Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả từ Tổ hợp tác trồng rau theo hướng hữu cơ VietGAP

06:54, 12/11/2021

Tại xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) nhiều người dân đã chuyển đổi vườn tạp, rẫy cà phê, hồ tiêu… già cỗi, năng suất kém sang chuyên canh trồng rau với nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Năm 2014, chị Đinh Thị Trang (ở buôn Jù) mạnh dạn chuyển đổi 6 sào cà phê, hồ tiêu già cỗi, năng suất thấp sang trồng rau. Do chưa có kinh nghiệm, ban đầu chị Trang trồng đậu ve, bắp sú, dưa leo, rau cải… rồi mang bán tại các chợ gần nhà.

Rau của nhà chị Trang trồng bán rất đắt hàng. Thấy đầu ra của các loại rau khá thuận lợi, lại nhanh mang lại hiệu quả kinh tế, chị Trang quyết tâm tìm hiểu phát triển mô hình rau sạch.

Hiện nay, khu vườn của gia đình đang trồng 4 nhóm rau, gồm: nhóm rau ăn lá (cải, mồng tơi…), nhóm rau ăn thân (cà rốt, củ cải, xu hào…), nhóm rau ăn quả (dưa leo, đậu ve, mướp đắng, bầu, bí…) và nhóm rau gia vị (hành, ngò, mùi…), bảo đảm cung cấp cơ bản nhu cầu các loại rau xanh cho người tiêu dùng.

Chị Đinh Thị Trang ở buôn Jù (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) thu hoạch rau cải. 

Để phát triển rau an toàn, chị Trang chỉ sử dụng phân vi sinh, phân bò bón cho rau. Chính vì vậy, dù giá rau xanh của chị Trang cao hơn so với thị trường từ 2.000 – 5.000 đồng/kg nhưng vẫn được nhiều người tin dùng.

Từ đó, chị tiếp tục chuyển đổi 3 sào đất trồng cà phê cho hiệu quả thấp của gia đình qua trồng rau. Mỗi ngày chị Trang cung cấp 1,5 tạ rau cho người dân và thương lái trong và ngoài tỉnh.

Rau thu hoạch một năm 4 vụ, với 9 sào đất trồng rau, mỗi năm chị Trang thu lãi trên 200 triệu đồng, thu nhập cao gấp 2,5 lần so với trồng cà phê. Chị Trang còn tạo việc làm cho 1 nhân công làm việc thường xuyên với mức lương ổn định 7 triệu đồng/tháng.

Chị Trang vinh dự là một trong những gương nông dân điển hình tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh giỏi giai đoạn 2017 - 2021 của xã Ea Tu.

Tổ viên Tổ hợp tác trồng rau theo hướng hữu cơ VietGAP thu hái rau.
 

Sản xuất theo hướng VietGAP nên sản lượng rau tăng 25 - 30% so với sản xuất rau thông thường. Từ khi thành lập, Tổ hợp tác kết nối được với những đơn vị thu mua lớn nên tiêu thụ tốt, trung bình cung cấp 120 tấn rau/năm cho người dân địa phương và xuất bán tại các tỉnh, thành phố: Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Dương… ”

 
 Chị Đinh Thị Trang, Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng rau theo hướng hữu cơ VietGAP (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột)

Những năm gần đây nhiều người dân ở địa phương phát triển mô hình trồng rau nhưng gặp khó khăn trong tìm kiếm thị trường đầu ra. Ban đầu, chị Trang giúp đỡ tiêu thụ rau cho một số hộ. Để phát triển lâu dài, chị Trang chủ động liên kết với 13 hộ trồng rau tại xã Ea Tu thành lập Tổ hợp tác trồng rau theo hướng hữu cơ VietGAP vào tháng 11-2020. Tổ hợp tác do chị làm tổ trưởng, sản xuất rau theo hướng hữu cơ, đồng thời hỗ trợ, tìm kiếm thị trường tiêu thụ lớn cho thành viên trong tổ. Nhờ đó mà các thành viên trong tổ không còn lo lắng về đầu ra cho rau nữa.

Như trường hợp hộ chị Phạm Thị Hương (ở thôn Tân Hiệp), nhiều năm trước cũng nhờ chuyển đổi 7 sào đất trồng lúa và cà phê năng suất thấp sang trồng rau mà hiện nay kinh tế gia đình đã khá lên. Tuy nhiên, chị Hương gặp một số khó khăn như: vào mùa mưa sản lượng rau giảm xuống do nhóm rau ăn lá bị dập nát. Hơn nữa, trồng rau diện tích nhỏ, mối quan hệ chưa nhiều nên gặp nhiều khó khăn về đầu ra. Ban đầu, gia đình được chị Trang giúp đỡ tiêu thụ rau. Khi trở thành tổ viên của tổ hợp tác, chị Hương còn được hỗ trợ kỹ thuật về trồng rau theo hướng hữu cơ, mùa nào rau đó nhưng vẫn phát triển đủ các nhóm rau, dễ xuất bán hơn.

Ông Nguyễn Quang An, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Tu đánh giá, mô hình trồng rau hữu cơ tuy không mới nhưng là hướng đi phù hợp giúp những hộ dân có diện tích vườn, rẫy trồng cây lâu năm cho kinh tế thấp tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, đòi hỏi người dân phải có kiến thức, tỉ mỉ trong khâu chăm sóc, nhạy bén với thị trường… mới có thể phát triển mô hình trồng rau hiệu quả, lâu dài.

Nhằm hỗ trợ cho tổ hợp tác trồng rau theo hướng hữu cơ phát triển, Hội Nông dân xã đã tổ chức nhiều lớp tập huấn trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP, hỗ trợ tổ viên vay vốn lãi suất thấp, mua phân vi sinh trả sau, giúp đỡ thực hiện quy trình cấp chứng nhận VietGAP…

Thùy Dung


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.