Multimedia Đọc Báo in

Đa dạng cách thức tiếp cận sách và việc hình thành văn hóa đọc trong nhà trường

08:13, 20/04/2022

Trước kia, khi muốn đọc sách thì người ta thường tới nhà sách, thư viện hoặc đi mượn...

Ngày nay, ngoài việc đọc sách giấy, đang có rất nhiều người chọn đọc sách trên các thiết bị điện tử hoặc “nghe sách”. Đồng thời, sự đa dạng của các phương thức truyền thông cũng đang góp phần rất lớn trong việc đẩy nhanh tốc độ tiếp cận sách cũng như cung cấp thêm lựa chọn cho độc giả.

Ví dụ, đã có rất nhiều buổi chia sẻ, giao lưu, ra mắt sách được tổ chức bởi các nhà xuất bản hoặc các công ty phát hành sách và được truyền trực tiếp trên các trang mạng xã hội.

Hay như chương trình “Mỗi tuần một cuốn sách” do Đài PT-TH Đắk Lắk tổ chức sản xuất là một hoạt động bền bỉ diễn ra đã nhiều năm với nỗ lực để độc giả gần hơn với các ấn phẩm sách. Vậy thì, sự đa dạng cách thức tiếp cận sách có ảnh hưởng như thế nào tới việc hình thành văn hóa đọc nói chung và văn hóa đọc trong nhà trường nói riêng?

Chúng tôi cho rằng, sự đa dạng cách thức tiếp cận sách là một xu thế, không phải chỉ ở riêng tỉnh Đắk Lắk, hay ở Việt Nam mà là phổ biến trên thế giới. Lẽ dĩ nhiên, xu thế này diễn ra không giống nhau ở các xã hội khác nhau. Một điều không thể phủ nhận là sự tiện lợi của các thiết bị thông minh hay sự thuận lợi tiếp cận thông tin từ các trang mạng xã hội. Hơn nữa, với nhiều bản E-book, độc giả còn được đọc miễn phí thay vì tốn tiền mua sách. Hay là, với những người tuổi cao, thị giác kém hoặc muốn mắt được nghỉ ngơi sau thời gian dài trong ngày làm việc thì sách nói (audio book) là sự lựa chọn hợp lý đối với họ. Mỗi cách tiếp cận sách sẽ mang lại một giá trị khác nhau trong việc đọc sách. Như vậy, nhìn ở khía cạnh tích cực, sự đa dạng cách thức tiếp cận sách là điều tốt cho việc hình thành và duy trì nền văn hóa đọc. Nếu có không gian thuận lợi, tinh thần thoải mái thì người ta thường chọn đọc một cuốn sách giấy; nhưng nếu đang lái xe hoặc mệt mỏi sau ngày làm việc, thì nhiều người có thể sẽ chọn sách nói, tức là thay vì đọc sách thì có thể "nghe sách".

Học sinh Trường THCS Ngô Mây (huyện Cư M'gar) tham gia tiết đọc sách tại lớp học. Ảnh: Huyền Diệu

Trong trường học, sự đa dạng trong tiếp cận sách cũng diễn ra khá phổ biến. Trước đây học sinh, sinh viên gần như là bắt buộc đến thư viện nếu muốn tìm đọc giáo trình, tài liệu phục vụ học tập. Vào mùa thi, thư viện các trường đại học gần như kín chỗ ngồi. Nhưng bây giờ, có thực trạng khá rõ là học sinh, sinh viên ít có thói quen đến thư viện đọc sách. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể tin rằng, học sinh, sinh viên đang có những nguồn sách khác ngoài nguồn thư viện hoặc đang có những không gian khác thư viện để đọc sách.

Trong lĩnh vực giáo dục, thường thì các giáo viên đặt ra yêu cầu với học sinh về những gì bắt buộc phải đọc, những gì cần đọc và những gì nên đọc. Nhưng có vẻ phần lớn người học đang đọc những gì họ được yêu cầu bắt buộc phải đọc, thậm chí có trường hợp bị bắt buộc cũng không đọc. Đó là kiểu đọc sách thụ động và kiểu đọc sách này rất khó để duy trì nền văn hóa đọc nếu chỉ đọc thụ động. Vì vậy, các trường cần tổ chức các hoạt động nhằm tạo dựng không gian tâm lý – xã hội thuận lợi cho việc duy trì hành vi đọc sách. Đó có thể là tổ chức các buổi tọa đàm, giao lưu với các tác giả, các chuyên gia; tổ chức các cuộc thi đọc sách với sự đổi mới về nội dung, hình thức; khích lệ người học đọc sách ngay trong từng tiết học. Lưu ý rằng, các hoạt động này không nên xem là hoạt động ngoại khóa hay “bề nổi” mà cần được xác định là một phần then chốt xuyên suốt trong các hoạt động giáo dục, đào tạo của nhà trường.

Đồng thời, trong bối cảnh thị trường sách đa dạng như hiện nay thì giáo viên rất có lợi thế trong việc định hướng, huấn luyện kỹ năng đọc sách cho người học. Văn hóa đọc sách thường được xác định gồm có 3 yếu tố: thói quen đọc sách, sở thích đọc sách và kỹ năng đọc sách. Đọc sách như thế nào cho hiệu quả; làm thế nào để tìm được sách phù hợp, sách đúng, sách hay là những nội dung mà giáo viên có thể hoàn toàn chủ động chia sẻ với học sinh ngay trong từng tiết học. Khi đó, các thư viện trường học sẽ tồn tại như một môi trường quan trọng trong việc rèn kỹ năng đọc chậm cho người học – đọc để cảm nhận, để thấu hiểu, để phục vụ công việc, học tập, từ đó góp phần hình thành và duy trì văn hóa đọc trong nhà trường.

Trương Thị Hiền


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.