Multimedia Đọc Báo in

Dự án xây dựng cầu dân sinh nối những bờ vui

06:47, 04/09/2021

Dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP) được Bộ Giao thông vận tải triển khai từ năm 2017 đến năm 2021 nhằm nâng cấp, sửa chữa và quản lý tốt mạng lưới đường giao thông, cầu dân sinh tại các vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ dự án, nhiều công trình đã được đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh, góp phần thay đổi diện mạo vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

Kết nối giao thương

Đang vào mùa mưa, nhưng đường đến làng H'mông (xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar) vẫn đi lại dễ dàng vì nơi đây đã được đầu tư xây dựng 3 chiếc cầu theo dự án LRAMP. Cùng chúng tôi chạy xe máy bon bon qua cầu H’mông 2, ông Sùng Văn Hùng (SN 1964, trú buôn H’mông) phấn khởi bày tỏ: “Có cầu, có đường bê tông người dân chúng tôi đi lại thuận lợi hơn, từ đó dễ dàng cho việc canh tác, thu hoạch, vận chuyển phân bón, nông sản. Nhờ đó cuộc sống trong buôn ngày một phát triển, người dân có điều kiện mua thêm máy móc, phương tiện để phục vụ sản xuất nông nghiệp”.

 Theo Chủ tịch UBND xã Ea Kiết Nguyễn Đình Hiệp, trên địa bàn xã được xây dựng 3 chiếc cầu gồm: H’mông 1, 2 và 3 thuộc Dự án cầu dân sinh LRAMP. Sau khi các cây cầu hoàn thành và đưa vào sử dụng đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, sinh hoạt, bảo đảm trật tự an toàn giao thông cho người dân. Đặc biệt, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đi lại trong mùa mưa lũ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào H’mông trên địa bàn…

Người dân đi lại thuận lợi nhờ cầu dân sinh trên địa bàn buôn H'mông (xã Ea Kiết, huyện Cư M'gar).

Cùng chung niềm vui, người dân ở các xã: Ea Uy, Vụ Bổn (huyện Krông Pắc), Ea Ô, Cư Yang (huyện Ea Kar), Ea Huar, Cuôr Knia, Ea Nuôl (huyện Buôn Đôn), Đắk Phơi, Buôn Tría (huyện Lắk), Ea Trul, Khuê Ngọc Điền, Hòa Phong (huyện Krông Bông)…đều được hưởng lợi từ dự án này. Ông Y Khun Niê (60 tuổi, trú xã Ea Uy, huyện Krông Pắc) nói: “Ngày trước, ở đây có nhiều cây cầu gỗ tự chế ọp ẹp, chênh vênh bắc ngang qua các con suối, vào mùa mưa vận chuyển nông sản rất khó khăn, đã có trường hợp cả người và xe ngã xuống suối, suýt mất mạng. Ngày nay, được đi lại trên những cây cầu bê tông khang trang, người dân chúng tôi rất phấn khởi”.

Góp phần thay đổi diện mạo nông thôn

Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Phan Xuân Bách cho biết: "Tỉnh Đắk Lắk có địa hình độ dốc lớn, người dân thường xuyên phải đi lại qua các cầu tạm bắc qua sông, suối rất nguy hiểm trong mùa mưa, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa. Hằng năm, trong các đợt mưa lũ, các cây cầu tạm đều bị lũ cuốn trôi khiến việc vận chuyển nông sản, giao thông của người dân gặp nhiều khó khăn, hiểm nguy rình rập. Dự án cầu dân sinh LRAMP được triển khai xây dựng tại các vùng sâu, vùng xa đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần xóa “điểm nghẽn” giao thông nông thôn”.

Cầu dân sinh trên địa bàn xã Ya Tờ Mốt, huyện Ea Súp.

Những vị trí được chọn để xây dựng cầu đều thuộc các thôn, buôn đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, vùng vượt suối có nguy cơ mất an toàn giao thông cao… nên đem lại lợi ích thiết thực với người dân nơi đây. Đơn cử, cầu Tân Quý (xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắc) kết nối giữa thôn Tân Lợi 2 (xã Vụ Bổn) với thôn 14 (xã Ea Uy), số hộ dân được hưởng lợi trực tiếp khoảng 400 hộ; cầu Ea Trul (xã Ea Trul, huyện Krông Bông) kết nối 3 thôn, 6 buôn xã Ea Trul với 6 thôn xã Hòa Tân, số hộ hưởng lợi trực tiếp khoảng 1.500 hộ...

Các công trình bảo đảm chất lượng, tiến độ đã giúp người dân lưu thông thuận lợi và tăng khả năng kết nối liên hoàn với đường tỉnh, huyện và quốc lộ, góp phần không nhỏ vào việc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Giao thông nông thôn được cải thiện cũng sẽ thu hút đầu tư, tạo động lực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở nông thôn.

Dự án LRAMP trên địa bàn tỉnh được đầu tư từ nguồn vốn ODA, nguồn vốn Ngân hàng Thế giới (WB) do Bộ Giao thông vận tải quản lý, với mức vốn 235,66 tỷ đồng, xây dựng 97 công trình (53 cống và 43 cầu); bắt đầu thi công xây dựng đầu năm 2018 và đến nay đã hoàn thành 84/97 hạng mục công trình (đạt 86% khối lượng). Dự kiến cuối năm 2021 sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng tất cả các hạng mục.  

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.