Multimedia Đọc Báo in

Hoạt động của các khu, cụm công nghiệp: Đã thực sự hiệu quả? (kỳ 3)

08:05, 06/10/2021

Kỳ cuối: Để các khu, cụm công nghiệp phát triển như kỳ vọng

Tình trạng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp (KCN-CCN) “vẽ ra để đó” và hoạt động chưa hiệu quả không chỉ khiến những mục tiêu đề ra trong phát triển các KCN-CCN không đạt mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển chung về kinh tế - xã hội của tỉnh. Điều đó đang đặt ra vấn đề cần sớm có giải pháp.

Phát huy tốt hơn các nguồn lực

Ông Nguyễn Văn Nguyên, Phó Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Krông Bông cho biết, để triển khai xây dựng các hạng mục cơ sở hạ tầng CCN Hòa Sơn (huyện Krông Bông), hiện nay huyện đang hối thúc các đơn vị thực hiện lập quy hoạch chi tiết 1/500, đồng thời huy động vốn để có cơ sở tiến hành đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, ngoài nguồn vốn thì việc đẩy nhanh các thủ tục hành chính và thu hút đầu tư cũng cần được quan tâm hơn nữa.

Thực tế cho thấy, không chỉ ở riêng một địa phương nào mà hầu hết các KCN-CCN trên địa bàn tỉnh, hạ tầng kỹ thuật đều chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, chưa hoàn thiện đồng bộ do thiếu vốn. Chính vì vậy việc huy động các nguồn lực trong xã hội và thu hút đầu tư vào hạ tầng các KCN-CCN đang được xem là giải pháp căn cơ cần phải thực hiện.

Công nhân làm việc tại một doanh nghiệp hoạt động trong Khu công nghiệp Hòa Phú.

Để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các dự án đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư nắm bắt và triển khai thủ tục đầu tư nhanh, chính xác và tâm huyết vào KCN, Sở Công thương đã đề nghị UBND tỉnh xem xét, quy định giao cho cơ quan chuyên môn thực hiện các thủ tục trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, sau đó mới lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo quy định.

Trong trường hợp phải áp dụng theo quy định của Luật Đấu thầu thì việc đấu thầu cần rõ ràng và cung cấp cho nhà đầu tư đầy đủ thông tin quyết định tham gia dự án. Hơn nữa, phải xác định cụ thể các giá trị tại thời điểm đấu thầu bao gồm: chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hoặc giá trị tương ứng... Nhà đầu tư đề xuất trong hồ sơ đấu thầu và giá trị này sẽ không thay đổi trong suốt quá trình thực hiện dự án.

 

“Để các KCN-CCN đi vào hoạt động quy củ, các cơ quan, đơn vị, địa phương phải thường xuyên rà soát, đánh giá tiến độ, hiệu quả đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hiệu quả sử dụng đất và hoạt động của các CCN trên địa bàn, ưu tiên tập trung đầu tư các CCN hoạt động hiệu quả, phát huy thế mạnh của địa phương”.

 
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị

Đối với CCN, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành đối với hoạt động đầu tư, phát triển CCN. Trước hết là kiện toàn tổ chức bộ máy, nhân sự đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với hoạt động phát triển CCN.

Sau đó là thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển CCN để thu hút các nhà đầu tư quan tâm, xây dựng, kinh doanh hạ tầng kỹ thuật CCN trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời hỗ trợ có chọn lọc, theo thứ tự ưu tiên CCN để làm đầu tàu phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn đi đôi với việc hình thành, phát triển các ngành nghề, sản phẩm mới, tạo ra chuỗi liên kết, hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đảm bảo thực hiện mục tiêu phát triển công nghiệp nông thôn gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Trong thời gian tới, Sở Công thương sẽ tổ chức xây dựng và tích hợp Phương án phát triển các CCN tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030 vào quy hoạch chung của tỉnh và lựa chọn, ưu tiên đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng kỹ thuật các CCN có điều kiện thuận lợi, phù hợp với thực tế kết nối với hạ tầng kinh tế - xã hội và phát huy hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ phát triển hạ tầng kỹ thuật CCN.

"Lối mở" trong cơ chế chính sách

Giám đốc Sở Công thương Lưu Văn Khôi cho rằng, ngoài yếu tố tiên quyết là đẩy nhanh về thủ tục hành chính và đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, để đạt được những mục tiêu đề ra trong phát triển các KCN-CCN, thời gian tới, tỉnh cần có những giải pháp cụ thể để tháo gỡ những khó khăn, hạn chế, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp vào tìm hiểu, đầu tư sản xuất, kinh doanh. Và quan trọng hơn cả là cần có giải pháp nhằm tăng hiệu quả và chất lượng dự án đầu tư tại các KCN-CCN trên địa bàn tỉnh.

Công ty TNHH Cà phê Ngon hoạt động trong CCN Cư Kuin (huyện Cư Kuin).

Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với các KCN-CCN trên địa bàn tỉnh, Sở Công thương đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, chủ đầu tư cân đối nguồn vốn, quan tâm đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật KCN Hòa Phú giai đoạn 2021 - 2026. Đồng thời, quan tâm đến việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, rào cản, điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là cơ chế chính sách, kiến nghị kịp thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các luật cho đồng bộ, thống nhất, phù hợp, không chồng chéo với các quy định mới của các luật chuyên ngành, tạo hành lang pháp lý ổn định cho công tác quản lý nhà nước đối với các KCN.

Đặc biệt là hằng năm, tỉnh cần bố trí kinh phí hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho các CCN theo Chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2020 - 2030 được ban hành tại Nghị quyết số 04/2020/NQ-HĐND, ngày 8-7-2020 của HĐND tỉnh. Đồng thời, đề nghị Trung ương có chương trình hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN cho địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, nguồn thu ngân sách thấp.

Thực hiện theo định hướng của tỉnh là phát triển các KCN đi theo hướng “xanh”, bền vững, khai thác các lợi thế để phát triển theo chiều sâu, liên kết mở, hội nhập khu vực và quốc tế, trong thời gian tới, Ban Quản lý các KCN tỉnh sẽ chú trọng lựa chọn, thu hút các nhà đầu tư lớn có tiềm lực tài chính, công nghệ và kinh nghiệm để tạo động lực lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, tiếp tục thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp mà tỉnh có lợi thế, lựa chọn phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, có sức cạnh tranh cao và tập trung kêu gọi đầu tư về chế biến nông sản, dệt sợi, vật liệu xây dựng, cơ khí chế tạo, phát triển công nghiệp phụ trợ...

Bên cạnh đó, nhằm đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho công nhân, người lao động trong KCN, góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng KCN Hòa Phú, Ban Quản lý đã đề xuất chủ trương đầu tư Dự án hạ tầng kỹ thuật khu đô thị dịch vụ cạnh KCN Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột). Mặt khác, phối hợp với các cơ quan để tham mưu UBND tỉnh những giải pháp nhằm sớm đưa KCN Phú Xuân (huyện Cư M'gar) vào hoạt động.

Khả lê

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.