Multimedia Đọc Báo in

Độc đáo Bảo tàng tương lai

16:34, 18/02/2023

Bảo tàng tương lai tọa lạc tại Khu tài chính Dubai, thuộc Tiểu Vương quốc Ảrập thống nhất (UAE) là công trình kiến trúc độc đáo và thú vị.

Bảo tàng tương lai (Museum of the Future – MoF) là một không gian triển lãm dành cho các hệ tư tưởng, dịch vụ và sản phẩm sáng tạo cho tương lai. Mục tiêu của bảo tàng là thúc đẩy phát triển và đổi mới công nghệ, nhất là trong lĩnh vực người máy và trí tuệ nhân tạo (AI). MoF kết hợp ba yếu tố là đồi xanh, kiến trúc và không gian.

Từ cuối tháng 6/2015, chính quyền Dubai đã tiết lộ kế hoạch xây dựng tòa nhà in 3D đầy đủ chức năng đầu tiên trên thế giới, có tên Văn phòng của tương lai. Dự án này chính là tiền thân của MoF.

Đầu tháng 3/2015, Mohammed bin Rashid Al Maktoum, người đứng đầu Dubai, đồng thời là Phó Tổng thống và Thủ tướng của UAE đã công bố kế hoạch xây dựng MoF sau khi dự án được trình bày trước Hội nghị thượng đỉnh chính phủ. Đến ngày 24/4/2016, Quỹ Tương lai Dubai (DFF) ra đời và bảo tàng MoF trở thành một phần của quỹ này.

MoF được ra đời dựa trên ý tưởng của nhiều cuộc triển lãm khác nhau như Mechanic Life (2016) và triển lãm năm 2017 khám phá ý tưởng về người máy tinh vi có thể hiểu được cảm xúc. Triển lãm năm 2017 lấy bối cảnh chủ đề vào năm 2050 để khám phá cách loài người chào đón những đổi mới cấp tiến, bất chấp tác động của biến đổi khí hậu, tập trung vào ba yếu tố chính góp phần tạo nên dấu ấn sinh thái của nhân loại: đô thị, nông nghiệp và công nghiệp toàn cầu.

Đến năm 2018, triển lãm Hi I am AI ra đời để giới thiệu cách các tòa nhà do AI cung cấp sẽ phục vụ nhân loại. Nó thảo luận về một số quan điểm, gồm cả việc liệu AI có thể sáng tạo và tương lai của nhân loại sẽ ra sao trong kỷ nguyên AI. Triển lãm thứ sáu của MoF được tổ chức vào năm 2019 khám phá các khái niệm về sự nâng cao của con người và tập trung vào cơ thể và tâm trí.

MoF chính thức được khai trương vào ngày 22/2/2022.

Quang cảnh bên trong bảo tàng MoF. Nguồn: Gulfnews/CNN

Về cơ bản, MoF tìm cách thúc đẩy các giải pháp cho những thách thức mà các thành phố trong tương lai phải đối mặt, bên cạnh những đổi mới về nhà ở và là trung tâm tập hợp các nhà nghiên cứu, nhà thiết kế, nhà phát minh cũng như tài chính dưới một mái nhà. MoF sẽ tổ chức các phòng thí nghiệm đổi mới dành riêng cho một số lĩnh vực quan trọng như y tế, giáo dục, thành phố thông minh, năng lượng và giao thông. Nó cũng sẽ hỗ trợ và thử nghiệm các phát minh mới trong quan hệ đối tác với các viện nghiên cứu và trường đại học.

Công trình MoF được mô tả là một trong những cấu trúc phức tạp nhất thế giới, được thiết kế bởi studio Killa Design do Buro Happold. Bảo tàng được cấp chứng chỉ LEED Platinum về tiêu chí xanh của Hội đồng công trình môi trường Mỹ (U.S. Green Building Council) cấp.

Mặt tiền bên ngoài của tòa nhà bao gồm các cửa sổ riêng, trên đó hiển thị một bài thơ Ảrập. Đó là 3 câu trích dẫn từ người cai trị Dubai, nói về tương lai của tiểu vương quốc này:

- Chúng ta sẽ không sống hàng trăm năm, nhưng chúng ta có thể tạo ra thứ gì đó sẽ tồn tại hàng trăm năm.

- Tương lai sẽ dành cho những người có thể tưởng tượng, thiết kế và xây dựng nó, tương lai không chờ đợi ai, tương lai có thể được thiết kế và xây dựng ngay từ hôm nay.

- Bí mật của sự đổi mới cuộc sống, sự phát triển của nền văn minh và sự tiến bộ của nhân loại gói gọn trong một từ: đổi mới.

Những câu trích dẫn được khắc bằng thư pháp Ảrập do nghệ sĩ người Tiểu vương quốc Matar Bin Lahej thể hiện. Vỏ hình xuyến này nằm trên đỉnh của tòa nhà và bao gồm 1.024 tấm composite chống cháy phủ bằng thép không gỉ, mỗi tấm trong số đó có một hình dạng 3D độc đáo để tạo chữ viết Ảrập ấn tượng, sắc nét.

Bảo tàng có bảy tầng dành riêng cho các triển lãm khác nhau. Ba tầng tập trung vào phát triển tài nguyên ngoài vũ trụ, hệ sinh thái và kỹ thuật sinh học, y học và phúc lợi. Các tầng khác trưng bày các công nghệ tương lai gần nhằm giải quyết các thách thức trong các lĩnh vực bao gồm sức khỏe, nước, thực phẩm, giao thông và năng lượng, trong khi tầng cuối cùng dành riêng cho trẻ nhỏ.

Duy Nguyễn

(Theo KTC/GC/SCC/AC-12/2022)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.