Các cơ sở may gia công đứng vững giữa mùa dịch
Nhờ chủ động các giải pháp, nhiều cơ sở may gia công nhỏ lẻ ở xã Quảng Điền (huyện Krông Ana) vẫn duy trì tốt hoạt động sản xuất, ổn định việc làm cho lao động tại địa phương trong đại dịch COVID-19.
Được thành lập vào tháng 5/2019, xưởng may Thủy Tịnh của hộ ông Trương Quang Tịnh (thôn 2) đã tạo việc làm thường xuyên cho gần 40 lao động tại địa phương. Cũng như các doanh nghiệp khác, vào thời điểm áp dụng thực hiện Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ tại địa phương, cơ sở may gia công của gia đình ông đối mặt với không ít khó khăn. Là chủ xưởng may, lúc đầu ông cũng thấy lo lắng, lúng túng trong việc xoay chuyển tình thế để đảm bảo hoạt động sản xuất của xưởng, cũng như "giữ chân" người lao động.
Công nhân làm việc tại xưởng may Thủy Tịnh (xã Quảng Điền, huyện Krông Ana). |
Ông Tịnh cho biết, vào thời điểm dịch diễn biến phức tạp, cơ sở may của gia đình ông chỉ giữ 5 lao động làm việc tại chỗ xử lý các công đoạn cần máy móc cố định, còn lại những công nhân khác sẽ mang máy về nhà làm để đảm bảo an toàn. Ngoài ra, cơ sở còn đa dạng hóa, nhận may gia công nhiều mặt hàng khác nhau theo từng thời điểm như may áo mưa theo mùa, túi xách, đồ bảo hộ... để duy trì việc làm ổn định cho người lao động.
Chị Lê Thị Xiêm (thôn 3), công nhân tại cơ sở này cho hay, trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội, chị và các công nhân khác phải đưa sản phẩm về nhà làm. Nhờ vậy mà công việc của chị vẫn được duy trì. Đều đặn, mỗi tháng chị có một khoản lương đủ để duy trì cuộc sống hằng ngày trong gia đình.
Còn đối với chị Phạm Thị Vân (thôn 2), việc mang sản phẩm về nhà làm đã giúp chị tiết kiệm quãng đường đi lại, không bị gò bó về giờ giấc, có thể tranh thủ thời gian rảnh sau khi làm việc đồng áng để làm thêm. Vì vậy, ngoài thu nhập từ 10 sào đất trồng trọt của gia đình, mỗi tháng chị còn có thêm từ 3 - 4 triệu đồng từ công việc này.
Tương tự, xưởng may Chinh của hộ chị Nguyễn Thị Chinh (thôn 3) vẫn duy trì hoạt động sản xuất nhờ có giải pháp phù hợp trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội. Với hơn 6 năm thành lập, hiện tại cơ sở của gia đình chị có 27 lao động để nhận may gia công áo khoác từ một công ty ở TP. Hồ Chí Minh. Trong thời điểm giãn cách, cơ sở tạo điều kiện cho người lao động mang máy về nhà làm nên hoạt động sản xuất luôn ở trong trạng thái bình thường. Mỗi tháng, cơ sở may gia công của gia đình chị xuất đi từ 5.000 - 6.000 sản phẩm, duy trì mức lương cho mỗi lao động từ 3 - 6 triệu đồng.
Công nhân làm việc tại xưởng may Chinh (xã Quảng Điền, huyện Krông Ana). |
Chị Chinh chia sẻ, chị đã bỏ chi phí hơn 200 triệu đồng mua 27 chiếc máy may để đáp ứng đủ số lượng hàng nhận về may gia công. Việc đưa sản phẩm về nhà làm, cơ sở may gia công của gia đình chị gặp khó khăn trong việc thu gom hàng hóa, thu nhận sản phẩm hoàn thiện, nhưng đổi lại hạn chế được những rủi ro dịch bệnh và tạo việc làm thường xuyên cho người lao động.
Theo chị Nguyễn Thị Chiến (thôn 4), công nhân tại xưởng may Chinh, lúc đầu đưa máy về nhà làm khiến chị gặp một số trở ngại, bởi làm ra một chiếc áo khoác thành phẩm phải may nhiều chi tiết khác nhau từ mũ, thân, ống tay... mà mỗi người đã quen may một chi tiết cố định nên chị phải tốn nhiều thời gian để làm quen. Song với 6 năm gắn bó với nghề may nên chỉ sau vài ngày là chị đã dần quen với việc hoàn thiện một sản phẩm. Nhờ vậy, năng suất làm việc của chị không giảm, trung bình mỗi tháng vẫn có thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng.
Bà Đặng Thị Kim Tuyến, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Điền cho biết, hiện nay trên địa bàn xã có 10 cơ sở may gia công, tạo việc làm cho khoảng 200 lao động tại địa phương. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, việc những cơ sở may gia công hoạt động ổn định là một tín hiệu vui cho người lao động. Trước diễn biến dịch, bên cạnh tạo điều kiện cho các cơ sở may gia công duy trì hoạt động, địa phương còn tăng cường kiểm tra việc giữ khoảng cách an toàn, thực hiện tốt thông điệp 5K để tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh trong các cơ sở này.
Khánh Huyền
Ý kiến bạn đọc