Hoạt động của các khu, cụm công nghiệp: Đã thực sự hiệu quả? (kỳ 2)
Kỳ 2: Còn nhiều khó khăn và bất cập
Thời gian qua, tỉnh đã có nhiều giải pháp nhằm hiện thực hóa những mục tiêu đề ra trong lộ trình quy hoạch phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp (KCN-CCN) trên địa bàn. Thế nhưng vì nhiều lý do khác nhau, những mục tiêu này chưa thể đạt được như kỳ vọng.
Ông Phạm Văn Tịch, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh cho biết, theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại văn bản số 1110/TTg-CN, ngày 28-7-2017 về Đề án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển các KCN tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020 thì KCN Hòa Phú được mở rộng với diện tích tăng thêm là 150 ha (tổng diện tích KCN sau khi mở rộng là hơn 331,7 ha), bổ sung KCN Phú Xuân tại xã Ea Drơng (huyện Cư M'gar) với quy mô 325,6 ha vào Quy hoạch phát triển các KCN Việt Nam đến năm 2020.
Tuy nhiên, hiện tại chỉ mới có KCN Hòa Phú đang hoạt động với diện tích hơn 181,7 ha. Còn đối với việc triển khai Dự án đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Phú Xuân, đến nay Bộ Kế hoạch và đầu tư vẫn chưa thống nhất để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư cho nhà đầu tư theo quy định.
Đường trục chính đi vào Khu công nghiệp Hòa Phú vẫn chưa được đầu tư nâng cấp |
Đối với ngành Công thương, một trong những thách thức lớn trong thời gian vừa qua đó là thực hiện các mục tiêu trong quy hoạch CCN trên địa bàn tỉnh. Theo Quy hoạch phát triển các CCN tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 587/QĐ-UBND, ngày 14-3-2017 thì đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh có 15 CCN. Tỉnh cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ cơ bản hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng kỹ thuật và các công trình xử lý nước thải tập trung tại những CCN đi vào hoạt động.
Tuy nhiên, hiện nay trong 15 CCN được quy hoạch mới có 8 CCN đi vào hoạt động, trong đó chỉ có 3 CCN là Tân An 1, Tân An 2 (TP. Buôn Ma Thuột) và Ea Đar (huyện Ea Kar) đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật dù chưa đồng bộ. Các CCN còn lại mới triển khai vài hạng mục hạ tầng và thiết kế bản vẽ. Hơn nữa, hệ thống xử lý nước thải tập trung cũng chưa được đầu tư xây dựng theo quy định, mới chỉ có 2 CCN Tân An 1 và Tân An 2 (TP. Buôn Ma Thuột) đang đầu tư xây dựng.
“Hiện tại, trong các CCN, doanh nghiệp chủ yếu hoạt động sản xuất cầm chừng, chưa hết công suất hoặc tạm ngừng sản xuất dẫn đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh chưa cao”. Giám đốc Sở Công Thương Lưu Văn Khôi
|
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự thiếu đồng bộ trong xây dựng cơ sở hạ tầng CCN, theo các đơn vị, địa phương là do thiếu vốn đầu tư. Theo kế hoạch, tỉnh dự kiến bố trí tổng vốn đầu tư cơ sở hạ tầng CCN đến năm 2020 khoảng 1.425 tỷ đồng, trong đó, tổng số vốn theo dự toán đầu tư cho 8 CCN đang hoạt động ước tính 1.266,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay nguồn vốn này mới chỉ đầu tư khoảng 350 tỷ đồng. Chẳng hạn như ở CCN Cư Kuin, dù thành lập từ năm 2013, nhưng đến nay hạ tầng CCN vẫn chưa được hoàn thiện. Các hạng mục như nhà điều hành, hệ thống xử lý nước thải, hệ thống giao thông… của CCN phần lớn vẫn đang chờ vốn.
Lãng phí nguồn lực
Giám đốc Sở Công thương Lưu Văn Khôi chia sẻ, quá trình phát triển KCN-CCN trên địa bàn tỉnh thời gian qua mặc dù đã đạt nhiều kết quả trong thu hút đầu tư nhưng vẫn còn không ít bất cập, nhất là hạ tầng kỹ thuật chưa được hoàn thiện đồng bộ.
Hơn nữa, việc huy động các nguồn lực trong xã hội, thu hút các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng KCN-CCN còn hạn chế. Chất lượng phát triển CCN chưa cao, chưa bám sát nhu cầu thực tế sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp; chưa có tính liên kết trong phát triển CCN nhằm phát huy lợi thế của địa phương...
Hiện tại, trong các CCN trên địa bàn tỉnh có tình trạng nhiều dự án đã có chủ trương, nhưng không triển khai thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư và đầu tư xây dựng; nhiều chủ đầu tư thuê đất nhưng không triển khai dự án, triển khai chậm hoặc xây dựng xong hoạt động một thời gian lại ngừng hoạt động dẫn đến hiệu quả sử dụng đất chưa cao.
Cùng với đó, tình hình đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong các CCN hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn. Các dự án đầu tư chủ yếu là quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, sản phẩm công nghiệp chủ yếu phục vụ cho địa phương, tiêu thụ nội địa là chính; sản phẩm làm ra chưa mang tính cạnh tranh cao, hàm lượng giá trị gia tăng còn thấp.
Cụm công nghiệp Tân An vẫn chưa hoàn thiện về cơ sở hạ tầng |
Đơn cử như ở CCN Ea Đar (huyện Ea Kar) hiện có 11 dự án đầu tư, trong đó có 10 dự án đã đầu tư cơ sở hạ tầng và đi vào hoạt động, 1 dự án đã có chủ trương đầu tư, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai các thủ tục tiếp theo để thực hiện. Các dự án đầu tư tại đây chủ yếu ở lĩnh vực nông nghiệp, nhưng chưa được chế biến sâu nên giá trị gia tăng của sản phẩm không cao, nguồn vốn đầu tư còn hạn chế, chưa đáp ứng đủ yêu cầu tiêu thụ nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương. Bên cạnh đó, CCN hiện có 3 nhà máy đang tạm ngừng hoạt động và một số hạng mục cần thiết chưa được đầu tư đồng bộ nên rất khó khăn trong việc kêu gọi các dự án vào CCN.
Hay như CCN Hòa Sơn (huyện Krông Bông) được thành lập từ ngày 6-2-2020, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai xây dựng bất cứ hạng mục cơ sở hạ tầng nào. Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật của CCN này là Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Krông Bông Đắk Lắk cho biết, đơn vị đã trình các thủ tục pháp lý để đầu tư cơ sở hạ tầng nhưng hiện nay vẫn đang chờ được phê duyệt.
Còn theo Ban Quản lý các KCN tỉnh, hiện nay một số công trình trong KCN Hòa Phú chưa được bố trí vốn đầu tư xây dựng làm ảnh hưởng đến hiệu quả thu hút đầu tư, đặc biệt là các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Bên cạnh đó, KCN Hòa Phú cơ bản đã được lấp đầy, nhiều nhà đầu tư đề xuất dự án trong KCN nhưng không còn quỹ đất để giải quyết, do đó việc thu hút đầu tư gặp nhiều khó khăn.
(Còn nữa)
Kỳ cuối: Để các khu, cụm công nghiệp phát triển như kỳ vọng
Khả lê
Ý kiến bạn đọc