Từ thể thao nghĩ về giáo dục
SEA Games 31 đã khép lại, đánh dấu một kỳ đại hội thể thao khu vực thành công của Việt Nam, không những về công tác tổ chức mà còn ở bảng thành tích với “cơn mưa vàng”. Một điều khá thú vị tại kỳ SEA Games này của đoàn thể thao chủ nhà là sự góp mặt khá đông các vận động viên Việt kiều.
Đã có 16 vận động viên là người Việt sinh sống ở nước ngoài ở các môn bóng rổ, bơi lội, quần vợt về dự đại hội thể thao khu vực, đóng góp nhiều huy chương cho thể thao quê hương. Có thể kể như: Nguyễn Thị Anh Đào, Kayleigh Trương, Kaylynne Trương (Việt kiều Mỹ) với Huy chương Bạc môn bóng rổ; Savanna Lý Nguyễn (Việt kiều Canada) và Chanelle Vân Nguyễn (Việt kiều Mỹ) với Huy chương Bạc quần vợt đồng đội nữ… Không chỉ có kỹ thuật thi đấu tốt, hầu hết các vận động viên Việt kiều còn có phong thái thi đấu hết sức tự tin, thoải mái. Điểm chung của các vận động viên Việt kiều là hầu hết họ đều trưởng thành từ thể thao trường học. Rất nhiều vận động viên dù thi đấu thể thao đỉnh cao nhưng trình độ học vấn cũng cao không kém, như Nguyễn Thị Anh Đào có bằng thạc sĩ y tế công; Savanna Lý Nguyễn thì tốt nghiệp ngành thần kinh học ở một trong những ngôi trường đại học hàng đầu nước Mỹ, hay Paul Lê Nguyễn (bơi lội) vừa thi đấu thể thao vừa hoàn thành bằng thạc sĩ…
Giờ học thể dục ở Trường THPT Cư M'gar, thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M'gar. Ảnh: Nguyễn Gia |
Điểm qua để thấy, trong hệ thống giáo dục tại các nước phát triển, giáo dục thể chất quan trọng không thua kém gì các môn văn hóa. Họ xem việc rèn luyện thể thao không chỉ tạo ra nền tảng thể lực tốt mà còn góp phần nâng cao trí lực và luyện rèn nhân cách. Tại nhiều trường đại học ở Mỹ, giỏi thể thao cũng là một trong tiêu chí điểm cộng trong xét tuyển hay xét học bổng. Vì vậy, một học sinh vừa giỏi văn hóa vừa giỏi thể thao là chuyện hết sức bình thường. Nữ nhà báo Khải Đơn đang theo học một khóa viết văn theo học bổng Fulbright tại Trường Đại học San Jose (Mỹ) từng kể ngôi trường này có phòng tập gym với gần trăm chiếc máy, phòng tập boxing, yoga, pilates đều có đầy đủ thiết bị tập; trường có tới 3 sân bóng rổ, bóng đá, đường chạy, hồ bơi lớn, tường leo núi… để cho sinh viên tập luyện miễn phí. Với hệ thống cơ sở vật chất như vậy, không có gì ngạc nhiên khi trong trường có những đội chơi thể thao chuyên nghiệp, thậm chí có những vận động viên tham dự Olympic.
Trong khi đó, tại Việt Nam trong suốt nhiều năm liền và thậm chí tại nhiều cơ sở giáo dục hiện nay vẫn chưa xem trọng vai trò của giáo dục thể chất, thường mặc định thể dục là môn phụ. Trong suy nghĩ của không ít người, các em học sinh giỏi thể dục thì thường… yếu các môn văn hóa. Cơ sở vật chất luyện tập thể thao chưa được chú trọng đầu tư khiến việc học bơi… trên cạn hay tập luyện các môn thể thao “chay” vẫn còn tồn tại. Cuối năm 2021, tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 1/12/2011 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về thể dục thể thao đến năm 2020”, Bộ GD-ĐT cho biết đến nay đã có 100% các cơ sở giáo dục mầm non triển khai thực hiện nội dung, mục tiêu phát triển thể chất cho trẻ em theo hướng tích hợp với các hoạt động giáo dục khác trong chương trình giáo dục mầm non; 100% các trường tiểu học, THCS, THPT tiến hành giảng dạy môn Giáo dục thể chất với thời lượng 2 tiết/tuần theo khung chương trình. Hằng năm, các trường tiểu học, THCS, THPT đều triển khai đánh giá thể lực học sinh theo đúng quy định. Có khoảng 80% các trường đại học, sư phạm thể dục thể thao, cao đẳng sư phạm tổ chức kiểm tra, đánh giá thể lực sinh viên hằng năm theo quy định... Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cũng nhìn nhận những hạn chế của công tác giáo dục thể chất và thể thao trường học như nhiều cơ sở giáo dục vẫn coi môn giáo dục thể chất là môn học phụ; đội ngũ giáo viên, giảng viên còn thiếu; công tác xã hội hóa giáo dục thể chất và thể thao trường học còn thấp...
Có thể thấy những con số thống kê sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW chưa thể hiện chuyển biến rõ rệt về chất lượng trong công tác giáo dục thể chất, tất cả dường như vẫn chỉ ở việc đã đưa giáo dục thể chất vào trường học, tổ chức đánh giá thể lực cho học sinh, sinh viên. Việc phát triển các hoạt động thể thao của học sinh, sinh viên bảo đảm phát triển thể lực toàn diện và kỹ năng vận động cơ bản của học sinh, sinh viên nhằm góp phần phát hiện và đào tạo năng khiếu và tài năng thể thao; gắn kết giữa thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao; gắn giáo dục thể chất, thể dục thể thao trong các nhà trường với giáo dục ý chí, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên... vẫn là mục tiêu hướng tới trong những năm tới.
Thiết nghĩ, để đạt được những mục tiêu nói trên, để giáo dục thể chất thực sự có vai trò như là một môn học không chỉ giúp tăng cường thể lực mà còn góp phần phát triển trí lực cho học sinh, trước tiên cần thay đổi nhận thức đối với môn học này, xem nó là môn học ngang bằng song song với các môn văn hóa khác, từ đó phía nhà trường và cả các em học sinh mới có sự đầu tư tương xứng. Một tin đáng mừng là từ năm học 2022 – 2023 khi triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới ở lớp 10 bậc THPT, giáo dục thể chất đã được xếp là một trong 7 môn học/hoạt động giáo dục bắt buộc với tất cả học sinh. Mong rằng, từ sự thay đổi về nhận thức, đánh giá đúng vai trò của môn học, chất lượng giáo dục thể thao học đường sẽ ngày càng được nâng cao và phát huy, góp phần tích cực phát triển con người toàn diện.
Hồng Hà
Ý kiến bạn đọc