Multimedia Đọc Báo in

Huyện Ea H’leo: Linh hoạt chuyển đổi hình thức dạy học

07:00, 29/11/2021

Thời gian qua, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, ngành giáo dục huyện Ea H’leo đã triển khai linh hoạt các phương án dạy học trực tiếp và trực tuyến nhằm bảo đảm chương trình học cho học sinh trên địa bàn huyện.

Trường Tiểu học Ea H’leo ở xã Ea H’leo có 16 lớp với 523 học sinh, trong đó 216 em là đồng bào dân tộc thiểu số. Cuối tháng 9, đầu tháng 10/2021, khi trên địa bàn xã có nhiều ca nhiễm COVID-19, nhà trường đã nhanh chóng chuyển sang hình thức dạy học trực tuyến. Cùng với sự nỗ lực của các cấp chính quyền, từ đầu tháng 11 đến nay, tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, nhà trường đã nhanh chóng tổ chức cho học sinh trở lại lớp học.

Thầy Nguyễn Văn Tân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ea H’leo chia sẻ: “Nhà trường đã tiến hành phun khử khuẩn, dọn vệ sinh, trang bị nước rửa tay, thiết bị đo nhiệt độ, chia nhỏ mỗi lớp dưới 30 học sinh… để bảo đảm an toàn cho giáo viên, học sinh trong quá trình dạy và học”.

Giáo viên, học sinh Trường Tiểu học Ea H'leo học trực tiếp trong điều kiện bình thường mới.

Được trở lại lớp học, các học sinh đều rất hân hoan khi được gặp lại thầy cô, bạn bè sau bao ngày chỉ được trao đổi, học tập, nhìn thấy nhau qua màn hình điện thoại hay máy tính. Em Nguyễn Phạm Bảo An (học sinh lớp 5A, trường Tiểu học Ea H’leo) bày tỏ: “Khi đến trường, em cảm thấy rất vui vì được gặp bạn bè và các thầy cô giáo. Học ở nhà, có những bài khó, em không thể hỏi cô ngay mà phải nhắn tin lên Zalo để hỏi. Còn học trực tiếp ở trường thì cô giảng cho em luôn…”.

Một tiết học của các em học sinh Trường Tiểu học Ea H'leo, xã Ea H'leo (huyện Ea H'leo).
 
“Căn cứ vào tình hình thực tiễn của địa phương về diễn biến và nguy cơ dịch bệnh mà các trường học nhanh chóng chuyển sang hình thức học trực tuyến, giao bài và khi chuyển sang "vùng xanh", thực hiện dạy học an toàn thì ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các cấp, hiệu trưởng nhà trường sẽ thông báo học sinh đến trường” .
 
Ông Phạm Văn Đảng, quyền Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ea H’leo

Còn tại một số xã, ngay khi dịch bệnh chuyển biến phức tạp thì các trường học cũng nhanh chóng chuyển sang hình thức dạy học trực tuyến. Như tại Trường Tiểu học Ea Khal (xã Ea Khal) có gần 500 học sinh, trong đó học sinh dân tộc thiểu số chiếm gần 50%.

Bên cạnh việc đầu tư hệ thống đường truyền, nhà trường đã xây dựng kế hoạch chuẩn bị bài giảng trực tuyến theo hướng tập trung nội dung căn bản, cô đọng để học sinh nắm bắt được kiến thức trọng tâm; điều chỉnh thời gian học, mỗi môn học có 5 phút nghỉ giữa giờ giúp các em điều tiết mắt, bảo đảm sức khỏe...

Cô Nguyễn Thị Minh Trường, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ea Khal cho hay, tùy vào điều kiện của học sinh mà giáo viên triển khai các hình thức phù hợp như: các em ở gần nhà nhau mà cùng một khối lớp thì học sinh ở lớp này có thể sang lớp khác để học chung; 2 - 3 em học chung 1 máy; với học sinh ở khu cách ly thì giáo viên nhờ chính quyền địa phương, tổ COVID-19 cộng đồng giúp đỡ, giao bài cho các em.

Ông Phạm Văn Đảng, quyền Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ea H’leo cho biết, toàn huyện hiện có 67 trường học, với hơn 29.000 học sinh từ mầm non đến trung học cơ sở, trong đó có một nửa số trường học chuyển sang tổ chức dạy học trực tiếp nên công tác an toàn phòng, chống dịch luôn được các nhà trường siết chặt.

Bên cạnh đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cũng đã có văn bản chỉ đạo các trường, giáo viên xây dựng kế hoạch, kịch bản dạy học phù hợp với từng trường, từng lớp. Trong đó chú trọng vấn đề chất lượng dạy học cho từng đối tượng học sinh, học đến đâu kiểm tra đến đó, tranh thủ thời gian "vàng" khi học sinh đến trường để củng cố kiến thức bảo đảm chất lượng. Đồng thời thường xuyên tổ chức khảo sát, thống kê những học sinh có người thân về từ vùng có dịch đang cách ly tại nhà để có phương án học thích hợp…

 

Nguyễn Gia


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.