Multimedia Đọc Báo in

Hỗ trợ con giống - trao sinh kế để giảm nghèo bền vững

08:14, 08/12/2021

Thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững, trong những năm qua nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Lắk đã được hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi. Nhờ đó, nhiều gia đình có cơ hội vươn lên thoát nghèo, thêm động lực để phát triển kinh tế.

Theo kết quả rà soát tại Quyết định số 76/QĐ-UBND của UBND huyện, ngày 26/1/2021, tính đến cuối năm 2020 số hộ nghèo toàn huyện là 5.159 hộ/22.200 khẩu (chiếm tỷ lệ 27,39% tổng số hộ dân); hộ cận nghèo là 3.333 hộ/13.847 khẩu (chiếm tỷ lệ 17,7% tổng số hộ dân).

Mặc dù tỷ lệ hộ nghèo giảm nhiều so với những năm trước đó, song so với các huyện khác trên địa bàn tỉnh, huyện Lắk vẫn là địa phương có số hộ nghèo rất cao, đặc biệt ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Do đó, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện được xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm mà các cấp ủy đảng, chính quyền trong huyện đặc biệt quan tâm. Cụ thể, tại Nghị quyết số 12/NQ-HĐND, ngày 30/12/2020 về mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2021, HĐND huyện Lắk đã đề ra mức giảm tỷ lệ hộ nghèo so với năm 2020 là 3% trở lên. Trong đó mức giảm tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS, xã đặc biệt khó khăn từ 4% trở lên (theo tiêu chí hiện hành).

Anh Nông Văn Doãn (buôn Yuk La 1, xã Đắk Liêng, huyện Lắk) bên ngôi nhà mới kiên cố hoàn thành từ giữa năm 2021.
 

Theo báo cáo sơ bộ mới nhất, qua rà soát chỉ tiêu tỷ lệ giảm hộ nghèo ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Lắk, trong năm 2021 ước giảm từ 27,39% (cuối năm 2020) xuống còn 23,89% (cuối tháng 11/2021).

Trong hai năm 2020 - 2021, các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện đã được tiếp cận với nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục, nhà ở, trợ giúp pháp lý, vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội và hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi. Qua đó, góp phần tạo việc làm, giảm nghèo và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện. Trong đó, các chương trình hỗ trợ giống vật nuôi được xem là giải pháp hỗ trợ giảm nghèo phát huy hiệu quả cao và mang tính bền vững.

Năm 2020, gia đình anh Nông Văn Doãn (buôn Yuk La 1, xã Đắk Liêng) được hỗ trợ 3 con heo sinh sản. Sau một năm cần mẫn chăm sóc, đến nay một trong 3 con heo đã đẻ con, mang lại niềm vui cho gia đình anh. Anh Doãn chia sẻ, gia đình ít đất sản xuất, vợ chồng anh hằng ngày làm thuê kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống và nuôi các con ăn học. Là hộ nghèo của địa phương nên đầu năm 2020, vợ chồng anh được địa phương thông báo thuộc diện được hỗ trợ heo giống để phát triển kinh tế gia đình. Sau đó anh đã mua vật liệu về nhờ bà con xóm giềng hỗ trợ ngày công xây dựng chuồng nuôi heo. Chuồng trại xong xuôi, đến tháng 7/2020, heo giống đã về với gia đình anh.

Nhờ chăm sóc tốt, đến nay heo đã sinh sản được 4 heo con, vợ chồng anh sẽ tiếp tục nuôi số heo con này để bán heo thịt. Ngoài ra, một con heo khác của gia đình anh khoảng 1 tháng nữa sẽ sinh con. Dự tính từ tháng 4 đến tháng 6 năm tới, hai đàn heo sẽ xuất chuồng, giúp gia đình anh có thêm một khoản thu nhập và trả một phần tiền nợ cho căn nhà vợ chồng anh mới xây từ giữa năm 2021.

Đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bông Krang (huyện Lắk) kiểm tra mô hình hỗ trợ bò giống sinh sản tại buôn Kring, xã Bông Krang.

Tương tự, đối với gia đình chị H Yang Liêng Hót (buôn Yang Kring, xã Bông Krang), nhà chỉ có ít đất sản xuất nên hằng ngày vợ chồng chị phải làm thuê nay đây mai đó, nguồn thu nhập phụ thuộc vào thời vụ. Mong ước có một con bò giống, heo giống nuôi để có thêm thu nhập nhưng gia đình chị gặp khó khăn về vốn mua con giống. May mắn là giữa năm 2020, chị được hỗ trợ một con bò giống sinh sản. Sau hơn một năm chăm sóc, bò phát triển khỏe mạnh. Chị H Yang phấn khởi cho hay, cuối năm 2020, qua rà soát của cán bộ địa phương, gia đình chị đủ điều kiện thoát khỏi diện hộ nghèo. Đây là kết quả từ sự nỗ lực của vợ chồng chị và sự hỗ trợ từ các chương trình, chính sách giảm nghèo của Nhà nước. Dự kiến năm 2022, bò giống được hỗ trợ sẽ sinh sản, gia đình chị sẽ có thêm nguồn thu nhập để ổn định kinh tế gia đình.

Ông Nguyễn Anh Tú, Phó Chủ tịch UBND huyện Lắk cho biết, chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện trong những năm qua đã từng bước nâng cao mức sống của các đối tượng thụ hưởng một cách rõ rệt, phần lớn hộ nghèo, cận nghèo thụ hưởng chính sách đã chủ động được phương hướng phát triển kinh tế gia đình, không còn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Tỷ lệ hộ tái nghèo, tái cận nghèo thấp cho thấy các chương trình, chính sách giảm nghèo đã và đang tác động đúng hướng, giảm tỷ lệ hộ nghèo một cách bền vững..

Duy Trường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.