Multimedia Đọc Báo in

Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột: Tập trung triển khai công tác giải phóng mặt bằng

07:51, 28/10/2021

Xác định công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) là nhiệm vụ then chốt trong quá trình thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột (gọi tắt là Dự án), chủ đầu tư đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ, sớm bàn giao mặt bằng để triển khai công trình.

Chính quyền đồng hành

Dự án được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt tại Quyết định số 1872/QĐ-BGTVT, ngày 30-9-2020 và Quyết định số 2214/QĐ-BGTVT, ngày 27-11-2020 phê duyệt hiệu chỉnh bổ sung. Công trình do Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk (gọi tắt là Ban Quản lý) làm chủ đầu tư. Tổng chiều dài toàn tuyến hơn 39,6 km đi qua TP. Buôn Ma Thuột, và các huyện: Krông Pắc, Cư M'gar, Cư Kuin.

Tổng diện tích đất thuộc diện thu hồi để thực hiện Dự án khoảng 134 ha. Đến nay, chủ đầu tư đã và đang phối hợp với chính quyền địa phương, doanh nghiệp và các hộ dân bị ảnh hưởng triển khai công tác xác định nguồn gốc đất, kiểm đếm cây trồng, vật kiến trúc và ban hành phương án đền bù, hỗ trợ.

Cán bộ Phòng Đền bù giải phóng mặt bằng kiểm đếm cây trồng tại một hộ dân ở buôn Tara, xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc

Quá trình thực hiện được sự đồng thuận cao của các đơn vị liên quan, đặc biệt là chính quyền địa phương nơi Dự án đi qua. Ông Nguyễn Văn Đi, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hòa Đông (huyện Krông Pắc) cho biết, công trình đi qua địa bàn xã có chiều dài 7,6 km, diện tích ảnh hưởng bởi dự án gần 28,5 ha. Căn cứ vào kế hoạch thu hồi đất, điều tra, đo đạc kiểm đếm để thực hiện Dự án trên địa bàn, UBND xã Hòa Đông đã phân công cán bộ địa chính, MTTQ xã và ban tự quản thôn, buôn đồng hành cùng chủ đầu tư trong quá trình thực hiện các công đoạn GPMB.

Tương tự, tại huyện Cư Kuin, Dự án đi qua địa bàn hai xã Ea Ktur và Ea Tiêu, với tổng chiều dài công trình hơn 11 km. Thời gian qua, địa phương đã phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư nhằm đẩy nhanh tiến độ GPMB.

Theo thống kê, đến thời điểm hiện tại Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Cư Kuin đã cung cấp 481 trích lục thửa đất cho toàn bộ 11,2 km, trong đó có đất của các công ty cà phê và các hộ dân bị ảnh hưởng. Đồng thời, UBND huyện Cư Kuin cũng đã ban hành kế hoạch thu hồi, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm đất đai, tài sản, vật kiến trúc gắn liền với đất và thông báo thu hồi đất đối với các hộ dân và 4 công ty cà phê trên địa bàn.

Nhằm ngăn chặn tình trạng xây dựng, cơi nới nhà cửa, vật kiến trúc, trồng cây lâu năm trên đất thuộc diện thu hồi để thực hiện Dự án, chủ đầu tư cũng đã bàn giao mốc ranh giới cho UBND xã Ea Tiêu và xã Ea Ktur để phối hợp quản lý, tuyên truyền người dân thực hiện.

Người dân hưởng ứng

Cùng với nỗ lực, đồng hành của chủ đầu tư và chính quyền địa phương, sự đồng lòng hưởng ứng của người dân vùng Dự án có vai trò quan trọng trong việc đẩy nhanh tiến độ GPMB cũng như quá trình triển khai xây dựng công trình.

Bà H’Bun Arul (buôn Tara, xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc) chia sẻ, gia đình bà có 3 sào đất và một căn nhà kiên cố thuộc diện bị thu hồi, giải tỏa để thực hiện Dự án. Mới đây, khi nghe cán bộ Ban tự quản buôn thông báo về việc phối hợp để chủ đầu tư kiểm đếm cây trồng, nhà cửa, bà đã sắp xếp việc nhà để cán bộ đo đạc, kiểm đếm. Mọi công đoạn từ kiểm đếm, phân loại cây trồng, đo đạc diện tích đều được cán bộ thực hiện công khai, rõ ràng và có sự chứng kiến của chính quyền cấp xã, Ban tự quản buôn và chủ hộ nên bà cảm thấy rất yên tâm. Bà mong rằng, các hộ dân khác cũng đồng tình hưởng ứng bàn giao mặt bằng để Dự án sớm được triển khai.

Đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk kiểm tra bản đồ vị trí đất thuộc diện thu hồi tại huyện Cư Kuin

Ông Võ Thành Toàn, Phó Trưởng Phòng Đền bù GPMB (Ban Quản lý) cho biết, ngoài những thuận lợi nêu trên, công tác GPMB Dự án vẫn còn những khó khăn, bất cập. Trước hết, toàn bộ tuyến tránh Đông chưa có Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 – 2030, đơn cử như địa bàn huyện Cư M’gar và TP. Buôn Ma Thuột, dẫn đến khó khăn trong việc ban hành kế hoạch và thông báo thu hồi đất cũng như việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB.

Thêm vào đó, qua các trích lục do Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai các huyện cung cấp, đa số dựa trên bản đồ đo đạc, số hóa năm 2005 và cập nhật chỉnh lý biến động đến năm 2010 dẫn đến tỷ lệ trích lục thửa đất chưa đúng với hiện trạng sử dụng đất tại thời điểm kiểm đếm nên phải đo đạc lại, chỉnh lý và trích lục lại trong quá trình thực hiện việc lập phương án bồi thường, hỗ trợ.

Ngoài ra, nhiều trích lục bản đồ địa chính không cung cấp tên chủ sử dụng đất, địa chỉ thường trú của chủ sử dụng đất, làm mất rất nhiều thời gian cho việc xác định chủ sử dụng, địa chỉ chủ sử dụng và không tránh khỏi sai sót khi thông báo thu hồi đất. Thêm vào đó, do hiệu ứng của Dự án nên tình hình chuyển nhượng, mua bán quyền sử dụng đất xảy ra rất phức tạp, dẫn đến biến động về chủ sử dụng, diện tích thửa đất do tách thửa… làm ảnh hưởng đến tiến độ GPMB phục vụ thi công xây dựng công trình.

Kim Hoàng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.