Giáo dục trực quan qua mô hình mốc giới quốc gia
Giáo dục học sinh ý thức về chủ quyền quốc gia được các trường chú trọng triển khai bằng nhiều hình thức, trong đó có việc xây dựng những cụm mô hình cột mốc chủ quyền biển đảo, biên giới ngay trong trường học.
Cột mốc biên giới quốc gia vốn được thiết lập cố định trên đường biên giới quốc gia nhằm đánh dấu, xác định đường biên giới trên thực địa. Cột mốc nằm ở biên giới, cách xa thành phố, khu dân cư, không phải ai cũng có thể dễ dàng đến tận nơi. Để người dân hiểu hơn về chủ quyền, lãnh thổ đất nước, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã xây dựng mô hình cột mốc chủ quyền tại các điểm du lịch để du khách check in khi đến tham quan, trải nghiệm du lịch tại địa phương. Điều này đã tạo được sức hút nhất định đối với du khách.
Cùng với đó, một số trường học trong cả nước đã tiến hành xây dựng mô hình mốc giới quốc gia. Theo đó, các công trình cột mốc chủ quyền biển đảo, biên giới được đặt tại vị trí trang trọng ở khu vực giữa sân trường với các thông tin cụ thể về kinh độ, vĩ độ… Đây là “tài liệu học tập” mang tính thực tế cao, sinh động, có sức hút đối với học sinh trong các tiết học về lịch sử, chủ quyền biên giới quốc gia. Dựa trên thông tin của cột mốc, giáo viên tổ chức các tiết học ngoại khóa về chủ đề biển đảo, biên giới
Lễ kết nạp đoàn viên mới tại cột mốc biên giới số 41. Ảnh: Ngọc Lân |
Việt Nam, lịch sử truyền thống, lịch sử địa phương… Cũng từ đó, gợi mở, hướng dẫn học sinh tìm kiếm các thông tin liên quan về các cột mốc dọc biên giới Việt Nam với các nước láng giềng, từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục truyền thống, bồi dưỡng tình yêu quê hương đất nước cho thế hệ trẻ.
Đắk Lắk có mô hình “Khu vườn thiếu nhi Đắk Lắk với biển đảo Tổ quốc” tại khuôn viên Nhà Văn hóa Thanh thiếu nhi tỉnh. Được xây dựng năm 2021 gồm mô hình cột mốc thu nhỏ các đảo tại quần đảo Trường Sa với các thông tin đầy đủ về tên, vĩ độ, kinh độ..., công trình đã thu hút sự quan tâm của nhiều người, đặc biệt rất thuận lợi cho giới trẻ đến tìm hiểu về biển đảo Việt Nam. Ngoài mô hình này, các trường học còn có thể xây dựng các mô hình cột mốc chủ quyền nằm trên đường biên giới đi qua địa phận tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Mondulkiri (Campuchia).
Khi xây dựng được các mô hình cột mốc chủ quyền biển đảo, biên giới trong sân trường, ngành giáo dục có thể thực hiện được "mục tiêu kép": giáo dục lịch sử truyền thống dân tộc gắn với nội dung giáo dục địa phương. Bản thân học sinh cũng sẽ có những trải nghiệm thật nhất có thể để các em hiểu, khám phá về kiến thức văn học, lịch sử, địa lý... Từ đó, học sinh sẽ có hiểu biết cụ thể về đường biên giới, dáng hình đất nước, từng bước hình thành những ý niệm và hành động xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc