Chuyện học thời 4.0
Nhờ khoa học công nghệ, những khoảng cách trong giáo dục được rút ngắn, góp phần giúp người học vượt qua giới hạn không gian và thời gian, đạt được kết quả tích cực trên con đường học tập.
Chuyển đổi số ở trường vùng III
Đắk Liêng (huyện Lắk) là xã vùng III của tỉnh, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Do đó, cùng với việc đầu tư xây dựng trường lớp khang trang, được hỗ trợ thiết bị giáo dục hiện đại là nguồn trợ lực quý giá cho giáo viên và học sinh nơi đây.
Đứng chân trên địa bàn xã, Trường THCS Võ Thị Sáu có hơn 60% học sinh là người dân tộc thiểu số, việc tiếp thu kiến thức còn những hạn chế. Năm 2012, trường được Dự án giáo dục THCS vùng khó khăn của Bộ GD-ĐT hỗ trợ phòng máy tính (gồm 20 dàn máy vi tính), phòng học ngoại ngữ (hệ thống máy chiếu, bảng tương tác, máy tính)…
Chuyển từ phương pháp dạy học truyền thống sang ứng dụng công nghệ, ban đầu không khỏi gặp những khó khăn nhất định, nhưng giáo viên nhà trường đã nỗ lực vượt qua để làm chủ công nghệ, ứng dụng hiệu quả trong hoạt động dạy và học.
Cô Phạm Thị Minh Phương, giáo viên tiếng Anh chia sẻ, thiết bị giống như “giáo viên trợ giảng” (đọc, viết, nhắc lại… thay giáo viên) nên cô có thêm thời gian để hướng dẫn, khuyến khích học sinh tự học, kèm cặp học sinh tiếp thu chậm ngay tại lớp. Đầu năm học 2022 - 2023, cô đã có tiết thao giảng cho giáo viên toàn trường tại phòng học ngoại ngữ.
Học sinh Trường THCS Võ Thị Sáu (huyện Lắk) học online tại phòng máy của trường. |
Ứng dụng hiệu quả trong giảng dạy, công nghệ thông tin cũng hỗ trợ đắc lực cho việc học của học sinh. Em Lê Võ Ngọc Hân, học sinh lớp 9C cho hay, dưới sự hướng dẫn của giáo viên, em cùng các bạn biết cách khai thác không gian mạng một cách khoa học, hiệu quả để học hỏi, mở mang kiến thức. Hân bộc bạch: “Với em, nói (phát âm) và nghe là những kỹ năng khó nhất của môn tiếng Anh bởi môi trường để sử dụng tiếng Anh gần như không có. Do đó, em đã tận dụng không gian mạng để học miễn phí với giáo viên nước ngoài, học nghe, phát âm qua các ca khúc tiếng Anh, phim ảnh...”. Đặc biệt, nhờ có mạng Internet mà trong suốt khoảng thời gian phải ngừng đến trường do ảnh hưởng dịch COVID-19, việc dạy và học vẫn không bị gián đoạn, hình thức dạy học online được thực hiện sáng tạo, phù hợp với hoàn cảnh thực tế đã giúp học sinh tiếp thu được kiến thức của chương trình.
Ứng dụng công nghệ thông tin đã tạo những chuyển biến tích cực trong hoạt động giáo dục ở ngôi trường này. Thầy Nguyễn Văn Thành, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Võ Thị Sáu cho biết, trường đã căn bản số hóa công tác quản lý thông qua việc duyệt giáo án điện tử, sử dụng sổ điểm điện tử, tương tác với giáo viên, phụ huynh qua mạng xã hội… Nhờ đó, giáo viên có nhiều thời gian hơn cho công tác chuyên môn, chất lượng dạy học được nâng lên, nhiều năm liền trường giữ vững vị trí hàng đầu về thành tích học sinh giỏi của huyện Lắk.
Rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo và việc làm
Phía sau giáo dục và đào tạo là vấn đề việc làm. Trong hệ thống giáo dục hiện nay, giáo dục đại học là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất của cuộc cách mạng 4.0 vì sản phẩm của đào tạo là con người. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, các cơ sở đào tạo tìm cách gắn kết với doanh nghiệp nhằm sử dụng thiết bị, thành tựu khoa học công nghệ của doanh nghiệp phục vụ công tác đào tạo; rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo, nghiên cứu và triển khai trên thực tế...
Thời gian qua, Trường Đại học Tây Nguyên đã chú trọng hợp tác trong nước, quốc tế về đào tạo, giải quyết việc làm thông qua “chìa khóa” khoa học công nghệ. Trường đã tham gia Dự án “Tăng cường năng lực hệ thống giáo dục đại học Việt Nam nhằm hỗ trợ khả năng tìm kiếm việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp và phát triển kỹ năng khởi nghiệp”, Chương trình Hợp tác Thương mại hóa khoa học... Hiện trường đang duy trì hình thức dạy học trực tuyến với thời lượng 30% chương trình bởi phương thức giảng dạy cũ không còn phù hợp với thực tế. Ngừng đào tạo một số ngành nghề cũ, trường đồng thời đưa vào đào tạo một số ngành nghề mới như ngành sư phạm khoa học tự nhiên, chế biến nông lâm sản... nhằm tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Chị Nông Thị Thu (thứ năm từ phải sang) tham gia hoạt động nghiên cứu, học tập tại Israel. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Là cựu sinh viên ngành Kinh tế (khóa 2014 - 2019) của trường, chị Nông Thị Thu (SN 1996) đã tham gia Khóa đào tạo nông nghiệp AICAT tại Israel (khóa 2019 - 2021). Tại đây, được học tập, nghiên cứu, trải nghiệm sự khác biệt cùng các sinh viên đến từ nhiều quốc gia khác nhau, chị Thu có cơ hội ứng dụng những kiến thức đã học ở Trường Đại học Tây Nguyên (phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, nông nghiệp công nghệ sinh học) và học thêm các kiến thức về nông nghiệp công nghệ cao hiện đại (hệ tuần hoàn của mô hình trồng cây organic, máy móc và kỹ thuật ứng dụng trong trồng trọt hoa màu…). Đặc biệt, học hỏi những điều quý giá khi trực tiếp làm việc ở nông trại, nơi mà các hoạt động sản xuất, thí nghiệm khoa học và giáo dục được thực hiện cùng lúc để rút ngắn khoảng cách ứng dụng vào thực tiễn.
Kế hoạch triển khai Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”, tỉnh Đắk Lắk đã xác định, đến năm 2025 có trên 50% học sinh, học viên, sinh viên sử dụng nền tảng dạy và học trực tuyến; 100% các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh xây dựng và sử dụng hiệu quả kho học liệu trực tuyến; 100% cơ sở giáo dục ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá, nội dung chương trình giáo dục phổ thông được triển khai dưới hình thức trực tuyến… |
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc