Multimedia Đọc Báo in

"Gieo chữ" ở vùng sâu Ea Trang

08:15, 11/01/2022

Không quản ngại khó khăn, gian khổ, những giáo viên của Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Phan Bội Châu (buôn Hạp, xã Ea Trang, huyện M’Drắk) vẫn hằng ngày cần mẫn, tận tụy bám buôn, bám trường gắn bó với sự nghiệp trồng người, gieo mầm ước mơ xanh cho học sinh vùng khó.

Năm học 2021 - 2022, Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Phan Bội Châu có 427 học sinh (97% là người dân tộc Dao, Mông và Êđê), trong đó 135 em thuộc diện gia cảnh nghèo. Thầy Trần Văn Dũng, Phó Hiệu trưởng phụ trách nhà trường cho biết: “Trong bối cảnh dịch bệnh, các thầy cô giáo đã tìm nhiều giải pháp để thích ứng, sáng tạo trong phương pháp sư phạm mang tri thức đến với học trò. Học sinh ở đây không có điều kiện học trực tuyến nên ngay từ đầu năm học, nhà trường đã xây dựng phương án dạy học 100% bằng hình thức giao bài”.

Giờ học lịch sử của học sinh lớp 9, Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Phan Bội Châu.

Đã 17 năm công tác tại trường, thầy Trần Văn Phúc, giáo viên dạy môn Lịch sử đã quen với những khó khăn, thiếu thốn mà cả thầy và trò cùng phải nỗ lực vượt qua, song đây là lần đầu tiên được cảm nhận sự vất vả của việc dạy học bằng hình thức giao bài bởi địa bàn dân cư thưa thớt, đường sá đi lại khó khăn, đèo núi hiểm trở, các thôn, buôn lại cách xa trường hàng chục cây số. Thầy Phúc bộc bạch: “Bằng nhiệt huyết, trách nhiệm và sự đồng cảm, chúng tôi đã không kể mưa nắng, đối mặt với hiểm nguy về dịch bệnh, hằng ngày vẫn lội suối, băng đồi đến từng nhà hướng dẫn và giao bài cho học sinh, để không em nào bị gián đoạn việc học. Nhiều thầy cô còn sáng tạo, chủ động, linh hoạt sử dụng các hình thức dạy học phù hợp; tận dụng những nơi an toàn ở “vùng xanh” lập nhóm hướng dẫn giao bài; thiết kế phiếu giao bài, đề kiểm tra khoa học, phù hợp, dễ học… Vì vậy, việc học của các em vẫn được đảm bảo”.

Chị H’Lú Niê (phụ huynh của em H’Thoa Niê, học lớp 9B) giãi bày: “Mong muốn của mình là cho các con học hành đến nơi đến chốn, sau này về biết tính toán, làm ăn cho cuộc sống đỡ khổ. Kinh tế gia đình khó khăn, quanh năm làm thuê làm mướn nên cũng ít quan tâm đầy đủ đến con cái, việc học hành của các con gần như phó mặc cho nhà trường. Được các thầy cô tận tình dạy dỗ, tạo điều kiện cho ở nội trú tại trường, con của tôi học hành ngoan ngoãn, 3 năm liền đều đạt danh hiệu học sinh giỏi”.

Hai tháng trở lại đây, trường trở lại dạy - học trực tiếp. Để đảm bảo an toàn trước tình hình dịch bệnh, 165 học sinh có nhà ở xa trường (trên 10 km) đã được bố trí ở nội trú và lịch học hợp lý. Khu vực nội trú có 8 phòng ở, nhà ăn, sân sinh hoạt riêng trong khuôn viên trường, tránh tiếp xúc với học sinh khác. Cả thầy và trò đều đeo khẩu trang, rửa tay khử khuẩn thường xuyên, được đo thân nhiệt… Các em có thể về nhà vào các dịp cuối tháng sau khi có sự liên lạc chặt chẽ giữa gia đình và thầy, cô giáo phụ trách.

Vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn, các thầy cô nơi đây vẫn ngày ngày thầm lặng "gieo chữ" cho học sinh với một hy vọng là rồi đây, ở những buôn đồng bào dân tộc thiểu số xa xôi, các em sẽ “thắp sáng” buôn làng bằng những kiến thức được các thầy cô truyền dạy. Thầy Trần Văn Dũng cho biết thêm, bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh, nhà trường còn kêu gọi các cơ quan, đoàn thể trong huyện và vận động cán bộ, nhân viên của trường thành lập Quỹ Khuyến học; đồng thời, huy động sự giúp đỡ của mạnh thường quân, các tấm lòng hảo tâm ủng hộ sách vở, quần áo… giúp các em đủ điều kiện đến trường. Đến nay, toàn trường không có học sinh bỏ học.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.