Multimedia Đọc Báo in

Giáo dục mũi nhọn - dấu ấn qua Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia THPT

08:08, 05/04/2022

Mặc dù năm học 2021 - 2022 diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, hoạt động dạy học thay đổi liên tục, nhưng giáo dục mũi nhọn vẫn được quan tâm và đạt kết quả đáng ghi nhận.

Thầy trò cùng nỗ lực

Kỳ thi này, em Đỗ Thanh Liêm, học sinh lớp 12A1 (Trường THCS, THPT Đông Du) tiếp tục đạt giải ở môn Toán. Thanh Liêm chia sẻ, kỳ thi năm 2021 em đã đạt giải Nhì môn Toán nên kỳ thi năm nay khá áp lực; đề thi cũng được các giáo viên nhận định là khó nên bản thân em không kỳ vọng nhiều.

Do đó, em rất vui khi đã đạt giải Khuyến khích. Em cho rằng, Toán là môn học “khó nhằn”, do đó việc tạo hứng khởi cho việc học rất quan trọng. Trước khi vào học bài mới, em thường giải lại những bài tập cũ đã làm được để kích thích sự tò mò, hứng thú trong việc học.

Em cũng tham gia các diễn đàn về Toán học để “lắng nghe” những người có cùng sở thích, sở trường chia sẻ về cách học, mẹo giải toán thú vị; tiếp xúc với các kiến thức mới lạ; luyện đề... Cùng với đó là thường xuyên ôn luyện kiến thức trong chương trình THPT. Việc tự học được tập trung cao độ trong khoảng thời gian ngắn, khoảng 2 - 3 giờ, rồi giải lao; dành thời gian chơi thể thao, nghe nhạc, giải trí… để cân bằng cuộc sống.

Em Đỗ Thanh Liêm, học sinh Trường THCS, THPT Đông Du.

Đạt giải Nhì môn Địa lý tại kỳ thi, em Phan Thị Mỹ Duyên, học sinh lớp 11 Văn Sử, Trường THPT Chuyên Nguyễn Du bày tỏ, em được nhà trường lựa chọn vào đội tuyển bồi dưỡng học sinh giỏi (HSG) từ năm lớp 10 (năm học 2020 - 2021). Hai năm học liên tiếp dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, chủ yếu học online nên em không tự tin lắm, bởi xét trên mọi phương diện thì hình thức học online không bằng học trực tiếp.

Điều may mắn là em luôn nhận được sự quan tâm, động viên từ bố mẹ, cô giáo, nhà trường; trước khi thi được cô Trương Thị Thanh Hà trực tiếp bồi dưỡng, hệ thống lại kiến thức và động viên: “Tất cả kiến thức cô trò đã cùng ôn, cùng học hết rồi nên em cần bình tĩnh đọc đề, bình tĩnh làm bài”. Nhờ vậy em đã tự tin, bình tĩnh làm bài thi và đạt kết quả đáng phấn khởi.

Tính đến nay, cô Trương Thị Thanh Hà, giáo viên Trường THPT Chuyên Nguyễn Du đã có hơn 14 năm kinh nghiệm trong công tác ôn thi HSG quốc gia môn Địa Lý. Năm học 2021 - 2022, đội tuyển khối 11 do cô phụ trách bồi dưỡng tham dự Kỳ thi HSG quốc gia THPT môn Địa lý có 3 em đạt giải (2 giải Nhì và 1 giải Khuyến khích).

Để có kết quả này, cô và trò đã cùng nhau làm việc, xây dựng phương pháp, trao đổi kiến thức và thường xuyên luyện đề để các em được làm quen với cấu trúc đề thi, trau dồi kỹ năng làm bài; cô cũng chủ động kết nối với giảng viên đại học để mở rộng, nâng cao kiến thức cho các em. Mặc dù đây là năm học đặc biệt, chủ yếu ôn luyện trực tuyến, nhưng với niềm đam mê và cố gắng, cô và trò đã đạt được kết quả tốt.

Em Phan Thị Mỹ Duyên, học sinh Trường THPT Chuyên Nguyễn Du.

Nâng cao hiệu quả bồi dưỡng HSG

 

Tại các kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT 5 năm qua, tỉnh Đắk Lắk đều đạt nhiều giải và có giải cao. Kỳ thi năm 2022, tỉnh Đắk Lắk có 36 học sinh đạt giải, đứng thứ 24 toàn quốc, là đơn vị dẫn đầu khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên suốt 5 năm liên tục.

Là một trong những trường có đóng góp lớn cho hoạt động giáo dục mũi nhọn của tỉnh, những năm qua Trường THPT Chuyên Nguyễn Du đã nỗ lực khắc phục khó khăn, linh hoạt, chủ động trong công tác giáo dục. Ông Nguyễn Đăng Bồng, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, bồi dưỡng HSG là niềm vinh dự cũng là nhiệm vụ của nhà trường. Do đó, nhà trường luôn chủ động tham mưu, chọn đội ngũ giáo viên giàu kinh nghiệm, tâm huyết tham gia bồi dưỡng giúp các em phát huy sở trường, theo đuổi đam mê của mình; từ đó có động lực, ý chí học tập tham dự các kỳ thi. Riêng Kỳ thi chọn HSG quốc gia năm 2022 trường có 65 học sinh tham gia ở 10 môn thi thì có 32 em đạt giải.

Theo đánh giá của Sở GD-ĐT, công tác phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng HSG là hoạt động giáo dục mũi nhọn quan trọng, góp phần nâng cao vị thế ngành GD-ĐT trong hệ thống giáo dục cả nước. Kết quả đạt được đã ghi nhận sự nỗ lực không ngừng của thầy và trò các trường THPT.

Tiến sĩ Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, để tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng HSG qua các kỳ thi chọn HSG cấp khu vực và quốc gia, Sở sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch chiến lược về giáo dục mũi nhọn theo từng giai đoạn, thời kỳ, năm học; trong đó chú trọng đổi mới công tác phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng HSG; thực hiện tốt công tác tạo nguồn HSG trong các nhà trường.

Đồng thời, tăng cường hoạt động giáo dục thể chất, thể thao trường học, hoạt động kỹ năng sống, giá trị sống, giáo dục trải nghiệm sáng tạo; tăng cường liên kết với các trường có truyền thống trong khu vực và cả nước để giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm giữa giáo viên, học sinh; tranh thủ sự giúp đỡ của các chuyên gia đầu ngành để nâng cao hiệu quả bồi dưỡng HSG…

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.