Triển khai các phương án kiềm chế sự gia tăng học sinh mắc COVID-19
Từ ngày 14/2, học sinh toàn tỉnh bắt đầu trở lại trường học trực tiếp. Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, ngành y tế đã chủ động phối hợp triển khai nhiều phương án để bảo đảm các điều kiện an toàn khi mở cửa lại trường học, không để xảy ra tình trạng học sinh mắc COVID-19 tăng đột biến.
Từ sau Tết Nguyên đán 2022, số ca mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh tăng cao, đỉnh điểm có ngày hơn 380 trường hợp mắc bệnh. Đây là con số ngành y tế đã dự đoán trước, bởi giai đoạn trước, trong và sau Tết việc đi lại thăm hỏi chúc Tết, vui xuân sẽ có lúc thực hiện 5K không nghiêm túc.
Bên cạnh đó, mặc dù đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin cũng như mũi 3 nhưng sự chủ quan của người dân cũng như sự buông lỏng quản lý của một số địa phương sẽ làm gia tăng tỷ lệ mắc bệnh trong cộng đồng. Trên cơ sở đó, ngành y tế đã tham mưu cho UBND tỉnh cũng như Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 rà soát, đánh giá nguy cơ, đặc biệt tại các trường học và cơ quan, đơn vị, đồng thời yêu cầu tất cả các cơ quan, đơn vị phải lập tổ COVID-19 đánh giá nguy cơ cũng như xét nghiệm, thực hiện nghiêm túc 5K để giảm số ca F0 trong thời điểm này.
Học sinh Trường Tiểu học Ngô Quyền (TP. Buôn Ma Thuột) đo thân nhiệt, sát khuẩn tay trước khi vào lớp. |
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, tính đến ngày 16/2, toàn ngành có 190 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và 1.673 học sinh, học viên mắc COVID-19. Trong đó, riêng từ ngày 7 đến ngày 16/2 (thời điểm học sinh đi học trở lại), toàn ngành có 71 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và 374 học sinh, học viên mắc COVID-19. |
Theo bác sĩ CKII Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế, sau khi có chủ trương mở cửa lại các trường học, Sở Y tế đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh xây dựng kế hoạch cũng như thống kê số lượng học sinh trên địa bàn để triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ ngay khi có vắc xin phân bổ cho tỉnh.
Bên cạnh đó, ngành y tế đã chủ động tham mưu cho các trường học tiến hành tổng vệ sinh cũng như xây dựng kế hoạch tiếp đón học sinh, hướng dẫn thực hiện phân luồng khi đến trường và khi ra về, thực hiện 5K và xây dựng các kế hoạch cụ thể, xử lý tình huống khi có học sinh, giáo viên hoặc phụ huynh mắc COVID-19 bằng cách tiến hành cách ly, xét nghiệm, khoanh vùng ngay tại trường, lớp học để tránh tình trạng lây lan dịch bệnh trong trường học.
Để tránh việc giáo viên lúng túng khi có trường hợp học sinh mắc COVID-19, Sở Y tế đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức các lớp tập huấn về công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại trường học và các hướng xử lý, khoanh vùng đối với học sinh khi mắc COVID-19 tại trường học.
Tính đến ngày 15/2, số trẻ em từ 15 - 17 tuổi trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã được tiêm mũi 1 đạt 97,3%, mũi 2 đạt 89,8%; số trẻ em từ 12 - 14 tuổi tiêm mũi 1 đạt 94,5%, mũi 2 đạt 85,1%. Hiện tỉnh đang lên kế hoạch triển khai tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 - 11 tuổi. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, trẻ lứa tuổi 5 - 11 tuổi nếu tiêm vắc xin, khi nhiễm sẽ có ít triệu chứng cũng như triệu chứng nhẹ hơn so với người lớn.
Trường Mầm non Tân Thành (TP. Buôn Ma Thuột) cho trẻ ngồi giãn cách trong lớp học để phòng, chống dịch COVID-19. |
Hiện nay, do đang là mùa đông xuân, thời tiết lạnh, ẩm, chênh lệch nhiệt độ các thời điểm trong ngày lớn khiến trẻ em dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa và COVID-19 khi tham gia các hoạt động tập trung. Đặc biệt đây cũng là thời điểm học sinh trở lại trường học sau một thời gian dài học trực tuyến tại nhà. Chính vì vậy, vai trò của cha mẹ, thầy cô giáo rất quan trọng khi hướng dẫn trẻ những biện pháp phòng, chống nhiễm bệnh, nhất là sau khoảng thời gian dài trẻ sinh hoạt trong nhà, ít tiếp xúc với môi trường xung quanh.
Các chuyên gia y tế lưu ý, giáo viên và phụ huynh cần chú ý vệ sinh bàn tay cho trẻ; hướng dẫn trẻ sử dụng khẩu trang khi tiếp xúc người khác, để rác thải đúng nơi quy định. Khi trẻ có dấu hiệu nghi ngờ như sốt, viêm đường hô hấp, tiếp xúc yếu tố nguy cơ... cần kiểm tra ngay và tránh tiếp xúc với người khác khi chưa có kết quả xét nghiệm. Đặc biệt, khi trẻ không may bị mắc COVID-19, bố mẹ cần theo dõi trạng thái của trẻ bằng cách quan sát nhịp thở. Khi điều trị ở nhà, cha mẹ cần dự phòng những thuốc: hạ sốt, thuốc điều trị ngạt mũi, thuốc ho, bù nước điện giải và có thể bổ sung vitamin tổng hợp. Cần dùng thuốc theo hướng dẫn của cán bộ y tế, tuyệt đối không nên cho trẻ tự uống thuốc khi không có sự hướng dẫn của bác sĩ.
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc