Multimedia Đọc Báo in

Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư dự án giao thông

08:26, 12/10/2021

Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là bị tác động bởi tình hình dịch COVID-19, nhưng chủ đầu tư các công trình giao thông trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực vượt qua khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thi công, tăng tốc giải ngân vốn đầu tư các dự án.

Năm 2021, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, một số địa phương phải thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nên hầu hết các công trình, dự án đều bị ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Đặc biệt, giá vật liệu xây dựng trong quý III năm nay tăng đột biến, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công các dự án.

Mặt khác, từ tháng 6 đến tháng 11 hằng năm là mùa mưa bão ảnh hưởng đến tiến độ thi công của các công trình, nhất là các công trình giao thông, thủy lợi. Năm 2021 cũng là năm cuối để thực hiện các dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2021, nên kế hoạch vốn được dồn lại giao thực hiện cho một số dự án nhiều, tỷ lệ vốn lớn... đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả giải ngân các công trình xây dựng cơ bản.

Thảm nhựa mặt đường Tỉnh lộ 9 đoạn qua huyện Krông Bông.

Xác định việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng đảm bảo chất lượng và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách theo ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 6580/UBND-TH, ngày 20-7-2021, chủ đầu tư các dự án đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các nhà thầu thực hiện quyết liệt các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công công trình.

 

“Tính đến ngày 8-10-2021, tỷ lệ giải ngân vốn các dự án giao thông do Ban Quản lý làm chủ đầu tư đạt 63% kế hoạch, cao hơn so với mức bình quân chung toàn tỉnh, dự kiến quý IV năm 2021 sẽ bàn giao, đưa vào sử dụng khoảng 15 dự án".

 
ông Phan Xuân Bách, Phó Giám đốc Ban Quản lý

Là đơn vị đảm nhận vai trò chủ đầu tư của nhiều công trình giao thông lớn của tỉnh, năm 2021, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh (gọi tắt là Ban Quản lý) được UBND tỉnh giao thực hiện 24 dự án giao thông. Với tinh thần quyết tâm cao để hoàn thành kế hoạch, Ban Quản lý đã tổ chức thi công vượt tiến độ, sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng một số dự án có quy mô đầu tư lớn như: Tỉnh lộ 7, Tỉnh lộ 9, Tỉnh lộ 15, cầu Cư Păm (huyện Krông Bông), đường Ea Kly - Vụ Bổn (huyện Krông Pắc); đường trung tâm xã Cư Êwi (huyện Cư Kuin)…

Một trong những dự án giao thông vượt tiến độ đề ra phải kể đến Dự án cải tạo, nâng cấp và kéo dài Tỉnh lộ 7 (huyện Lắk). Công trình thuộc dự án nhóm C, có tổng mức đầu tư 70 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh, được khởi công xây dựng từ tháng 11-2019, theo hợp đồng 840 ngày, dự kiến bàn giao đưa vào sử dụng trong tháng 10-2021, vượt tiến độ 6 tháng so với kế hoạch đề ra. Để đạt được kết quả này, ngoài quyết tâm của chủ đầu tư, nhà thầu, còn có sự đóng góp của chính quyền địa phương, người dân vùng dự án.

Theo ông Bùi Mạnh Hải, Chủ tịch UBND xã Buôn Triết (huyện Lắk), trong quá trình triển khai dự án này, hàng chục hộ dân đã tự nguyện di dời hàng rào, cây trồng để nhà thầu thi công công trình. Dự án hoàn thành đáp ứng mong mỏi của người dân địa phương trong việc đi lại, giao thương hàng hóa giữa xã Buôn Triết với xã lân cận. Đặc biệt, góp phần phá thế "độc đạo" của Tỉnh lộ 7 trước đây, thông thương với huyện Krông Ana nhờ cầu vượt sông Krông Ana.

Thi công đường Nguyễn Chí Thanh (thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana).

Tương tự, đối với Dự án cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 9 đoạn qua huyện Krông Bông, có tổng mức đầu tư hơn 82 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh, được khởi công từ giữa tháng 9-2020, theo hợp đồng 540 ngày, đến nay đã hoàn thành tất cả các hạng mục. Quá trình triển khai dự án này, địa phương đã vận động khoảng 50 hộ dân tự nguyện bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công công trình.

Theo ông Phan Xuân Bách, Phó Giám đốc Ban Quản lý, với sự phối hợp của chính quyền địa phương, sự đồng thuận của người dân, mặt bằng công trình sớm được bàn giao, đây là điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ các hạng mục. Sau khi có mặt bằng, Ban Quản lý đã phân công cán bộ, chuyên viên bám sát công trường, điều hành nhà thầu thi công huy động nhân lực, thiết bị và làm việc tăng ca, tận dụng tối đa những ngày nắng để thi công; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, mỏ vật liệu xây dựng. Với những nỗ lực đó, dự kiến công trình bàn giao đưa vào sử dụng trong tháng 10-2021, vượt tiến độ 5 tháng so với kế hoạch đề ra.

Ông Phan Xuân Bách cho biết thêm, những tháng cuối năm 2021, Ban Quản lý sẽ tiếp tục đôn đốc tiến độ thi công nhằm bù lại những ngày dừng thi công do dịch bệnh và tiếp tục rà soát các dự án không giải ngân hết, điều chuyển cho dự án có đủ điều kiện để giải ngân. Phấn đấu đến cuối năm nay đạt tỷ lệ giải ngân trên 95% kế hoạch.

Kim Hoàng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.