Chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra trong giáo dục
Công tác thanh tra, kiểm tra trong hoạt động giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) luôn được ngành GD-ĐT chú trọng, góp phần gìn giữ kỷ cương và thúc đẩy giáo dục phát triển đồng bộ, toàn diện.
Với nhiệm vụ quản lý 98 trường học trên địa bàn, Phòng GD-ĐT huyện Krông Pắc chú trọng thực hiện tốt công tác giải quyết các vấn đề liên quan đến thanh tra, kiểm tra theo quy định, đặc biệt là vấn đề giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Trong 3 năm học vừa qua, Phòng đã tiếp nhận và giải quyết theo quy định 20 đơn tố cáo, 20 đơn khiếu nại, 12 đơn phản ánh, kiến nghị của công dân, đội ngũ viên chức ngành GD-ĐT và các cấp lãnh đạo huyện, sở chuyển đến.
Với những đơn thư nặc danh, mạo danh, Phòng mời hiệu trưởng (đối tượng liên quan là tập thể), cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên có tên trong đơn đến làm việc, có biên bản làm việc cụ thể. Đơn không thuộc thẩm quyền, Phòng chuyển cho đơn vị liên quan theo quy định; những nội dung liên quan đến nhiều ngành thì tham mưu UBND huyện thành lập đoàn liên ngành giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Đăng Khoa (đứng giữa) kiểm tra thực tế cơ sở vật chất tại một trường học ở huyện Krông Năng. |
Ông Huỳnh Hồng, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Krông Pắc cho rằng, tổ chức quán triệt đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến khiếu nại, tố cáo đến từng thành viên trong đơn vị trường học; tổ chức tập huấn về các nội dung liên quan; đưa nội dung giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo vào kế hoạch kiểm tra trong năm học... là những cách làm cụ thể, minh bạch trong quản lý hoạt động giáo dục. Cách làm này vừa góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, cơ sở giáo dục, vừa tạo căn cứ để giải quyết các vấn đề liên quan trong quản lý hoạt động giáo dục.
Với Trường THPT Lắk, công tác quản lý nội bộ có vai trò quan trọng, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, mở rộng dân chủ và chế độ ủy quyền trong quản lý nhà trường. Việc kiểm tra nội bộ nghiêm túc đã tác động tích cực tới ý thức, hành vi và hoạt động của cán bộ, nhân viên, học sinh; kịp thời động viên cán bộ quản lý, giáo viên thực hiện tốt nhiệm vụ liên quan; thúc đẩy hoạt động truyền đạt kinh nghiệm giáo dục tiên tiến trong nhà trường…
Hằng năm, ngành GD-ĐT ban hành các văn bản liên quan, tổ chức quán triệt đến tận trường học; tổ chức làm các bài test nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra theo quy định để kiểm soát chất lượng nguồn lực. Năm học 2021 – 2022, ngành GD-ĐT đã tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch, phân cấp trong hệ thống GD-ĐT; Sở GD-ĐT tiếp nhận và xử lý 20 đơn khiếu nại, tố cáo đúng quy định, không có đơn thư tồn đọng…
Giờ học trên lớp của học sinh xã Ea Yiêng (huyện Krông Pắc). |
Qua thanh tra, kiểm tra cho thấy, hầu hết các cơ sở giáo dục đã đáp ứng cơ bản yêu cầu về cán bộ quản lý, nhân viên; thực hiện đầy đủ kế hoạch giáo dục và dạy học theo quy định của Bộ GD-ĐT… Tuy nhiên, ở một số đơn vị, nhất là ở vùng khó khăn vẫn còn những tồn tại như: công tác thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới chưa đáp ứng đầy đủ về cơ sở vật chất, đội ngũ nhân lực; công tác kiểm tra nội bộ trường học chưa có biện pháp đánh giá, tư vấn, chấn chỉnh, khắc phục kịp thời những tồn tại sau thanh tra; một số tổ chuyên môn sinh hoạt còn đơn điệu, chưa đề xuất được các giải pháp tối ưu để nâng cao chất lượng học tập của học sinh; một số trường dự toán thu chi kinh phí Ban đại diện cha mẹ học sinh chung chung, một số mục dự toán chi sai...
Tại Hội nghị tổng kết công tác thanh tra, kiểm tra năm học 2021 – 2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022 – 2023, ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD-ĐT lưu ý: Người làm công tác thanh tra, kiểm tra phải nghiên cứu chặt chẽ nội dung trong đơn khiếu nại, tố cáo của công dân; chủ động nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của mình. Năm học 2022 – 2023, việc thanh tra, kiểm tra sẽ bám sát các văn bản hướng dẫn về nhiệm vụ trọng tâm của năm học; kế hoạch công tác thanh tra, kiểm tra tại các trường học, phòng GD-ĐT; tập trung thanh tra chuyên ngành, hành chính, các kỳ thi (tốt nghiệp, tuyển sinh lớp 10, chọn đội tuyển học sinh giỏi, thi học sinh giỏi cấp tỉnh đối với học sinh THPT…). Từ thực tế thanh tra, kiểm tra, cũng cần đưa ra những tham vấn liên quan để Sở có sự điều hành, quản lý chặt chẽ hơn; thúc đẩy sự sáng tạo trong hoạt động dạy và học; góp phần phát triển ngành giáo dục một cách toàn diện theo lộ trình chung của hệ thống giáo dục cả nước.
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc