh hoạt chuyên đề, từ đó tư vấn cho phụ huynh về phương pháp học cùng con ở nhà và có kỹ năng lắng nghe các con chia sẻ và giúp đỡ con...

Nhờ những hoạt động nói trên, Trường Tiểu học Ea Hiao đã từng bước củng cố nền nếp dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục. Các em học sinh mạnh dạn, tự tin, cố gắng trong học tập.

Với những đóng góp của mình, những năm qua, thầy Bảo đã được tặng nhiều giấy khen, bằng khen. Mới đây tại Hội nghị tổng kết năm học 2020 – 2021, thầy Bảo đã vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về thành tích trong công tác giáo dục – đào tạo và được Bộ GD-ĐT tuyên dương “Nhà giáo tiêu biểu xuất sắc”.

“Truyền lửa” đam mê thể thao cho học sinh

Tốt nghiệp Trường Đại học Thể dục thể thao 1 chuyên ngành Giáo dục thể chất, năm 2006 thầy Nguyễn Ngọc Tường về nhận công tác tại Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Krông Pắc).

Trải qua giai đoạn đầu bỡ ngỡ, nhưng với lòng yêu nghề, thầy Tường luôn phấn đấu, nỗ lực, rèn luyện, tích cực học hỏi, trau dồi kiến thức và tích lũy kinh nghiệm. Năm 2015, thầy Tường được nhà trường cử đi đào tạo môn Giáo dục quốc phòng và an ninh tại Trường Đại học Nguyễn Huệ. Giáo dục quốc phòng, an ninh là môn học khá khô khan và có phương pháp giảng dạy đặc thù nên trong những năm đầu giảng dạy thầy gặp rất nhiều khó khăn về phương pháp cũng như cách truyền đạt kiến thức sao cho lôi cuốn, dễ hiểu.

Để khắc phục khó khăn, thầy Tường chịu khó nghiên cứu, tìm tòi, chủ động đổi mới về hình thức, phương pháp trong từng bài học, liên hệ thực tế với những câu chuyện lịch sử, nêu gương những anh hùng để tiết học sinh động hơn, tạo hứng thú cho học sinh nắm vững nội dung trong quá trình học tập. Nhờ vậy, thầy đã “truyền lửa” đam mê tập luyện thể dục thể thao cho rất nhiều học sinh.

Thầy Nguyễn Ngọc Tường (hàng đứng, giữa) cùng các học trò của mình.

5 năm trực tiếp làm công tác giảng dạy, thầy Tường đã gặt hái được nhiều thành tích đáng tự hào. Từ năm 2019 đến năm 2021, thầy đã tham gia tuyển chọn, huấn luyện cho học sinh tham gia các hội thi, hội thao và giành nhiều giải cao như: tại Hội khỏe Phù Đổng cấp tỉnh năm học 2019 - 2020 đạt thành tích 8 Huy chương Bạc môn đá cầu nam; Huy chương Vàng môn bóng chuyền nam năm học 2020 - 2021; đoạt giải Nhất bóng chuyền nam tại Ngày hội học sinh - sinh viên. Thầy cũng huấn luyện đội chạy việt dã đoạt giải Nhất (đồng đội nam), Nhì (đồng đội nữ), Huy chương Đồng cá nhân. Thầy Tường chia sẻ, trong quá trình huấn luyện học sinh, thầy đã dành nhiều thời gian quan tâm, tương tác, chia sẻ với các em, nắm được từng tính cách học sinh để từ đó có những giáo án và kế hoạch huấn luyện phù hợp.

 Với những thành tích trong công tác giảng dạy, thầy Tường đã được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh; là chiến sĩ thi đua cơ sở từ năm 2017 - 2020. Nhiều sáng kiến kinh nghiệm trong dạy học của thầy đã đạt giải cao cấp tỉnh. Ngoài công việc chuyên môn, thầy Tường còn tích cực tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao của trường, huyện, của ngành và đạt nhiều thành tích cao. Thầy còn là gương mặt tiêu biểu trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên khối trường học.

Cô giáo tâm huyết với nghề

Nối tiếp truyền thống nghề giáo của gia đình, năm 2007 cô Phùng Nguyễn Như Liên về giảng dạy tại Trường THCS Nguyễn Viết Xuân (thị trấn Krông Kmar, huyện Krông Bông).

Cô Phùng Nguyễn Như Liên trong giờ lên lớp.

Bộ môn Giáo dục công dân mà cô giảng dạy thường được học sinh xem là “môn phụ”, ít được các em chú trọng trong định hướng phát triển nghề nghiệp sau này. Song, bởi đây là môn học quan trọng góp phần giáo dục nhân cách, đạo đức, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh nên cô Liên luôn mang hết tâm huyết vào các bài giảng, chú trọng tìm tòi, nghiên cứu đổi mới phương pháp giảng dạy sao cho gần gũi, dễ tiếp thu nhất với các em. Mỗi bài giảng của cô đều được chuẩn bị công phu, có những ví dụ minh họa gắn với thực tế sinh động diễn ra xung quanh, cùng với cách truyền đạt lôi cuốn, dễ hiểu nên khiến học sinh rất thích thú, say mê. Bằng sự tận tâm với nghề, hết lòng vì học sinh, cô Liên đã trở thành giáo viên dạy giỏi chiếm trọn niềm tin yêu của các em.

Không những giỏi về giảng dạy bộ môn, cô Liên còn rất xuất sắc trên cương vị giáo viên chủ nhiệm. Cô giáo dục học sinh bằng chính nhân cách của một nhà sư phạm mẫu mực. Cô còn bồi đắp niềm đam mê sáng tạo, nghiên cứu khoa học cho học sinh, nhiều năm liền trực tiếp hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học kỹ thuật đều đoạt giải cao. Cô còn vinh dự tham gia Hội thảo cấp quốc gia về giáo dục với đề tài tham luận “Đổi mới đào tạo giáo viên môn Giáo dục công dân đáp ứng yêu cầu chương trình Giáo dục phổ thông mới".

Nỗ lực không biết mệt mỏi trong công tác chuyên môn đã giúp cô Phùng Nguyễn Như Liên gặt hái được nhiều thành tựu như: giải Nhất cuộc thi Giáo viên dạy giỏi cấp huyện 4 lần liên tục; có nhiều sáng kiến kinh nghiệm đạt giải cao cấp huyện, cấp tỉnh; nhiều năm liền được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; giải Nhì cấp quốc gia về cuộc thi "Dạy học theo chủ đề tích hợp liên môn" năm học 2016 - 2017. Cô cũng vinh dự được tặng danh hiệu "Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh" năm học 2019 - 2020.

Song Quỳnh - Hoài Nam - Đoàn Hân - Hữu Hiệp


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.