Multimedia Đọc Báo in

Đồng hành cùng hội viên nông dân

08:13, 14/10/2021

Thông qua các phong trào thi đua, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh tiếp tục có nhiều chương trình, hoạt động đồng hành cùng hội viên nông dân trên các lĩnh vực, đem lại những kết quả tích cực trong sản xuất nông nghiệp; đời sống vật chất, tinh thần của nông dân không ngừng được cải thiện; diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc.

“Cầu nối” giúp nông dân phát triển kinh tế

Năm 2014, thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội Nông dân xã quản lý, hộ ông Nguyễn Đình Dậu (thôn 7, xã Ea Păl, huyện Ea Kar) được vay 15 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi bò sinh sản. Áp dụng đúng kỹ thuật chăn nuôi mà cán bộ Hội hướng dẫn, sau 3 năm ông Dậu đã gây dựng được đàn bò hơn 10 con, trả hết nợ, vươn lên thoát nghèo. Đồng thời có thêm nguồn vốn cải tạo lại mảnh vườn của gia đình để trồng cà phê, tiêu.

Cuối năm 2017, ông mạnh dạn hợp đồng liên kết sản xuất với Hợp tác xã 714 hơn 4 ha đất trồng lúa, rồi lại liên kết với doanh nghiệp ở tỉnh Lâm Đồng trồng khoai lang xuất khẩu và đã chuyển đất lúa 2 vụ thành 1 vụ khoai, 1 vụ lúa cho thu nhập tăng gấp 3 lần so với trồng 2 vụ lúa.

Cán bộ Hội Nông dân huyện Ea H'leo hướng dẫn kỹ thuật canh tác hữu cơ cho hội viên nông dân địa phương.

Từ một hộ nghèo, đến nay ông Dậu đã vươn lên trở thành nông hộ khá tại địa phương. Hằng năm trừ chi phí đầu tư, ông thu về lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng và tạo việc làm cho 10 lao động mùa vụ với tiền công 6 triệu đồng/người/tháng.

Được triển khai từ tháng 8-2020, Dự án chăn nuôi dê của Hội Nông dân xã Cư Né (huyện Krông Búk) có 6 thành viên được hỗ trợ vốn từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện với tổng số tiền 310 triệu đồng.

 

Hiệu quả hoạt động của Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã thu hút nông dân vào tổ chức Hội ngày càng đông. Toàn tỉnh hiện có trên 195.000 hội viên nông dân, chiếm tỷ lệ 71,6% so với hộ nông nghiệp; bình quân hằng năm có 106.718 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.

Cùng với tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của việc triển khai thực hiện dự án và Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp,  Hội đã khảo sát nhu cầu vay vốn của các hộ hội viên, trong đó ưu tiên lựa chọn các hộ có tinh thần trách nhiệm cao trong việc sử dụng nguồn vốn, có nhân lực và điều kiện để phát huy nguồn vốn vay. Quy trình cho vay được thực hiện chặt chẽ, lựa chọn những hộ có khả năng chăn nuôi nên đã đem lại hiệu quả cao. Qua hơn 1 năm triển khai dự án, đàn dê sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp với khả năng, điều kiện chăm sóc của các hộ. Trung bình mỗi hộ phát triển được đàn dê từ 25 - 40 con, ước tính tổng giá trị đàn dê đạt khoảng 80 triệu đồng/hộ.

Hỗ trợ kết nối, tiêu thụ nông sản

Bằng các hoạt động liên kết tổ chức trưng bày, giới thiệu nông sản, kết nối doanh nghiệp với nông dân…, những năm qua, Hội Nông dân tỉnh đã phát huy vai trò cầu nối tích cực, giúp nhiều nông dân, hợp tác xã ổn định sản xuất, nâng cao thu nhập. Đặc biệt, đã hình thành nhiều mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ, xây dựng thương hiệu cho nhiều nông sản và sản phẩm của địa phương.

Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã đề xuất Tỉnh ủy xây dựng Dự án thành lập “Chợ nông sản Đắk Lắk Online”; chủ động lồng ghép, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của tỉnh thông qua các hội nghị xúc tiến thương mại, lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột và trên trang thông tin điện tử của Hội.

Nhân dịp Hội nghị đối thoại của Thủ tướng Chính phủ với nông dân lần thứ ba năm 2020, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp tổ chức thành công Festival sản phẩm vật tư nông nghiệp - thương mại toàn quốc tại Đắk Lắk với 300 gian hàng, trong đó Hội Nông dân các cấp trong tỉnh có 40 gian hàng  giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc sắc, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm của địa phương như các loại trà, cà phê, rau củ quả...

Cán bộ Hội Nông dân tỉnh tham quan mô hình sản xuất kinh doanh giỏi của hội viên nông dân huyện Buôn Đôn.

Để nông sản đến với người tiêu dùng, Hội Nông dân tỉnh đã cùng Hội Nông dân các huyện, thị xã, thành phố đứng ra làm đầu mối, cung cấp thông tin, giới thiệu các sản phẩm như: cà phê, tiêu, sầu riêng, bơ, heo rừng…

Cùng với đó, Hội cũng thường xuyên cập nhật danh sách các sản phẩm, chi tiết về số lượng, địa chỉ, số điện thoại... của các chủ hộ, HTX có nông sản cần được tiêu thụ qua các trang mạng xã hội, trang thông tin điện tử của Hội, phối hợp với báo, đài địa phương quảng bá các mô hình, sản phẩm chất lượng của hội viên nông dân… Thông qua đó, người có nhu cầu có thể trực tiếp nắm bắt thông tin và liên hệ trực tiếp tới từng gia đình, HTX để trao đổi, mua bán.

Khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến các sản phẩm nông sản gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ, Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị trực tiếp khảo sát tình hình của hội viên nông dân ở địa phương để hỗ trợ kịp thời. Theo đó, từ tháng 4-2021 đến nay, Hội đã kết nối với các doanh nghiệp tiêu thụ được gần 1.000 tấn dưa hấu, hơn 140 tấn bí đỏ, bí xanh, 17 tấn hành tím, 3 tấn sầu riêng, bơ cho nông dân trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, tận dụng nền tảng công nghệ số, Hội đang tích cực hỗ trợ người dân tiếp cận với hình thức tiêu thụ qua các kênh bán hàng online như: Facebook, Zalo, sàn thương mại điện tử…

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.