Multimedia Đọc Báo in

Thị xã Buôn Hồ vượt khó dạy và học trong đại dịch

07:31, 16/11/2021

Để bảo đảm công tác dạy và học theo chương trình, kế hoạch năm học 2021 – 2022 và thực hiện mục tiêu “Tạm dừng đến trường, không dừng việc học”, ngành giáo dục thị xã Buôn Hồ đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn.

Nhiều thách thức

Năm học 2021 - 2022, thị xã Buôn Hồ có 67 trường học từ cấp THCS trở xuống với tổng số 18.111 học sinh; trong đó có 9.800 học sinh tiểu học, 6.175 học sinh THCS và 156 học sinh nơi khác đăng ký học tạm tại địa phương trong giai đoạn phòng, chống dịch . Từ đầu năm học đến nay, 100% số trường tiểu học và THCS đều tổ chức dạy học trực tuyến cùng với hình thức giao bài và khuyến khích học sinh học thêm qua truyền hình.

Việc triển khai dạy học trực tuyến có nhiều khó khăn như thiếu sự tương tác với thầy cô nên học sinh khó hiểu bài; không khí học tập thiếu sinh động, không cuốn hút, học sinh dễ mất tập trung, giáo viên thì khó theo sát để quản lý, nhắc nhở. Ngoài ra, ở nhiều khu vực đường truyền Internet không ổn định, nhất là các em có hoàn cảnh khó khăn, học qua sóng 3G thì mạng rất yếu nên việc học trực tuyến cũng gặp trở ngại không nhỏ… Điều đáng nói nữa là do điều kiện kinh tế nhiều gia đình còn khó khăn, không có điều kiện mua máy tính, điện thoại hay ti vi nên có 1.449 em chưa có thiết bị học trực tuyến. Nhiều em phải nhờ học chung thiết bị với bạn bè, số khác thì học theo hình thức giáo viên đến nhà giao bài.

Giáo viên Trường THCS Tô Vĩnh Diện (xã Ea Drông) trao điện thoại hỗ trợ việc học trực tuyến cho em H'sa Li M’lô.

Một vài trường có số học sinh tham gia học trực tuyến đạt thấp như: Trường Tiểu học Ama Jhao (xã Cư Bao) năm học này có tổng số 335 học sinh, trong đó có 232 em không có máy tính, điện thoại hay sóng wifi nên phải học theo hình thức giao bài và hình thức khác. Trường Tiểu học Y Jut (xã Cư Bao) có 180/289 học sinh không có thiết bị để học trực tuyến; Trường Tiểu học Y Nuê (phường Thống Nhất) có 85/182 học sinh không có trang thiết bị học trực tuyến…

 

Hưởng ứng chương trình “Sóng và máy tính cho em”, ngành giáo dục thị xã Buôn Hồ đã huy động cộng đồng tham gia đóng góp, ủng hộ tổng số tiền trên 276 triệu đồng mua gần 160 thiết bị (máy tính và điện thoại thông minh) tặng học sinh nghèo, cận nghèo, học sinh khó khăn chưa có thiết bị học trực tuyến.

Trước những khó khăn đó, ngành giáo dục và địa phương đã và đang triển khai nhiều chương trình, hoạt động kêu gọi các nguồn kinh phí mua máy tính, điện thoại, sim 4G… hỗ trợ học sinh khó khăn tham gia học trực tuyến; đồng thời, học sinh cũng đã nỗ lực khắc phục bằng cách đến nhà bạn học ghép, học qua truyền hình và nhận bài tập từ giáo viên giao đến nhà...

Đồng hành cùng học sinh

Theo ông Trần Ngọc Cẩm, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Buôn Hồ, thị xã có gần 90% học sinh tham gia học trực tuyến; còn lại học qua truyền hình và hình thức giao bài. Ngoài ra, thời gian qua, trên địa bàn thị xã cũng có khá nhiều học sinh chưa được tiếp cận thường xuyên, liên tục đối với việc học do các nguyên nhân như: trong vùng phong tỏa, chưa có thiết bị, mạng Internet để học trực tuyến; giáo viên không thể giao bài do cách ly, phong tỏa; một số em là F0 đi điều trị và  F1 đi cách ly theo quy định.

Để hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, cán bộ, giáo viên và phụ huynh học sinh các trường trên địa bàn thị xã đã tham gia đóng góp, huy động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ tiền mặt, máy tính, điện thoại cũ… để các em có điều kiện học trực tuyến. Tiêu biểu trong phong trào này phải kể đến Trường Tiểu học Kim Đồng (phường An Lạc) đã huy động được 44 triệu đồng, mua 18 thiết bị học tập (gồm điện thoại thông minh và máy tính) hỗ trợ học sinh; Trường Tiểu học Quang Trung (phường An Bình) đã huy động được gần 49 triệu đồng mua 43 thiết bị học tập và sim 4G… Hay Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh Buôn Hồ đã ủng hộ 65 triệu đồng hỗ trợ ngành giáo dục và các trường học trên địa bàn thị xã mua sắm trang thiết bị học trực tuyến cho học sinh khó khăn.

Giáo viên Trường THCS Tô Vĩnh Diện (xã Ea Drông) giao bài tập cho học sinh.

Là một trong những học sinh được hỗ trợ thiết bị học tập để học trực tuyến, em H'sa Li M’lô (lớp 7A3, Trường THCS Tô Vĩnh Diện, xã Ea Drông) bày tỏ: cuộc sống khó khăn, lại không có bố, mẹ bị tâm thần nên bao nhiêu năm nay em phải sống nhờ vào gia đình người cậu cũng hết sức nghèo khó. Để không bỏ dở việc học, hằng ngày em đều đến nhà bạn để học trực tuyến nhờ. Có những hôm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp thì thầy cô gửi bài giảng đến nhà để em học. Sau hơn một tháng đi học nhờ, em đã được nhà trường tặng chiếc điện thoại thông minh từ nguồn vận động hỗ trợ để phục vụ việc học trực tuyến.

Được biết, Trường THCS Tô Vĩnh Diện có trên 99% học sinh là dân tộc thiểu số, phần lớn gia đình các em phụ thuộc vào nông nghiệp nên đời sống còn nhiều khó khăn. Năm học này trường có 447 học sinh; trong đó có 47 học sinh không có thiết bị học trực tuyến nên các giáo viên đã triển khai giảng dạy qua hình thức giao bài tập. Điều đáng nói là có nhiều em nhà ở cách xa trường đến 7 - 8 km, đường đi lại rất khó khăn. Dù vậy, các giáo viên vẫn khắc phục bằng cách soạn bài, giao bài tập trực tiếp đến từng gia đình cho các em; sau đó sẽ chọn thời gian hợp lý để thu bài cũng như giải đáp nếu các em chưa hiểu bài.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.