Multimedia Đọc Báo in

Chuyện của những “kỹ sư tâm hồn”

07:58, 27/04/2023

Giáo viên làm công tác Tổng phụ trách Đội được ví là “kỹ sư tâm hồn” của học sinh tiểu học. Ý thức được sứ mệnh đó, nhiều Tổng phụ trách Đội ở các cơ sở giáo dục huyện Krông Pắc đã nỗ lực vượt khó để thiết kế và tổ chức hoạt động phong trào kết hợp với giáo dục đạo đức, lối sống, tạo môi trường rèn luyện thực tế, thân thiện cho học sinh.

Vượt khó làm công tác Đội

Hơn 10 năm gắn bó với nghề giáo cũng là từng ấy thời gian cô Nguyễn Thị Hoa Thúy, Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Tân Tiến, xã Tân Tiến hoạt động trong lĩnh vực Đoàn, Đội. Bằng sự nhiệt huyết, đam mê, yêu nghề, cô luôn nỗ lực vượt khó, sáng tạo các nội dung, hoạt động giáo dục để viết thêm những câu chuyện đẹp trong vườn hoa giáo dục măng non.

Cô Thúy chia sẻ, Trường Tiểu học Tân Tiến có 145 học sinh nhưng có tới 3 điểm trường tại thôn 1, thôn 2, do đó, việc tổ chức sinh hoạt Đội rất khó khăn. Để có kinh phí cho hoạt động Đội, cô Thúy đã triển khai hiệu quả phong trào Kế hoạch nhỏ (thu gom giấy vụn, lon bia, chai nhựa…) để gây quỹ.

Để thu hút học sinh tham gia phong trào, hoạt động Đội, cô Thúy thường xuyên tổ chức các sân chơi ý nghĩa, các hoạt động trải nghiệm thú vị được “dân gian” hóa từ số tiền ít ỏi vận động được như: mua cua, lươn, cá, ốc về rải trên ruộng để học sinh trải nghiệm ra đồng mò cua, bắt ốc; đi cấy lúa; mua bột về để tổ chức bữa tiệc bánh rán do chính học sinh thực hiện dưới sự giám sát của các cán bộ Đoàn trường; gói bánh chưng, bánh tét…

Học sinh Trường Tiểu học Chu Văn An tham gia hoạt động trải nghiệm với chủ đề "Hành quân an toàn".

Những hoạt động ấy không chỉ giúp học sinh có thêm kiến thức, mà còn rèn luyện cho các em sự tự tin, năng động. Em Bùi Thị Minh Thư, học sinh lớp 5B, Trường Tiểu học Tân Tiến chia sẻ, khi tham gia hoạt động của Đội, em được cô giao cho nhiệm vụ ổn định nền nếp, điểm danh trước và sau khi tổ chức hoạt động; ghi chép số liệu (kế hoạch nhỏ)… Qua đó, em đã học kỹ năng quản lý đội, nhóm; điều hành nhóm theo chủ đề, chủ điểm của hoạt động, đặc biệt là em đã tự tin hơn khi đứng trước đám đông…

Tương tự, hơn 10 năm gắn bó với công tác Đội, cô Đặng Thị Phương Thùy, Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Chu Văn An, thị trấn Phước An cũng có nhiều cách làm hay để tạo nên các hoạt động sôi nổi, bổ ích cho học sinh. Cô đã từng bước kết nối, xây dựng mối quan hệ giữa Đội với các hoạt động giáo dục trong trường; chủ động kết nối, xây dựng mối quan hệ gần gũi giữa nhà trường với gia đình; tổ chức các hoạt động cụ thể nhằm từng bước thay đổi góc nhìn của phụ huynh như: Ngày hội vui khỏe - tiến bước lên Đoàn; vui hội trăng rằm; ngày hội đọc sách; các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, trải nghiệm - sáng tạo; tuyên truyền Luật Trẻ em... "Các phong trào dần sôi nổi và được phụ huynh đón nhận, tin tưởng cho học sinh tham gia”, cô Thùy tâm sự.

Tạo môi trường để học sinh phát triển toàn diện

Ở tuổi măng non (6 - 11 tuổi), học sinh tiểu học rất ngây thơ, hồn nhiên và trong sáng; các em từng bước gia nhập vào xã hội với rất nhiều mối quan hệ xung quanh mình; dễ thích nghi và tiếp cận với cái mới nhưng cũng dễ quên. Do đó, Tổng phụ trách Đội phải thường xuyên đi sớm về muộn; thậm chí làm việc vào cả thứ 7, chủ nhật mới bảo đảm tiến độ chung của các chương trình liên quan.

Học sinh Trường Tiểu học Tân Tiến, xã Tân Tiến trải nghiệm rán bánh tại trường.

Đơn cử như Liên đội Trường Tiểu học Chu Văn An với 865 học sinh. Để tổ chức chương trình “Vui hội trăng rằm", Tổng phụ trách Đội phải lên kế hoạch trước 2 tuần trình Ban giám hiệu nhà trường duyệt, sau đó triển khai đến các khối lớp; các tổ chức, đoàn thể trong trường phối hợp cùng tổ chức cho học sinh với các nhiệm vụ cụ thể (tập văn nghệ; đóng kịch chú Cuội và chị Hằng Nga; mua bánh kẹo…); qua chương trình, học sinh hiểu thêm về Tết Trung thu, xem múa lân; được vui chơi và phá cỗ… Tương tự, với "Ngày hội truyền thống nhà trường" (ngày thành lập trường 6/10), học sinh được giáo viên tập văn nghệ để biểu diễn tại ngày hội; tổ chức thiết kế trang phục từ nguyên liệu tái chế; ôn tập kiến thức để tham gia trò chơi rung chuông vàng và hái hoa dân chủ…; qua đó, các em biết được ngày thành lập trường, các thành tích của giáo viên và học sinh của trường trong các thời kỳ; cách phấn đấu để được nhà trường công nhận và ghi danh truyền thống…

Ông Huỳnh Hồng, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Krông Pắc cho biết, việc giáo dục đạo đức, lối sống thông qua các hoạt động của tổ chức Đội là một hình thức giáo dục trực quan, sinh động, phù hợp với lứa tuổi tiểu học. Bản thân các em được học kỹ năng giao tiếp, kết nối bạn bè, học tính kỷ luật trong không gian mở sẽ giúp học sinh nảy sinh tình cảm tích cực, kích thích được khả năng nhận thức tốt đối với học sinh, tạo tiền đề để học sinh phát triển một cách toàn diện.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.