Multimedia Đọc Báo in

Một mùa dưa hấu “đắng”

06:03, 07/01/2022

Người trồng dưa hấu ở vùng biên giới Ea Súp đang gặp nhiều khó khăn khi cửa khẩu Trung Quốc đóng lại vào dịp cuối năm. Nông dân thua lỗ nặng vì giá đã xuống cực thấp nhưng vẫn không có người mua. Nhiều thương lái cũng thiệt hại do đã “ôm” hàng mà không xuất đi được.

Anh Lâm Văn Sáu Sáu ở huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định lên xã biên giới Ia Rvê, huyện Ea Súp thuê đất trồng dưa từ 5 năm nay. Vụ dưa này anh trồng 6 ha, năng suất đạt 2,2 – 2,4 tấn/sào, quả to đều, ruột đỏ tươi, vị ngọt lịm. Từ đầu vụ, giá dưa tại đây 10.000 đồng/kg, thương lái đến đặt mua cả ruộng với số tiền 1,2 tỷ đồng, anh khấp khởi mừng thầm vì thắng lớn. Nhưng hiện nay giá dưa chỉ được 2.000 đồng/kg, anh vẫn phải chấp nhận hạ giá xuống. “Tôi trồng dưa nhiều năm rồi, năm được năm mất, nhưng chưa khi nào thê thảm như năm nay; giá phân bón tăng cao, các chi phí khác cũng đội lên, tính ra tôi lỗ tổng cộng 400 triệu đồng”, anh Sáu thở dài.

Dưa hấu đã thu hoạch chờ thương lái đến thu mua tại xã Ia Rvê, huyện Ea Súp
Dưa hấu đã thu hoạch chờ thương lái đến thu mua tại xã Ia Rvê, huyện Ea Súp

Tại đám ruộng bên kia, chị Nguyễn Thị Hiền cũng đang thấp thỏm đứng ngồi không yên vì dưa đã đến thời điểm thu hoạch mà chưa có ai đến mua. Từ tháng 7/2021, gia đình chị vay ngân hàng 250 triệu đồng để thuê 120 sào đất (tính theo diện tích miền Trung 1 sào = 500 m2) trồng dưa xuất sang Trung Quốc. Đến thời điểm này vườn dưa đã cho thu hoạch, với năng suất đặt khá cao từ 2 – 2,2 tấn/sào nhưng kiếm không ra người mua, mặc dù giá đã giảm xuống còn 2.000 đồng/kg, thấp hơn đầu vụ tới 5.000 – 8.000 đồng/kg. Với giá này thì một sào dưa bán chỉ được có 4 triệu đồng, gia đình lỗ hơn một nửa, trong khi tiền phân, thuốc vẫn đang nợ đại lý 400 triệu, chưa kể tiền vay ngân hàng.

Ruộng dưa của chị Nguyễn Thị Hiền đã đến thời điểm thu hoạch nhưng chưa có ai mua
Ruộng dưa của chị Nguyễn Thị Hiền đã đến thời điểm thu hoạch nhưng chưa có ai mua

Không chỉ nông dân mà các thương lái buôn dưa cũng trong tình trạng thất thu nặng. Đang cho công nhân thu gom dưa, bà Trần Thị Nhung, một thương lái ở miền Trung liên tục gọi điện thoại đi khắp nơi năm tình hình thị trường và tìm mối “đẩy” hàng. Bà cho biết, năm nay, Trung Quốc không mở cửa, nên hàng không xuất được, ứ đọng. Vì đã mua hàng của người dân từ đầu vụ với giá cao để xuất khẩu, nên bà phải chấp nhận bán rẻ ở Hải Dương và các tỉnh phía Bắc. “Buôn bán dưa 30 năm nay, nhưng chưa khi nào “đắng” như năm nay. Đợt hàng này, tôi mua hơn 100 tấn, cộng thêm tiền bốc xếp, vận chuyển thì tổng chi phí khoảng hơn 2 tỷ, nhưng ra Bắc chỉ có thể bán lẻ được khoảng 300 triệu đồng. Mặc dù chủ ruộng cũng đã bớt cho 400 triệu tiền mua dưa so với cam kết ban đầu, nhưng vẫn còn lỗ hơn 1 tỷ đồng”, bà Nhung chia sẻ.

Đang ôm lượng lượng dưa lớn, bà Nhung liên tục gọi điện thoại tìm nơi bán hàng
Đang "ôm" lượng lượng dưa lớn, bà Nhung liên tục gọi điện thoại tìm nơi bán hàng

Ông Lê Văn Hoàng Lâm, Chủ tịch UBND xã Ia Rvê cho biết, trên địa bàn xã có 130 ha dưa hấu. Hiện còn khoảng 30% sản lượng dưa của người dân vẫn còn trên ruộng. Do thương lái không xuất hàng được nên dưa tiêu thụ chậm, giá bán thấp khiến nông dân thua lỗ. Chính quyền địa phương đã rà soát, nắm tình hình và báo cáo lên cấp trên có hướng hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người trồng dưa. Bên cạnh đó, thời gian tới, sẽ khuyến cáo người dân không mở rộng diện tích trồng dưa một cách ồ ạt, nhất là những khu vực ngoài quy hoạch.

Một người trồng dưa buồn rầu vì một vụ dưa thất bát
Một người trồng dưa buồn rầu vì một vụ dưa thất bát

Theo Phòng NN-PTNT huyện Ea Súp, toàn huyện hiện có 220 ha dưa hấu, trồng chủ yếu ở các xã Ea Lê, Ea Rốk, Cư Mlan, Ia Rvê…, tuy nhiên việc trồng dưa vẫn theo hướng tự phát là chính, chưa có sự liên kết nên thiếu tính bền vững khi thị trường bị đứt gẫy nhu cầu như hiện nay khiến nông dân bị thiệt hại lớn. Để khắc phục tình trạng này, sang vụ mới, huyện sẽ tăng cường khuyến khích các hộ trồng dưa theo hướng liên kết, đồng thời thông tin thị trường sớm cho người dân để họ nắm bắt và điều chỉnh quy mô, thời gian sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường.

Một số hình ảnh phóng viên Báo Đắk Lắk điện tử ghi lại trên những ruộng dưa tại huyện Ea Súp:

Một cái chòi đơn sơ của người trồng dưa tại huyện Ea Súp
Một cái chòi đơn sơ của người trồng dưa tại huyện Ea Súp
Số dưa đã được mua trước khi thu hoạch tuy giá rẻ nhưng vẫn có người mua
Một ruộng dưa vừa thu hoạch đã có người mua vì đặt cọc tiền từ trước
Sản lượng dưa còn tồn đọng khá nhiều trên các ruộng dưa tại xã Ia Rvê, huyện Ea Súp
Sản lượng dưa còn tồn đọng khá nhiều trên các ruộng dưa tại xã Ia Rvê, huyện Ea Súp
Các thương lái ngoài tỉnh đến tận ruộng thu mua
Các thương lái ngoài tỉnh đến tận ruộng thu mua
Một chiếc xe tải đã đầy hàng, chuẩn bị đi các tỉnh phía Bắc tiêu thụ
Một chiếc xe tải đã đầy hàng, chuẩn bị đi các tỉnh phía Bắc tiêu thụ
Nguyên nhân dưa bị ứ đọng là do không xuất khẩu được, trong khi thị trường nội địa gần như bão hoà
Nguyên nhân dưa bị ứ đọng là do không xuất khẩu được, trong khi thị trường nội địa gần như bão hoà
Những quả dưa nhỏ, chủ ruộng không buồn hái, người dân, học sinh quanh vùng hái ăn miễn phí
Những quả dưa nhỏ, chủ ruộng không buồn hái, người dân, học sinh quanh vùng hái ăn miễn phí
Một người trồng dưa thất vọng khi chưa tìm được người thu mua dưa
Một người trồng dưa thất vọng khi chưa tìm được người thu mua dưa

Minh Thông – Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.