Multimedia Đọc Báo in

Huyện Buôn Đôn: Chủ động phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò

08:21, 15/09/2021

Trước tình hình dịch bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu, bò đang có những diễn biến phức tạp, huyện Buôn Đôn đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, giảm thiểu thiệt hại.

Đã hơn một tháng nay, gia đình chị H’Ngông Hra, ở buôn Tul B (xã Ea Wer) luôn nơm nớp vì đàn bò 10 con đã có đến 4 con phát bệnh VDNC. Ban đầu, do chưa biết bò bị bệnh gì nên gia đình chị khá lo lắng, nhưng đến khi được cán bộ thú y tuyên truyền chị mới biết 4 con bò của gia đình mắc bệnh VDNC và có thể chữa lành nếu chăm sóc, điều trị đúng phương pháp. Gia đình chị đã tách riêng những con bò bị bệnh sang chuồng khác, bổ sung các chất dinh dưỡng để bò tăng thêm sức đề kháng; đồng thời vệ sinh, khử khuẩn chuồng trại sạch sẽ nhằm giảm thiểu côn trùng gây hại phát sinh. Đến nay những con bò bị bệnh đã dần khỏe lại.

Lực lượng chức năng huyện Buôn Đôn phun khử khuẩn tại một hộ dân có bò bị mắc bệnh viêm da nổi cục.

Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, để phòng, chống dịch bệnh VDNC lây lan, huyện Buôn Đôn đã tiến hành tiêm 9.300 liều vắc xin VDNC cho đàn trâu, bò được Nhà nước hỗ trợ đợt này, phấn đấu đến ngày 16-9 hoàn thành. Do bệnh VDNC chưa có thuốc đặc trị, nên việc tiêm vắc xin phòng bệnh là hết sức cần thiết, chính vì thế UBND huyện đang huy động lực lượng đẩy nhanh tiến độ để đảm bảo trên 80% tổng đàn trâu, bò được tiêm vắc xin.

Mới 5 giờ sáng, anh Nguyễn Văn Thái, cán bộ thú y xã Ea Wer đã chuẩn bị dụng cụ, vắc xin đi đến các hộ dân chăn nuôi trong xã tiêm vắc xin phòng bệnh VDNC cho trâu, bò. Anh Thái cho hay: “Bà con chăn nuôi trâu, bò ở đây thường lùa gia súc cho đi ăn sớm. Để việc tiêm phòng đạt hiệu quả mình phải đến sớm, tranh thủ lúc đàn trâu, bò của người dân còn nhốt trong chuồng để tiêm”.

Bà Trần Thị Thủy, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện cho biết, ngay khi phát hiện con bò đầu tiên mắc bệnh VDNC vào tháng 6-2021, nhận định việc phòng ngừa dịch bệnh trên địa bàn sẽ gặp khó khăn do thói quen chăn thả trâu, bò tập trung của người dân làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh, UBND huyện đã chủ động triển khai các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh. Trong đó, huyện đã chỉ đạo ngành chức năng và các địa phương tập trung nguồn lực và áp dụng đồng bộ các giải pháp kiểm soát, xử lý, tiêu hủy gia súc mới phát dịch ở diện hẹp, không để dịch lây lan; phun tiêu độc, khử trùng ở nơi ổ dịch và khu vực xung quanh.

Lực lượng chức năng huyện Buôn Đôn tiêm vắc xin viêm da nổi cục cho đàn bò của gia đình chị H'Ngông Hra ở buôn Tul B (xã Ea Wer).

Đồng thời hướng dẫn người dân nuôi nhốt toàn bộ trâu, bò mắc bệnh; hằng ngày vệ sinh, sát trùng, tiêu độc nơi nuôi, nhốt gia súc và khu vực xung quanh; có biện pháp ngăn chặn, tiêu diệt vật chủ trung gian truyền bệnh; tăng cường giám sát, phát hiện kịp thời các trường hợp trâu, bò có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh; rà soát tổng đàn, tổng hợp nhu cầu vắc xin phòng bệnh VDNC; chủ động tổ chức tốt việc triển khai tiêm vắc xin.

Cùng với đó, quản lý chặt chẽ, không di chuyển số trâu, bò đã khỏi triệu chứng lâm sàng ra khỏi vùng dịch trong khoảng thời gian tối thiểu 30 ngày kể từ ngày con gia súc cuối cùng khỏi bệnh lâm sàng và gia súc đã được tiêm vắc xin phòng bệnh VDNC.

Huyện Buôn Đôn có khoảng 11.300 con trâu, bò. Tính đến nay, toàn huyện có 235 con trâu, bò bị bệnh; trong đó có 149 con đã được điều trị khỏi bệnh, 54 con đang điều trị và tiêu hủy 32 con.

Vạn Tiếp


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.