Giáo dục giới tính cho học sinh: Còn nhiều "khoảng trống"
Giáo dục giới tính cho học sinh không còn là chuyện mới trong hoạt động giáo dục. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau mà vấn đề giáo dục giới tính cho học sinh hiện vẫn còn nhiều "khoảng trống".
Những câu chuyện đáng báo động
Thời gian qua, dư luận xôn xao trước sự việc em T.T.M.C. (SN 2010) học sinh lớp 7 tại tỉnh Bắc Giang từng có bạn trai và có thai. Tháng 2/2023, C. tự sinh con trong nhà tắm thì người nhà mới biết và đưa C. cùng bé sơ sinh đến cơ quan y tế để chăm sóc sức khỏe.
Tại Đắk Lắk, trung tuần tháng 3 vừa qua cũng đã xảy ra sự việc đáng lưu tâm. Cụ thể là trên mạng xã hội xuất hiện một đoạn clip ngắn ghi lại hình ảnh hai học sinh nam nữ của Trường THPT Chuyên Nguyễn Du có hành động “nhạy cảm” với nhau trong nhà vệ sinh của trường. Nhà trường đã làm việc với hai học sinh nói trên và gia đình các em. Cả hai học sinh thừa nhận có quan hệ tình cảm với nhau, học sinh nam cho rằng bản thân đã làm rơi điện thoại nên bị người khác quay lại đoạn clip “nhạy cảm” từ điện thoại của mình.
Những sự việc trên cho thấy cần nhìn lại vấn đề giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản cho trẻ em và học sinh. Bởi ở lứa tuổi này các em có khả năng tiếp cận thông tin từ nhiều nguồn khác nhau (trên mạng, người thân, bạn bè…) nhưng lại không nhìn nhận đúng về vấn đề giáo dục giới tính, thuần phong mỹ tục; dẫn đến có hành động không chuẩn mực khi đang ngồi trên ghế nhà trường làm ảnh hưởng đến môi trường giáo dục học đường.
Học sinh huyện Krông Pắc tham gia diễn đàn "Xây dựng tình bạn đẹp". |
Theo đại diện Sở GD-ĐT, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc học sinh đi quá giới hạn trong các mối quan hệ và đây cũng chính là những "lỗ hổng" trong việc giáo dục giới tính của học sinh hiện nay. Cụ thể là phương pháp giáo dục của nhà trường chưa hiệu quả; sự giáo dục của gia đình chưa có, hoặc chưa thường xuyên, chưa hợp lý; do tác động mạnh mẽ của môi trường xã hội, đặc biệt là môi trường mạng… Trong khi đó, cơ thể các em phát triển, có nhu cầu sớm về tâm sinh lý và bị áp lực học tập, thiếu sự quan tâm của bố mẹ; chưa nhận thức được đầy đủ về hành động của mình dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
Chủ động giáo dục giới tính cho học sinh
Giáo dục giới tính là một quá trình dạy học nhằm hướng tới trang bị cho trẻ và thanh thiếu niên các kiến thức, kỹ năng, thái độ và giá trị cần thiết của bản thân. Thông qua đó, các em có thể hình thành các mối quan hệ xã hội và quan hệ bạn bè trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau; hiểu được lựa chọn của mình ảnh hưởng tới bản thân và người khác như thế nào; đồng thời nhận thức cũng như bảo đảm việc bảo vệ các quyền của mình trong suốt cuộc đời.
Học sinh Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm tham gia hoạt động ngoại khóa về chủ đề "Đất nước - Tuổi trẻ - Tình yêu". |
Chị N.N.T., một phụ huynh có con học lớp 10 tại Trường THPT Chuyên Nguyễn Du cho rằng, học sinh hiện nay có hiểu biết khác nhau về giáo dục giới tính, tình yêu học đường. Do đó, đối với con em mình, phụ huynh không thể áp dụng phương pháp “ngăn sông cấm chợ” mà phải chủ động, cởi mở để dẫn dắt con mình đi đúng hướng; quan tâm, nhắc nhở con chuyên tâm học hành; khi con hỏi thì giải thích cặn kẽ và hướng dẫn cách thức để các em tự bảo vệ bản thân, bảo vệ bạn khác giới khi các em đang trong giai đoạn có nhiều sự thay đổi tâm sinh lý.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT cho biết, trước những "khoảng trống" trong giáo dục giới tính cho học sinh, ngành giáo dục đang tăng cường phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong công tác quản lý, giáo dục học sinh. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao kiến thức, ý thức về giáo dục giới tính cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh học sinh; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử trong trường học; đổi mới hình thức và phương pháp giáo dục giới tính cho học sinh cả trong dạy học chính khóa và ngoại khóa; tổ chức các chương trình, diễn đàn (chủ đề tình bạn, tình yêu, tảo hôn) để học sinh có thêm nhiều kiến thức và kỹ năng về giới tính...
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc