Con đường "vàng nâu"
Ngày 10/12/1961, Bác Hồ về thăm Nông trường Cà phê Đông Hiếu (tỉnh Nghệ An) - một trong năm nông trường lớn thuộc Bộ Nông trường hồi đó.
Ở đây, Bác đã đi thăm các cơ sở sản xuất của nông trường. Từ đó, ngày 10/12 đi vào lịch sử và trở thành ngày truyền thống của ngành cà phê Việt Nam.
Theo tài liệu của Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA), ngày ấy, Bác Hồ đã nói chuyện tại buổi mít tinh với hơn một vạn cán bộ, công nhân các xí nghiệp và đồng bào tại địa phương.
Kết thúc lễ mít tinh, Bác đã đi thăm đội sản xuất Nai Sinh (nay là đội Đông Thành) và ghé vào lô cà phê số 119 – một lô cà phê chè giống Typica hỏi chuyện về giống, năng suất, sản lượng, giá thành cà phê và căn dặn cán bộ, công nhân phải tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm. Bác cũng dặn đội ngũ cán bộ phải học tập thêm kiến thức khoa học - kỹ thuật để xuất khẩu được nhiều cà phê làm giàu cho Tổ quốc.
Nhờ lời Bác dạy, đã có nhiều chính sách đầu tư phát triển cây cà phê ra đời. Từ đó, ngành cà phê bắt đầu trưởng thành vượt bậc, đặc biệt trong khoảng thập niên 90 của thế kỷ 20, sản lượng cà phê của Việt Nam đã tăng lên nhanh chóng. Việc thâm canh cà phê quy mô rộng diễn ra, điển hình nhất ở khu vực Tây Nguyên và Đắk Lắk trở thành tỉnh có diện tích cà phê lớn nhất Việt Nam.
Cà phê được sản xuất theo hướng an toàn tại xã Đắk Phơi, huyện Lắk. Ảnh: Thuận Huyền |
Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột cho biết, cà phê chè (coffee arabica) là loại cây được đưa vào trồng thử nghiệm đầu tiên tại Buôn Ma Thuột trước thời điểm toàn quyền Đông Dương ra nghị định thành lập đơn vị hành chính tỉnh Đắk Lắk vào ngày 22/11/1904. Trong những năm 1912 - 1914, người Pháp đưa sản phẩm cà phê về nước Pháp chế biến, họ đánh giá chất lượng, hương vị thơm đặc trưng và đậm đà hơn hẳn cà phê Bờ Biển Ngà vốn đã nổi tiếng khắp châu Âu. Vì thế, nhiều nhà tư bản và chủ ngân hàng Pháp quyết định đầu tư mở 26 đồn điền ở Buôn Ma Thuột, với tổng diện tích dự kiến khai thác 200.000 ha.
Đến năm 1931, tổng diện tích cà phê ở Đắk Lắk (chủ yếu ở khu vực Buôn Ma thuột) có 2.130 ha, đứng thứ tư trong cả nước. Tuy nhiên, thời điểm này, bệnh gỉ sắt trên cà phê chè xuất hiện làm giảm năng suất nên các chủ đồn điền Pháp đã chuyển sang trồng loại cà phê vối (Robusta) với năng suất, chất lượng và khả năng thích nghi với điều kiện tự nhiên cao. Từ đó, cà phê vối Robusta trở thành cây cà phê chủ lực ở vùng đất Buôn Ma Thuột.
Sản phẩm cà phê được trưng bày bán tại cửa hàng OCOP ở TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: Thuận Huyền |
Năm 1959, ở khu vực Buôn Ma Thuột đã có 49 đồn điền trồng cà phê, với tổng diện tích trên 5.200 ha. Ngoài ra, còn có một số nơi trồng cà phê do đồng bào bản xứ và người Kinh khai phá, làm chủ. Năm 1975, tổng diện tích cà phê Robusta ở Đắk Lắk đã tăng lên 8.600 ha với sản lượng 11.000 tấn/năm. Từ sau năm 1986, nhờ chính sách đổi mới kinh tế của Đảng và Nhà nước, tỉnh Đắk Lắk chủ trương đầu tư trồng lại mới, bắt đầu hình thành các vùng tập trung chuyên canh cà phê lớn ở TP. Buôn Ma Thuột và các huyện như Krông Pắc, Cư M’gar, Ea H’leo...
Những năm gần đây, Chính phủ đã ra quyết định ổn định diện tích trồng cà phê ở mức 500.000 ha nhằm tránh hiện trạng phá rừng để trồng khi giá lên cao. Hiện nay, Việt Nam có lượng cà phê xuất khẩu lớn thứ hai trên thế giới, chỉ đứng sau Brazil, đứng đầu về xuất khẩu cà phê Robusta và lượng xuất khẩu chiếm khoảng 18% thị phần toàn cầu. |
Cho đến nay, niên vụ cà phê 2020 - 2021, Đắk Lắk có 209.955 ha, trong đó diện tích cho sản phẩm 194.998 ha, với tổng sản lượng đạt 508.944 tấn. Xuất khẩu cà phê đạt 201.393, chiếm tỷ trọng 13,4% so với cả nước; kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 366 triệu USD, chiếm tỷ trọng 13% so với cả nước. Hiện nay, cà phê Đắk Lắk xuất khẩu đến 60 thị trường, trong đó Nhật Bản tiếp tục là thị trường lớn nhất với kim ngạch hơn 47,3 triệu USD; có 33 thị trường đạt kim ngạch trên 1 triệu USD và 12 thị trường đạt kim ngạch trên 10 triệu USD. Bên cạnh đó, Chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột đã được mở rộng cho 4 dòng sản phẩm: cà phê nhân, cà phê hạt rang, cà phê bột, cà phê hòa tan nguyên chất. Đắk Lắk cũng đang hoàn thiện hồ sơ để bảo hộ Chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột tại thị trường Nhật Bản, Liên minh châu Âu. Đồng thời, chuẩn bị hồ sơ gia hạn bảo hộ tại các quốc gia Trung Quốc, Singapore, Nga.
Mặc dù cà phê Đắk Lắk đã đạt được những thành tựu đáng kể, nhưng ngành hàng cà phê của Đắk Lắk cũng đối mặt với nhiều thách thức trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế khi mà nền sản xuất còn manh mún; cơ sở chế biến quy mô nhỏ, thiết bị và công nghệ của các doanh nghiệp lạc hậu, nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, hàng hóa chưa đa dạng, do vậy sức cạnh tranh trên thị trường còn hạn chế… Đặc biệt, diễn biến phức tạp của đại dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng đến giao thương sản phẩm cà phê của các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. Đơn cử như niên vụ cà phê 2020 - 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhiều hoạt động xúc tiến thương mại bị đình hoãn đã ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động tiêu thụ của các cơ sở chế biến cà phê. Một số cơ sở chế biến tạm ngừng hoặc hoạt động cầm chừng do giãn cách xã hội ở trong và ngoài tỉnh/thành khác, các quy định siết chặt cửa khẩu biên giới nên không tiêu thụ được sản phẩm…
Nông dân thu hoạch cà phê tại xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin. Ảnh: Thuận Huyền |
Theo ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, với lợi thế là một vùng đất đỏ bazan màu mỡ, có những ưu thế đặc trưng về điều kiện tự nhiên, cao nguyên Buôn Ma Thuột không những là nơi cây cà phê sinh trưởng tốt, mà còn tạo nên hạt cà phê chất lượng cao, hương vị khác biệt. Chính sự khác biệt đó tạo nên yếu tố quyết định lợi thế cạnh tranh của cà phê Buôn Ma Thuột với các vùng khác. Bên cạnh đó, sản phẩm cà phê vối Robusta đang dần được nâng cao chất lượng thông qua các chương trình phát triển cà phê bền vững và cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam. Tin rằng sản phẩm “vàng nâu” gắn với vùng địa danh Buôn Ma Thuột sẽ có bước tiến dài trên con đường hội nhập.
Minh Thuận - Khánh Huyền
Ý kiến bạn đọc