Nỗ lực "khơi thông" vụ sầu riêng 2021
Huyện Krông Pắc bước vào chính vụ thu hoạch sầu riêng đúng ngay thời điểm các tỉnh siết chặt công tác phòng, chống dịch COVID–19 nên tiêu thụ nội địa nhỏ giọt, trong khi chưa xuất khẩu chính ngạch được sang Trung Quốc. Điều này khiến cả người mua và người bán đều rơi vào tình thế khó khăn.
Nông dân chủ động hạ giá
Dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh và trong nước diễn biến phức tạp khiến việc vận chuyển, tiêu thụ sầu riêng nội địa gặp nhiều khó khăn. Theo ghi nhận của chính quyền địa phương, giá sầu riêng Dona đang giảm mạnh 30 - 40% so với cùng kỳ năm 2020, dao động từ 20.000 - 40.000 đồng/kg, tùy vào phẩm cấp, chất lượng từng quả. Cụ thể, theo khảo sát của UBND huyện Krông Pắc vào ngày 24-8 thì giá sầu riêng loại 1 (quả tròn, đầy hốc) đang được thương lái mua với giá 32.000 - 35.000 đồng/kg cắt ngay tại vườn, giá sầu riêng loại 2 xuống còn trên dưới 30.000 đồng/kg (tùy khoảng cách từ vườn đến vựa); còn sầu riêng hàng rụng loại 1 là 30.000 đồng/kg, loại 2 là 28.000 đồng/kg. Riêng những vườn sầu riêng được thương lái đặt mua ngay từ đầu vụ vẫn được thu mua với giá đặt cọc ban đầu từ 38.000 - 40.000 đồng/kg, tùy vào hợp đồng mua bán giữa các bên liên quan.
Đại lý sầu riêng Thúy Khánh (thị trấn Phước An) thu mua sầu riêng rụng vận chuyển đi các tỉnh thành khác tiêu thụ |
Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát lại giá vào ngày 26-8 thì giá sầu riêng không còn vượt qua con số 30.000 đồng/kg. Ông Lê Văn Hùng (buôn A2, xã Ea Yông) cho hay, giá ngày càng giảm, sầu riêng già, đẹp thì cao nhất là 27.000 - 28.000 đồng/kg, còn bình quân từ 20.000 - 25.000 đồng/kg. Gia đình ông hiện có 1,5 ha sầu riêng kinh doanh, sản lượng khoảng 30 tấn, đến thời điểm này ông đã bán được 50%, số còn lại vẫn còn nằm trên cây, nhưng cũng phải tìm cách bán hết trong nay mai vì sầu riêng đã già, không thể giữ lại được. Cũng theo ông Hùng, một trong những nguyên nhân khiến giá sầu riêng xuống thấp là vì nhiều nông dân chủ động hạ giá bán để thương lái thu mua hết vườn bởi lo lắng giá sẽ xuống thấp nữa và để dưỡng cây cho vụ mùa sau.
Ông Lê Văn Chiến, Phó Giám đốc Hợp tác xã Cây ăn trái Krông Pắc chia sẻ, do sản lượng sầu riêng Đắk Lắk rất lớn nên khả năng cao sẽ tồn đọng vì hiện tại chuỗi cung - cầu đang bị đứt gãy, lượng hàng tiêu thụ chậm. Vì vậy, việc đầu tư kho cấp đông sẽ giúp người dân và doanh nghiệp có thể tiêu thụ dần khi không xuất bán được.
|
Tương tự, theo ông Y Ya Niê (buôn Jung, xã Ea Yông), giá sầu riêng năm nay thấp hơn mọi năm rất nhiều. Thế nhưng, gia đình ông không còn sự lựa chọn nào khác, chấp nhận bán theo giá thị trường bởi sầu riêng khi vào thu hoạch thì chín rụng đại trà, gia đình không có khả năng bảo quản nên chấp nhận bán giá hợp lý theo hướng thuận mua vừa bán…
Ông Nguyễn Minh Phụng, Chủ tịch UBND xã Ea Yông cho biết, toàn xã hiện có khoảng 1.500 ha sầu riêng, trong đó có khoảng 1.000 ha sầu riêng kinh doanh, sản lượng năm nay đạt khoảng 18.000 tấn. Thị trường mua bán đã tấp nập, nhưng giá rẻ hơn so với những năm trước và tiến độ mua bán cũng chậm hơn. Trong thẩm quyền của mình, địa phương cũng đã nỗ lực kết nối giữa người dân và doanh nghiệp, chia sẻ khó khăn với bà con nông dân. Tuy nhiên, diễn biến dịch COVID-19 phức tạp khiến cho bản thân doanh nghiệp và nông dân cùng rơi vào thế khó.
Xu hướng cấp đông trữ hàng
Phòng NN-PTNT huyện Krông Pắc cho biết, toàn huyện có 3.300 ha sầu riêng (chủ yếu là loại Dona), sản lượng khoảng 45.000 tấn, đang cho thu hoạch. Hiện tại, đã có 581 ha sầu riêng của 497 hộ được kiểm tra đánh giá và cấp Giấy chứng nhận VietGAP. Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cấp 36 mã vùng trồng cho 730 ha sầu riêng; 7 mã đóng gói cho các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh sầu riêng trên địa bàn.
Thương lái vào tận vườn để thu mua sầu riêng của nông dân trên địa bàn xã Ea Yông |
Trên thực tế, huyện Krông Pắc và doanh nghiệp thu mua, chế biến sầu riêng cũng đã lựa chọn phương án vận chuyển bằng xe "luồng xanh" đến các nơi tiêu thụ, bóc tách sầu riêng. Tuy nhiên, do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương thực hiện Chỉ thị 16 dẫn đến việc tập hợp nhân công để bóc tách, cấp đông kịp thời cũng khó khăn. Chưa kể, doanh nghiệp cần phải có số vốn lớn để mua, tích trữ sầu riêng nên việc quay vòng vốn trong mùa vụ như những năm trước rất khó, thậm chí không thể thực hiện được.
Trước thực tế mua bán có thể khó khăn hơn, nhiều gia đình đã lựa chọn phương án bóc tách, cấp đông chờ khi thị trường thuận lợi để bán. Một số hộ thì thông qua mạng xã hội, tự kết nối với người tiêu dùng ở các địa phương trong tỉnh để tiêu thụ sầu riêng rụng với giá cao hơn bán xô. Đây là cách làm từng được thực hiện thử nghiệm ở những năm trước nên sẽ là một phương án được cân nhắc lựa chọn trong bối cảnh dịch bệnh COVID–19 diễn biến phức tạp.
Bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc cho biết, trước đó huyện đã có sự chuẩn bị nhất định để kết nối với các địa phương cho nhân công từ các tỉnh miền Tây đến huyện Krông Pắc thực hiện thu mua, chế biến sầu riêng và chuyển về kho ở các thành phố lớn. Tuy nhiên, địa phương và nhiều doanh nghiệp trở tay không kịp khi TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Tiền Giang siết chặt giãn cách. Trong khi đó, sầu riêng là loại trái cây mang tính chất đặc thù, khó bảo quản, vì vậy sơ chế, chế biến để cấp đông, tích trữ chờ qua dịch tiêu thụ hiện đang là hướng đi được địa phương tính đến. Huyện đã có văn bản kiến nghị Sở Công thương hỗ trợ thông tin về kho, bãi cấp đông sầu riêng cho bà con nông dân và đã nhận được văn bản kết nối của Sở. Theo đó, có hai kho đông lạnh của hai doanh nghiệp trên địa bàn với sức chứa 350 tấn. Hiện tại, huyện đang làm việc với các doanh nghiệp có kho đông lạnh lớn trên địa bàn tỉnh, chuẩn bị phương án kết nối khi cần thiết.
Minh Thuận - Nguyễn Hường
Ý kiến bạn đọc