Multimedia Đọc Báo in

Nuôi ước mơ được tiếp tục đến trường

07:52, 13/12/2021

Cứ vào dịp cà phê chín rộ hằng năm, nhiều học sinh làng Mông ở Trường THCS Lê Lợi (xã Đắk Phơi, huyện Lắk) lại rủ nhau lên rẫy hái cà phê thuê, dành dụm tiền mua sách vở, dụng cụ học tập nhằm thực hiện ước mơ tìm con chữ.

Lớn lên ở vùng đồi Đắk Hiu, hầu hết học sinh làng Mông từ bậc THCS trở lên đều quen thuộc với việc nương rẫy, ruộng vườn, bởi hằng ngày các em thường phụ giúp cha mẹ. Do vậy, việc làm thêm trong những buổi không có tiết học trở thành công việc rất đỗi bình thường đối với học sinh nơi đây.

Em Mã Quỳnh (học sinh lớp 7B, Trường THCS Lê Lợi) hái cà phê rất thành thạo

Dù mới 12 tuổi, dáng người nhỏ bé nhưng động tác hái từng chùm cà phê của em Thào Thị Yên (học sinh lớp 6B) thành thục như người đã có nhiều năm trải qua công việc này. Nghe em kể chuyện mới hay, nhà em ở tít trên đồi Đắk Hiu, có hoàn cảnh khó khăn lại đông con nên em luôn ý thức trong việc học tập. Bước lên lớp 6, phải xa nhà có khi 2 tuần, thậm chí 1 tháng, hành trang mà em mang theo chỉ có mấy ký gạo, một túi cá khô nhỏ và chục quả trứng để ăn uống hằng ngày.

Do vậy, để kiếm thêm tiền ăn học, trang trải cuộc sống ở khu nội trú, sau mỗi buổi học, Yên cùng các bạn tranh thủ đi hái cà phê thuê cho các hộ dân khu vực lân cận trường. Yên khoe, mỗi buổi sau khi hái xong, em được chủ rẫy trả từ 40 - 50 nghìn đồng nên vui lắm. Mỗi tuần nhờ công việc này mà em có thêm tiền mua đồ dùng học tập, mua thức ăn cho những ngày ở nội trú, không phải xin thêm của bố mẹ.

Em Hoàng Thị Pề (học sinh lớp 9B, Trường THCS Lê Lợi) tranh thủ thời gian rảnh đi hái cà phê thuê kiếm thêm thu nhập trang trải việc học hành.

Bên cạnh Yên, em Hoàng Thị Pề (học sinh lớp 9B) cũng đang thoăn thoắt tuốt cà phê. Đây là năm thứ tư phải xa nhà, đến khu nội trú của trường để học tập và Pề đã có kinh nghiệm 3 năm đi hái cà phê thuê nên thực hiện công việc không mấy khó khăn. Em là con đầu của gia đình có ba chị em, nhà nghèo, bố mẹ chỉ dựa vào vài sào rẫy để trồng trọt không đủ ăn nên muốn cho Pề nghỉ học làm thêm kiếm tiền. Tuy nhiên, vì ước mơ được đến trường cùng bạn bè và sau này có một cái nghề để không phải vất vả nên ngay từ lớp 7 em đã đi hái cà phê thuê để dành dụm tiền mua sách vở, sinh hoạt tại khu nội trú. Vừa đóng cà phê vào bao, Pề vừa tâm sự, mỗi buổi em phải gắng hái được từ 1 - 2 bao cà để chủ trả cho khoảng từ 50 - 80 nghìn đồng, như vậy mới có thể duy trì việc học của mình. Sắp tới, em tốt nghiệp cấp 2, rất muốn học thêm, theo đuổi ước mơ được tiếp tục đến trường nên phải gắng dành dụm tiền để thuyết phục bố mẹ cho học tiếp lên cấp 3.

Còn đối với em Mã Quỳnh (học sinh lớp 7B), đây là năm thứ hai em đi hái cà phê thuê kiếm thêm tiền để đỡ phần vất vả cho bố mẹ khi em đi học xa nhà. Giống như các bạn khác trong khu nội trú, Quỳnh cũng có hoàn cảnh khó khăn nên phải làm thêm vào những lúc không có giờ đến lớp để kiếm tiền mua sách vở học tập, mua thức ăn hằng ngày. Là con trai thứ hai trong gia đình có bốn anh chị em và do nhà nghèo nên từ nhỏ Quỳnh đã theo bố mẹ lên nương rẫy làm việc. Vì vậy, đối với em việc kéo bạt, hái cà phê, đóng vào bao em đều làm một cách dễ dàng. Quỳnh tâm sự, sau mỗi buổi học, em tranh thủ về khu nội trú nấu cơm, làm bài tập về nhà mà cô giao rồi nghỉ trưa tầm 30 phút. Đến 13 giờ chiều, em cùng các bạn theo chủ rẫy đi hái cà phê. Vào mùa cà phê hằng năm, tuần nào việc đều, em có thể kiếm được từ 200 - 300 nghìn đồng để mua những quyển sách tham khảo đối với các môn học em yêu thích.

Những học sinh làng Mông (xã Đắk Phơi, huyện Lắk) đang kéo bạt để chuẩn bị hái cà phê.

Dẫu còn nhỏ và đang ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, nhưng với ý thức tự học tập và việc chịu khó làm thêm để kiếm tiền đỡ đần cha mẹ của học sinh làng Mông nơi đây thật đáng trân quý. Mong rằng, với sự hiếu học và nỗ lực vượt khó của bản thân, các em sẽ thực hiện được ước mơ tiếp tục đến trường.

Khánh Huyền

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.