Multimedia Đọc Báo in

F0 trong trường học gia tăng: Cần bình tĩnh ứng phó

08:25, 24/02/2022

Triển khai dạy học trực tiếp trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, các trường học đã có kịch bản ứng phó cụ thể, trong đó đã lường đến tình huống xuất hiện ca F0 trong trường học. Từ giáo viên đến phụ huynh và học sinh cũng đã được chuẩn bị tâm lý cho điều này. Tuy nhiên, số học sinh, cán bộ, giáo viên nhiễm COVID-19 gia tăng khiến nhiều người không khỏi lo lắng.

Thực tế, số ca F0 trong trường học gia tăng đã được dự báo từ trước. Một số phụ huynh không đồng ý dạy học trực tiếp nên lựa chọn phương án học online. Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại cho rằng trẻ ở nhà vẫn bị lây nhiễm từ cộng đồng dân cư, từ người lớn trong gia đình khi chúng ta đã "mở cửa" để từng bước khôi phục hoạt động kinh tế - xã hội. Nếu ứng phó tốt thì trường học vẫn là môi trường an toàn trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay.

Nhân viên Trường THPT Dân tộc nội trú N’Trang Lơng chuẩn bị bữa ăn cho học sinh.

Tại huyện Krông Pắc, ngành giáo dục địa phương đã chủ động phương án tổ chức dạy và học khi phát hiện các F0, F1 trong trường học. Ngày 14/2, qua nắm bắt thông tin từ phụ huynh, Trường Tiểu học Tô Hiệu (xã Ea Phê) ghi nhận có một học sinh là F0 , trường liền thông tin, phối hợp với phụ huynh đưa các học sinh đến Trạm Y tế xã để test nhanh và phát hiện thêm các trường hợp F0 liên quan. Cô Nguyễn Thị Tuyết Hoa, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, toàn trường hiện có 11 F0 là nhân viên, học sinh. Để ứng phó, trường tổ chức dạy và học trực tuyến kết hợp trực tiếp có giãn cách; giáo viên, học sinh F0, F1 thực hiện dạy và học trực tuyến; các lớp còn lại tổ chức học trực tiếp tại trường theo ca. Giáo viên và phụ huynh thường xuyên trao đổi thông tin về sức khỏe, tình hình học tập của học sinh thông qua nhóm chat trên mạng xã hội…

Tương tự, Trường THPT Dân tộc nội trú N’Trang Lơng cũng bình tĩnh xử trí khi có trường hợp F0 trong trường học. Thầy Hiệu trưởng Bùi Xuân Lễ cho hay, với đặc thù là trường nội trú, học sinh đến từ các địa phương trong tỉnh nên nhà trường đã thực hiện chặt chẽ việc kiểm tra sức khỏe cho các em trước khi vào trường học trực tiếp, tạo thế chủ động cho các bên trong công tác ứng phó với dịch COVID-19. Qua test nhanh cho toàn bộ học sinh ngay ngày đầu trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các em có kết quả âm tính, nhưng có 1 học sinh cung cấp thông tin rằng nghi đã tiếp xúc với F0 trước đó nên nhà trường quyết định cho em cách ly tạm thời tại phòng riêng của trường. Ba ngày sau học sinh này được test lại cho kết quả dương tính, trường lập tức phối hợp với ngành y tế kiểm tra các trường hợp liên quan và phát hiện thêm các F0. Hoạt động dạy học lập tức được chuyển đổi thích ứng với bối cảnh trường có F0: những lớp có F0 học trực tuyến hoàn toàn; các lớp còn lại có giáo viên diện F1 thì học trực tiếp kết hợp với trực tuyến...

Trường THPT Dân tộc nội trú N’Trang Lơng tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp online. Ảnh: Thanh Xuân

Em H.Đ.C. học sinh Trường THPT Dân tộc nội trú N’Trang Lơng cho hay, ngay sau khi có kết quả dương tính với vi rút SARS-CoV-2, em đã được người thân đón về nhà tại huyện Lắk để cách ly và điều trị tại nhà. Em đã uống thuốc theo đơn của bác sĩ, hiện sức khỏe tiến triển tốt và ăn uống bình thường. Trong suốt thời gian điều trị, em vẫn học online theo chương trình. Sự thăm hỏi, động viên của nhà trường, giáo viên chủ nhiệm và các bạn cũng là liều thuốc tinh thần quý giá để em yên tâm điều trị, mong chóng khỏi bệnh để trở lại trường học.

TS. Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, dự báo số ca mắc COVID-19 trong trường học thời gian tới tiếp tục tăng, nhiều ca không rõ nguồn lây. Để ứng phó, các địa phương, cơ sở giáo dục đã linh hoạt chuyển đổi trạng thái giữa dạy học trực tiếp và dạy học gián tiếp ; dạy học trực tiếp luôn ưu tiên việc bảo đảm an toàn dịch bệnh cho giáo viên và học sinh...

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.