Nhập cuộc khởi nghiệp (kỳ 2)
Đảng viên trẻ tiên phong start-up
Trên địa bàn tỉnh có không ít start-up là các đảng viên trẻ. Điểm chung ở họ là tinh thần đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân và sống hết mình với lý tưởng, đam mê; để rồi từ đó họ đã mạnh dạn khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh trên cơ sở phát huy những tiềm năng, thế mạnh của vùng đất nơi mình đang sống...
Nâng tầm nông sản địa phương
Xuất phát từ khát vọng nâng cao giá trị nông sản cho nông dân vùng khó ở xã Ea Bar (huyện Buôn Đôn), chị Trần Thị Thúy Kiều, Bí thư Chi bộ, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp thương mại dịch vụ Ea Bar đã mạnh dạn thực hiện Dự án sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn từ nông sản. Dự án này đã đoạt giải Ba Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo” năm 2021 do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức.
Chị Thúy Kiều nhớ lại, năm 2019 khi đang làm việc tại văn phòng UBND xã Ea Bar chị được tiếp xúc với nhiều nông dân và hiểu được sự bế tắc của bà con khi giá nông sản giảm mạnh, đầu ra bị ách tắc như thế nào. Trăn trở với việc nâng cao chất lượng nông sản và giá trị nông sản địa phương đã thôi thúc chị tìm hướng đi khác so với cách làm cũ (sản xuất để bán nông sản dưới dạng nguyên liệu) là ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chế biến sản phẩm theo nhu cầu thị trường. Do đó, năm 2020 chị quyết định nghỉ công việc văn phòng tại UBND xã để tập trung vào kinh doanh. Được các thành viên HTX tín nhiệm giữ chức Bí thư Chi bộ, Giám đốc HTX, chị Kiều cùng với hai thành viên khác trực tiếp đi khảo sát, nghiên cứu thị trường, từ đó định hướng hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX.
Chị Trần Thị Thúy Kiều trưng bày các sản phẩm tại gian hàng của Hợp tác xã Nông nghiệp thương mại dịch vụ Ea Bar. Ảnh: Hồng Thủy |
Các sản phẩm nông sản thành phẩm được đa dạng hóa theo phân cấp, trong đó chú trọng chế biến tinh để nâng cấp nông sản từ hàng nguyên liệu lên sản phẩm chất lượng cao, đưa đến tận tay người tiêu dùng. Cụ thể là sản xuất dòng sản phẩm bột rau, củ sấy lạnh như bột chùm ngây, măng tây, bí đỏ hay tiêu dẻo… với 12 sản phẩm cụ thể có bao bì, nhãn mác kèm theo và được thương mại hóa qua nhiều kênh từ truyền thống đến kinh doanh online. Hiện nay HTX có 9 thành viên (trong đó có 5 đảng viên) tham gia trực tiếp vào hoạt động của HTX và 20 hộ liên kết sản xuất với các vườn tiêu xanh, rau củ canh tác theo hướng hữu cơ.
Chị Kiều chia sẻ: “Với hướng sản xuất mới, bước đầu HTX cũng còn nhiều khó khăn song các đảng viên, thành viên của HTX luôn tâm huyết, thống nhất, đồng thuận trong mọi hoạt động. Định hướng quan trọng nhất của HTX là nâng cao trách nhiệm của mình đối với cộng đồng, cùng góp sức thay đổi cách thức sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, bền vững và nâng cao giá trị sản phẩm nông sản địa phương”.
"Tôi làm được, mọi người cũng làm được"
Chị H’Bích Niê Kđăm ở buôn Wiao A, thị trấn Krông Năng (huyện Krông Năng) là một trong những người tiên phong tại địa phương trong việc phá bỏ cà phê để trồng mắc ca do giá cà phê quá bấp bênh.
Tuy nhiên, khi cây mắc ca cho thu hoạch cũng là lúc người trồng mắc ca tại địa phương gặp khó về đầu ra. Vì vậy, năm 2015 chị H’Bích đã tự tìm hiểu và nghiên cứu để thu mua mắc ca cho người dân, sau đó thành lập cơ sở sản xuất và chế biến ngay tại địa phương. Đến năm 2018, nhận thấy trên thị trường đã bắt đầu có nhiều cơ sở khác sản xuất chế biến mắc ca nên chị đã nghiên cứu thêm sản phẩm mắc ca rang củi và rượu cần mắc ca để dễ nhận diện thương hiệu và tạo sự khác biệt với những cơ sở khác. Sản phẩm rượu cần mắc ca còn giúp chị gìn giữ nghề nấu rượu cần truyền thống của người Êđê do bà ngoại chị truyền lại.
Chị H’Bích Niê Kđăm nghiên cứu sản xuất các sản phẩm từ cây mắc ca. Ảnh: Khả Lê |
Hiện nay, Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp Kim Bình Mắc ca do chị H’Bích đứng đầu không chỉ mang lại nguồn doanh thu ổn định mà còn tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động tại địa phương. Với chị H’Bích, việc nỗ lực trên con đường khởi nghiệp không chỉ khẳng định năng lực của bản thân mà chị còn mong muốn lan tỏa thông điệp “tôi làm được, mọi người cũng làm được” đến tất cả các bạn trẻ, đặc biệt là thanh niên người dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Ước mơ đưa tinh dầu Đắk Lắk vươn ra thế giới
Nhận thấy nhu cầu sử dụng tinh dầu trong sản xuất dược liệu rất lớn, dù đang có công việc với thu nhập ổn định, song năm 2015 vợ chồng đảng viên Ngô Thị Dịu Hương và Nguyễn Văn Tuấn (thôn 8, xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột) quyết định dấn thân vào con đường sản xuất, kinh doanh các sản phẩm tinh dầu.
Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ TNBaybio do anh chị thành lập hiện liên kết với nông dân phát triển các vùng nguyên liệu, chiết xuất tinh dầu để bán ra thị trường trong nước và xuất khẩu. Công ty hiện có các sản phẩm chủ lực như: Tinh dầu sả Java, sả chanh, sả Ấn Độ, hương nhu, tràm và hợp tác sản xuất tinh dầu quế. Hiện vùng nguyên liệu do công ty xây dựng và liên kết sản xuất có diện tích gần 400 ha tại một số địa phương trong tỉnh (Buôn Đôn, Ea H’leo, Ea Kar...) và ngoài tỉnh (Tây Ninh, Đắk Nông). Bình quân mỗi năm công ty sản xuất và thu mua 20 tấn tinh dầu các loại, chủ yếu bán cho các công ty dược, mỹ phẩm nội địa và xuất khẩu gián tiếp sang thị trường Ấn Độ, Đức, Trung Quốc và sắp tới là sang Nga.
Từ tháng 10-2020, để mở rộng hơn thị trường và đa dạng sản phẩm, từ xuất thô cho các đối tác lớn, công ty sản xuất thêm các sản phẩm bán lẻ với thương hiệu Tinh dầu Emay phục vụ người tiêu dùng trong nước; đồng thời tiếp cận dần với thương mại điện tử để chủ động tiếp thị sản phẩm, tìm kiếm thị trường trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Khách hàng tìm hiểu sản phẩm tinh dầu của Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ TNBaybio tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột năm 2019. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Điều tự hào nhất trong quá trình khởi nghiệp của hai vợ chồng này đó là đã góp phần làm tăng thêm giá trị cho những loại cây nông nghiệp dược liệu đặc trưng của Việt Nam, cũng là cải thiện thu nhập cho nông dân ở những vùng đất cằn cỗi. Hướng phát triển sắp tới của Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ TNBaybio là tiếp tục mở rộng vùng nguyên liệu; trồng thử nghiệm thêm một số giống cây có thể khai thác tinh dầu; đồng thời tiếp tục hoàn thiện các sản phẩm chế biến sâu, tăng các kênh phân phối đưa ra thị trường các sản phẩm đạt quy chuẩn về chất lượng.
Ước mơ lớn nhất của anh Tuấn, chị Hương là đưa được các sản phẩm tinh dầu chế biến sâu ra thế giới, không phải xuất khẩu thô như hiện nay để khẳng định thương hiệu tinh dầu Đắk Lắk. Chị Hương trăn trở: “Chúng tôi muốn làm sao khi nhắc đến Tây Nguyên, đến Đắk Lắk, bên cạnh cà phê, tiêu, cao su còn có tinh dầu bởi thực sự đây cũng là tiềm năng rất lớn mà chúng ta chưa biết cách khai thác hết... Tinh dầu chủ yếu vẫn xuất khẩu thô bởi chưa có công nghệ chiết tách các đơn chất, tạo thành các biệt dược dùng trong công nghệ sản xuất dược phẩm nên giá trị mang lại chưa cao”...
Hồng Thủy - Khả Lê - Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc