Khởi tạo niềm vui từ cách đón trẻ vào lớp
Những hình thức giáo dục trực quan, sinh động thường có tác động tích cực rõ rệt với học sinh, được nhiều trường học quan tâm áp dụng.
Trong một video trên mạng xã hội về một lớp học của trẻ mầm non có cách thức đón trẻ vào lớp khá thú vị. Cụ thể, cô giáo ngồi tại cửa lớp để đón trẻ và hướng dẫn mỗi em đi vào lớp theo cách riêng mà em thích. Em thì chọn nhảy lò cò, “bơi” (bắt chước động tác bơi), “bay” (bắt chước chú chim vỗ cánh bay), nhún nhảy, chạy ùa vào lớp… Các em tham gia một cách chủ động, hứng khởi nhưng vẫn rất trật tự tuân thủ quy định xếp hàng chờ đến lượt mình vào lớp.
Ảnh minh họa: Gia Nguyên |
Trong quá trình đó, cô giáo luôn vui vẻ, ân cần trò chuyện với từng học sinh; thậm chí đập tay, nhún nhảy theo trẻ, tạo nên không khí vui nhộn cho lớp học. Mỗi trẻ có một cách vào lớp với mức độ hào hứng, phấn chấn khác nhau đã thể hiện rõ tâm trạng, cảm xúc của chính mình và được cô giáo nắm bắt kịp thời để điều chỉnh cách thức giáo dục phù hợp.
Trong thực tế, nhiều trường đã áp dụng hiệu quả hình thức này. Đơn cử, Trường Mầm non 10-3 (TP. Buôn Ma Thuột) đã tổ chức đón và trả trẻ theo “menu hành động cảm xúc” được dán ngay ở cửa lớp. Theo đó, trước khi vào lớp và sau khi tan học, trẻ sẽ tự lựa chọn một cách chào giáo viên mình muốn và được cô giáo đáp lại bằng nụ cười cùng những hành động tương ứng như: ôm, bắt tay, vỗ tay, chạm tay… Qua đó, giáo viên dễ dàng nắm bắt cảm xúc, tình cảm của từng học sinh khi đến lớp cũng như sau một ngày học để có hướng điều chỉnh phù hợp với từng trẻ. Sự giáo dục nhẹ nhàng, sáng tạo ở mô hình này đã nhận được phản hồi tích cực từ trẻ, phụ huynh và ngành giáo dục, góp phần tạo môi trường học tập thú vị, thân thiện.
Các cách thức đón và trả trẻ nói trên là những hình thức giáo dục trực quan, phù hợp với lứa tuổi mầm non vừa học vừa chơi. Các em đã chủ động tiếp nhận, thực hành nội dung giáo dục một cách vui vẻ và hiệu quả (khi vận động trẻ sẽ có cảm xúc hưng phấn, sẵn sàng tham gia các hoạt động tiếp theo một cách tích cực hơn). Qua đó trẻ biết cách thể hiện và phân biệt từng loại cảm xúc (buồn, vui, sợ hãi, giận dữ, bối rối...), từng bước kiểm soát cảm xúc của mình cũng như đồng cảm với mọi người. Do đó, hình thức này rất cần được nhân rộng trong các trường học để xây dựng môi trường học tập phong phú, giúp các em có những trải nghiệm thú vị và phát triển một cách toàn diện thể chất, trí tuệ và cảm xúc.
Nhật Minh
Ý kiến bạn đọc