Multimedia Đọc Báo in

Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả: Nỗi lo chưa bao giờ cũ (kỳ 3)

07:03, 09/12/2021

Kỳ cuối: Mạnh tay “gạn đục, khơi trong” thị trường

Liên tiếp nhiều vụ việc phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) giả, kém chất lượng được phát hiện, niềm tin của bà con nông dân giờ đây là sự xử lý quyết liệt của cơ quan chức năng.

“Vỏ quýt dày…”

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, thị trường phân bón đa dạng, có tới hơn 10.000 chủng loại. Lợi nhuận từ việc làm phân bón giả rất lớn nên gian thương bất chấp, cố tình vi phạm với những thủ đoạn, phương thức tinh vi.

Sức nóng và phức tạp của thị trường này có thể minh chứng bằng những con số "giật mình": Cùng với thuốc BVTV, từ ngày 20/6 đến ngày 15/7/2021 Đoàn kiểm tra liên ngành 389 của tỉnh đã tiến hành kiểm tra 19 cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón tại các địa bàn sản xuất nông nghiệp trọng điểm của tỉnh như các huyện Cư Kuin, Cư M’gar, Buôn Đôn, Lắk, Krông Pắc, Krông  Búk, Krông Năng, Ea H’leo, thị xã Buôn Hồ. Kết quả kiểm tra, đánh giá chất lượng 32 mẫu phân bón gửi đến, được cơ quan có thẩm quyền chỉ định thử nghiệm, có 16 mẫu không phù hợp quy chuẩn quốc gia về phân bón; đáng nói, trong số đó có 2 mẫu phân bón có chỉ tiêu chất lượng chính dưới 70%, được xác định là hàng giả.

Thuốc bảo vệ thực vật chứa chất cấm được rao bán công khai trên các trang mạng xã hội.

11 tháng của năm 2021, qua 4 đợt thanh tra tại 611 cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc BVTV, Sở NN-PTNT phát hiện 60 cơ sở vi phạm. Đáng chú ý, trong đó có 4 vụ buôn bán phân bón giả; 7 vụ buôn bán thuốc BVTV không có tên trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam; 45 trường hợp không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc BVTV, phân bón...

 

Hiện nay, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, cập nhật vị trí, tích hợp thông tin các cơ sở kinh doanh về điều kiện kinh doanh, trình độ chuyên môn của người trực tiếp bán hàng, hành vi vi phạm của cơ sở kinh doanh (nếu có)... để người tiêu dùng có cơ sở đánh giá, lựa chọn điểm giao dịch hàng hóa an toàn khi cần mua các mặt hàng phân bón, thuốc BVTV, vật tư nông nghiệp.

Ông Trương Văn Nhương, Cục phó Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk cho biết, nổi lên gần đây là tình trạng phân bón, thuốc BVTV giao dịch trong môi trường thương mại điện tử và được vận chuyển thông qua các đơn vị như Grab, Giao hàng nhanh, Giao hàng tiết kiệm… Mỗi lần giao hàng chỉ giao với số lượng hạn chế, trong khi hàng hóa vi phạm lẫn lộn với các loại hàng hóa khác nên khó khăn cho công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm.

Cùng với đó, dịch bệnh COVID-19 khiến vật tư, nguyên liệu để sản xuất phân bón, thuốc BVTV khan hiếm, giá tăng cao nên nảy sinh tình trạng một số doanh nghiệp sản xuất phân bón cố tình gian lận, điều chỉnh các thành phần trong sản phẩm thấp hơn so với đăng ký trên bao bì nhằm tiết giảm chi phí, tăng lợi nhuận. Điều này, bằng mắt thường người tiêu dùng lại không thể phát hiện được, mà cần phải tiến hành lấy mẫu giám định chất lượng. Về vấn đề này, hiện nay lại còn có tình trạng cùng một mẫu thử, nhưng kết quả giám định của các trung tâm giám định lại không tương đồng với nhau, gây lúng túng cho cơ quan chức năng trong quá trình xử lý.

Cần “móng tay nhọn”

Với vai trò chủ đạo trong kiểm tra, kiểm soát thị trường, Cục Quản lý thị trường tỉnh và Đoàn kiểm tra liên ngành 389 của tỉnh đã chủ động triển khai nhiều biện pháp nhằm phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời nhiều hành vi kinh doanh trái phép phân bón, thuốc BVTV. Trong năm 2021, Đoàn kiểm tra liên ngành 389 đã xây dựng 4 kế hoạch đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đã phát hiện 21 cơ sở vi phạm, xử lý hành chính hơn 1 tỷ đồng. Đáng chú ý, Đoàn đã chuyển cơ quan cảnh sát điều tra để tiến hành các thủ tục tố tụng theo quy định đối với 3 vụ kinh doanh thuốc BVTV giả.

Hoạt động tư vấn cách nhận biết và sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho nông dân tại một hội thảo nông nghiệp do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức hồi tháng 10/2020.

Để bảo vệ nông dân trước nạn phân bón, thuốc BVTV, vật tư nông nghiệp kém chất lượng, mỗi năm lực lượng quản lý thị trường tỉnh đều mở các đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát, trong đó chuyển mạnh từ kiểm tra thường xuyên theo kế hoạch sang thanh tra, kiểm tra đột xuất. Cùng với đó là nỗ lực triển khai nhiều biện pháp như cử các đội bám sát địa bàn, xây dựng nguồn tin cơ sở, tăng cường kiểm tra, kiểm soát; chú trọng công tác thông tin, truyền thông, kết hợp kiểm tra, xử lý vi phạm với việc vận động các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại trên thị trường tham gia đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Cục cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để xử lý các hành vi kinh doanh hàng cấm, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ qua mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử.

Với vai trò của mình, ngành nông nghiệp địa phương cũng tăng cường, linh hoạt các hình thức quản lý, thanh tra, kiểm tra phù hợp với bối cảnh dịch COVID-19. Ông Lê Văn Thành, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, có những thời điểm không thể thực hiện thanh kiểm tra trực tiếp do tình hình dịch bệnh, Chi cục thành lập các nhóm Zalo tại các địa phương trong tỉnh với thành phần là chủ cơ sở kinh doanh, đại lý buôn bán vật tư nông nghiệp do Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các huyện, thị xã phụ trách. Từ đó, cung cấp thông tin tuyên truyền, theo dõi, quản lý, giám sát và tiếp nhận các thông tin phản hồi trong việc buôn bán ở lĩnh vực này. Thông qua đó, cũng phát huy vai trò giám sát lẫn nhau giữa các cơ sở kinh doanh cùng ngành nghề. “Trường hợp nghi ngờ các dấu hiệu vi phạm, chúng tôi tiến hành kiểm tra đột xuất bằng cách gọi điện có hình ảnh, yêu cầu chủ cơ sở quay video trực tiếp, cung cấp hình ảnh phục vụ cho công tác kiểm tra, giám sát”, ông Thành cho hay.

Trâm Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.