Công ty Xăng dầu Nam Tây Nguyên bắt nhịp với xu thế 4.0
Bắt nhịp với xu thế 4.0, Công ty Xăng dầu Nam Tây Nguyên đang tăng cường ứng dụng công nghệ mới vào thanh toán, gia tăng tiện ích, tạo thêm nhiều thuận lợi cho người tiêu dùng khi mua xăng, dầu.
Phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trở thành xu hướng tất yếu, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Bên cạnh thanh toán dùng tiền mặt như phương thức truyền thống, Công ty Xăng dầu Nam Tây Nguyên đã mở rộng hình thức thanh toán, chấp nhận tất cả các hình thức thanh toán hiện đại, gồm: quẹt thẻ quốc tế, thẻ thanh toán nội địa và ví điện tử xác thực qua QR code.
Đây cũng là chủ trương của Tập đoàn Petrolimex trong dự án thanh toán không dùng tiền mặt, với thông điệp "Thanh toán thông minh - Lợi ích đồng hành" diễn ra trên toàn quốc.
Ông Phan Quốc Nhân, Giám đốc Công ty Xăng dầu Nam Tây Nguyên phát biểu tại Lễ ra mắt vận hành hệ thống mua xăng dầu không sử dụng tiền mặt. |
Công ty Xăng dầu Nam Tây Nguyên hiện có 77 cửa hàng kinh doanh xăng dầu thuộc địa bàn hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông. Riêng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, công ty có 48 cửa hàng trực thuộc. Bắt đầu từ 19/11/2021, công ty đưa vào khai thác giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt tại tất cả các cửa hàng của đơn vị; xây dựng chương trình chăm sóc khách hàng trên nền tảng công nghệ - ứng dụng di động (mobile app) và các ứng dụng quản trị thông tin thông minh… nhằm nâng cao hơn nữa sự hài lòng của khách hàng đối với các sản phẩm, dịch vụ của Petrolimex; đồng thời, góp phần vào chiến lược thúc đẩy chuyển đổi số tại Petrolimex.
"Trong thời điểm này, cùng với địa phương nỗ lực phòng, chống dịch bệnh COVID-19, doanh nghiệp cũng quan tâm thực hiện đồng bộ nhiều chương trình nâng cao hiệu quả kinh doanh, tăng cường các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt thông qua nền tảng công nghệ nhằm bảo vệ an toàn cho khách hàng trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp." Ông Phan Quốc Nhân, Giám đốc Công ty Xăng dầu Nam Tây Nguyên.
|
Trong thời gian tới, toàn bộ hệ thống cửa hàng xăng dầu của Công ty Xăng dầu Nam Tây Nguyên sẽ chấp nhận tất cả các hình thức thanh toán hiện đại gồm thẻ quốc tế Visa, Master; thẻ nội địa thuộc hệ thống Napas và thẻ đồng thương hiệu Petrolimex - HDBank; các ví điện tử xác thực qua QR code trong liên minh VNPay. Chương trình được áp dụng công nghệ mới nhất về “Thanh toán - Xác thực - Tích điểm” hướng đến các tiện ích, minh bạch và hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp.
Nhằm khuyến khích khách hàng sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, Công ty Xăng dầu Nam Tây Nguyên sẽ triển khai chương trình chăm sóc khách hàng thân thiết mang tên Petrolimex ID. Để là thành viên của Petrolimex ID, khách hàng chỉ cần vài thao tác rất đơn giản qua app, link/quét mã QR hoặc thông qua ứng dụng Petrolimex trên điện thoại thông minh hoặc qua mã QR trên tờ rơi tại các cửa hàng xăng dầu của Petrolimex.
Khách hàng đầu tiên trải nghiệm dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt tại cửa hàng của Công ty Xăng dầu Nam Tây Nguyên. |
Khi đã là thành viên của Petrolimex ID, khách hàng có mã số định danh riêng, quản lý được toàn bộ giao dịch mua bán xăng dầu tại hệ thống cửa hàng Petrolimex. Các giao dịch sẽ được tích điểm thưởng và hưởng các quyền lợi thông qua chương trình “Khách hàng thân thiết Petrolimex” triển khai từ ngày 19/112021 đến ngày 31/3/2022. Với chương trình này, khách hàng có cơ hội trải nghiệm dịch vụ chuyên nghiệp, tham gia quay số trúng thưởng với nhiều giải thưởng hấp dẫn, trong đó, giải Đặc biệt là chiếc ô tô Toyota Corolla Cross 1.8HV.
Được biết, theo lộ trình, hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt sẽ được áp dụng tại các cửa hàng xăng dầu của Petrolimex trên toàn quốc theo hai giai đoạn. Tại Đắk Lắk và Đắk Nông, giai đoạn 1A, công ty đã hoàn thành việc triển khai hạ tầng kỹ thuật và lắp đặt thiết bị POS vào hồi tháng 10/2021, hiện nay hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt đã vận hành tại 27 cửa hàng trực thuộc trên các tuyến quốc lộ, thành phố, đô thị loại IV; giai đoạn 1B, áp dụng tại 18 cửa hàng lân cận. Giai đoạn 2, công ty sẽ triển khai rộng rãi đến các cửa hàng còn lại ở vùng sâu vùng xa, dự kiến sẽ hoàn thành trước tháng 6/2022.
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc