Multimedia Đọc Báo in

Huyện Cư M’gar: Tăng cường chống dịch và điều phối sản xuất

08:21, 24/09/2021

Dịch COVID-19 xuất hiện trên địa bàn huyện Cư M’gar, tập trung ở xã Quảng Tiến, thị trấn Ea Pốk và thị trấn Quảng Phú, với nhiều ca mắc trong cộng đồng. Gần một tháng nay, huyện Cư M’gar "căng mình" vừa kiểm soát, "khoá chặt" vùng tâm dịch, vừa điều phối sản xuất, bảo đảm đời sống, sản xuất của người dân.

Ngay khi xuất hiện các ca bệnh COVID-19, huyện Cư M’gar đã khẩn trương tập trung mọi nguồn lực kiểm soát dịch bệnh với phương châm “ngăn chặn, phát hiện sớm, cách ly triệt để, khoanh vùng dập dịch”.

Ông Lê Nam Cao, Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar cho hay, UBND huyện, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của huyện tổ chức ứng trực kịp thời, quyết liệt trong chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, xã, thị trấn triển khai áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, phong tỏa 18 khu vực, thực hiện phòng, chống dịch phù hợp với tình hình trong từng thời điểm.

Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch của huyện và 17/17 xã, thị trấn nhanh chóng được thành lập, tiếp tục xây dựng quy chế, phân công nhiệm vụ cụ thể để triển khai các hoạt động chống dịch.

Ngành y tế địa phương khẩn trương truy vết những trường hợp tiếp xúc gần và cách ly theo quy định, điều tra các ca bệnh để xác định nguồn lây và mối liên quan giữa các ca bệnh trong cộng đồng. Từ đó, tổ chức lấy mẫu test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 cho 37.688 trường hợp, xét nghiệm RT-PCR 12.284 trường hợp.

Nhân viên y tế test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 cho người dân thị trấn Quảng Phú.

Để phục vụ công tác phòng, chống dịch trên địa bàn, huyện đã thành lập các chốt kiểm soát người từ vùng dịch đi ra và người từ ngoài đi vào khu vực có dịch và vào địa bàn huyện. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức: tuyên truyền qua loa, đài, bằng pano, tuyên truyền lưu động... nhằm cung cấp thông tin để người dân hiểu rõ, tự giác bảo vệ mình trước nguy cơ dịch bệnh.

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của toàn hệ thống chính trị và người dân trên địa bàn, tình hình dịch bệnh đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập từ các địa bàn lân cận vẫn rất cao. Theo ông Lê Nam Cao, địa phương luôn chủ động các phương án xử lý trong mọi tình huống để vừa chống dịch vừa thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, bảo đảm cuộc sống người dân. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức phòng, chống dịch của người dân, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu, phát huy vai trò của tổ COVID-19 cộng đồng, tạo “lá chắn” vững chắc, góp phần ngăn chặn dịch hiệu quả.

Cùng với đó, cơ quan chức năng của huyện tăng cường kiểm tra, kiểm soát, nhắc nhở và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để răn đe. Từ đầu đợt dịch đến nay, trên địa bàn huyện đã xử phạt 127 trường hợp vi phạm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19, với tổng số tiền hơn 324 triệu đồng.

Chính quyền, đoàn thể xã Ea Kpam hỗ trợ nông dân thu hoạch bơ booth.

Địa phương cũng nỗ lực tạo điều kiện để người dân tiếp cận các loại hàng hóa thiết yếu, thực phẩm trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. 8 chợ truyền thống, 4 cửa hàng Bách hóa xanh, 1 siêu thị và hơn 500 cửa hàng tạp hóa trên địa bàn vẫn hoạt động ổn định, tích cực chuẩn bị nguồn cung và tiếp nguồn liên tục sẵn sàng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Huyện cũng đã tổ chức cấp phát gạo cứu đói của Chính phủ đến 933 hộ khó khăn do ảnh hưởng của dịch với 3.991 khẩu tại 10 xã trên địa bàn, với số lượng 59.865 kg gạo.

"Muốn người dân yên tâm chống dịch thì phải bảo đảm cuộc sống và duy trì hoạt động sản xuất, tiêu thụ nông sản đến kỳ thu hoạch của người dân. Do đó, huyện tổ chức rà soát, nắm bắt tình hình sản xuất, sản lượng, nhu cầu tiêu thụ, phân công lực lượng hỗ trợ nông dân thu hái, vừa kiểm soát dịch, vừa tạo điều kiện cho người dân đi lại thu hoạch, chăm sóc vườn cây của mình", ông Lê Nam Cao cho biết thêm.

Đối với các doanh nghiệp ngoài tỉnh đến địa phương thu mua nông sản, huyện giám sát chặt chẽ và hỗ trợ thực hiện test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 cho người lao động; quá trình thu hoạch nông sản phải bảo đảm các yêu cầu về phòng, chống dịch.

Để mở rộng kênh phân phối, tiêu thụ sản phẩm, huyện Cư M’gar chủ động làm việc với Liên minh Hợp tác xã Thương mại TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ tiêu thụ 2 tấn bơ booth/ngày cho nông dân địa phương, đến nay đã có hơn 20 tấn bơ booth tiêu thụ thành công.

Trước đó, huyện cũng đã kết nối với với Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (tỉnh Bến Tre) tiêu thụ hơn 2.500 tấn sầu riêng cho nông dân trên địa bàn. Tại thời điểm này, ngành nông nghiệp huyện và UBND các xã, thị trấn đang tiếp tục hướng dẫn, kết nối đơn vị thu mua, vận chuyển, hỗ trợ nhân lực để thu hái, đóng gói, tiêu thụ nông sản cho người dân địa phương.

        Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.