Multimedia Đọc Báo in

Ngăn chặn nguồn ô nhiễm từ rác thải thuốc bảo vệ thực vật (Kỳ 1)

07:40, 04/01/2022

Thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) được sử dụng phổ biến trong trồng trọt để phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng. Do đó, việc xử lý bao bì, chai lọ thuốc BVTV sau khi sử dụng (rác thải thuốc BVTV) rất cần được quan tâm để bảo vệ môi trường sống, sức khỏe con người và cả nền nông nghiệp bền vững.  

Kỳ 1: Mối nguy nguồn ô nhiễm lộ thiên

Rác thải thuốc BVTV là rác thải nguy hại cần phải được xử lý theo quy định. Tuy nhiên, trên thực tế việc thực hiện quy định này vẫn chưa chặt chẽ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm.

Tiêu thụ “khủng” - thu gom “nhỏ giọt”

Đắk Lắk có diện tích đất nông nghiệp khá lớn. Năm 2020, diện tích gieo trồng cả tỉnh đạt 668.216 ha, cao nhất trong cả nước. Trong đó, diện tích cây hằng năm trên 327.161 ha, cây lâu năm trên 341.055 ha (cây công nghiệp và cây ăn quả). Kéo theo đó, nhu cầu sử dụng thuốc BVTV cũng rất lớn. Ước tính, bình quân mỗi năm nông dân Đắk Lắk sử dụng khoảng 1.700 tấn thuốc BVTV, trong đó có khoảng 30% là thuốc BVTV sinh học. Tính bình quân, mỗi héc ta đất trồng cây sẽ sử dụng khoảng 2,54 kg thuốc BVTV.

Người dân xã Ea Lai (huyện M'Drắk) sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng.

Theo ông Lê Văn Thành, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh, đối tượng cây trồng, cách thức sản xuất và thói quen canh tác là những yếu tố quan trọng tác động đến việc sử dụng thuốc BVTV của nông dân. Hầu hết diện tích đất trồng cây công nghiệp dài ngày tại Đắk Lắk được canh tác theo hình thức đa canh, đa tầng, đa tán. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng thuốc BVTV để phòng trừ sâu bệnh ở mỗi loại cây trồng khác nhau (1 - 2 lần sử dụng thuốc BVTV/vụ/loại cây trồng), dẫn đến chủng loại, số lượng, tần suất sử dụng thuốc BVTV trên mỗi diện tích cây trồng tăng vượt trội so với trồng lúa và hoa màu. Với khối lượng thuốc BVTV tiêu thụ “khủng” như thế, nếu thu gom hết thì trung bình mỗi năm lượng rác thải từ thuốc BVTV khoảng 170 tấn, trong đó có 119 tấn rác thải thuốc BVTV hóa học phải xử lý triệt để theo quy định đối với rác thải độc hại để bảo vệ môi trường.

Thuốc BVTV là những hợp chất độc hại đứng đầu danh sách 12 loại độc chất nguy hiểm, tồn tại rất lâu trong môi trường nên khó phân hủy sinh học. Do đó, theo quy định rác thải thuốc BVTV sau khi sử dụng phải được thu gom vào các bể chứa; không được bỏ chung với rác thải sinh hoạt và rác vệ sinh đồng ruộng, không tự ý đốt hoặc đem chôn lấp... Thế nhưng, nhiều năm nay vấn đề này vẫn chưa được các địa phương quan tâm đúng mức, do đó lượng rác thải thuốc BVTV thu gom vẫn còn "nhỏ giọt", chưa đáng kể. Hiện tại, toàn tỉnh mới có một số địa phương quan tâm và thực hiện thu gom, xử lý như các huyện Cư M’gar, Krông Ana, M’Drắk… Còn lại hầu hết người dân “tự xử” bằng phương pháp thủ công: chôn lấp, đốt, bỏ chung vào rác thải sinh hoạt, thậm chí bỏ lại trên các cánh đồng, nương rẫy, nơi lấy nước để pha thuốc…

Những thói quen có hại

Dù đã có những khuyến cáo từ cơ quan chức năng và từ nhà sản xuất, nhưng nhiều người sử dụng không lưu tâm làm theo mà vẫn duy trì những thói quen có hại trong sản xuất nông nghiệp. Trong các lớp tập huấn, cán bộ ngành nông nghiệp thường hướng dẫn người dân cần súc rửa bao bì ít nhất 3 lần theo quy trình và nước súc rửa được đổ vào bình để hạn chế tối đa lượng thuốc tồn lưu, tránh lãng phí thuốc nhưng đa phần nông dân chỉ súc một lần rồi vứt bỏ, kéo theo hoạt chất tồn dư trong bao bì cao. Điều này dẫn đến việc sau khi thải ra môi trường, lượng thuốc tồn dư còn lại gây tác động trực tiếp đến môi trường xung quanh. Hoặc sau khi sử dụng thuốc BVTV cho cây trồng, nhiều người vẫn quen “tiện tay” vứt vỏ chai, bao bì ngay tại đồng ruộng, nương rẫy hay dưới kênh mương, ao hồ nơi dùng để pha chế thuốc. Một số người dân có ý thức hơn đã thu gom rác thuốc BVTV mang về nhà và xử lý bằng cách bỏ chung vào túi rác thải sinh hoạt hoặc đem đi chôn lấp. Chính việc không thu gom để xử lý hay xử lý không đúng cách đã gây tác hại không nhỏ đến môi trường đất, nước cũng như sức khỏe con người; đồng thời ảnh hưởng đến việc thực hiện tiêu chí số 17 (Môi trường và An toàn thực phẩm) trong chương trình xây dựng nông thôn mới của chính địa phương.

Cán bộ Hội Nông dân phường Khánh Xuân (TP. Buôn Ma Thuột) trao đổi với hội viên về sản xuất rau an toàn.

Trước đây, đi trên các cánh đồng của xã Quảng Tiến (huyện Cư M’gar) thường nhìn thấy rất nhiều vỏ bao bì, chai lọ thuốc BVTV đã qua sử dụng vứt tràn lan trên bờ ruộng, kênh mương. Đặc biệt là những nơi có nguồn nước đủ lớn để lấy pha thuốc luôn có rác thải thuốc BVTV bởi thói quen “tiện đâu vứt đấy”.

Tương tự, ở xã Ea Kmút (huyện Ea Kar) cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh những vỏ bao bì, chai lọ thuốc BVTV do người dân bỏ lại trên những mương nước, bờ ruộng sau khi sử dụng cho cây trồng. Theo một người dân địa phương chia sẻ, nhiều người sau khi xịt thuốc cho cây trồng thường tiện tay quăng bao bì, vỏ chai xuống kênh, mương - nơi họ lấy nước để pha chế thuốc mà không hề thu gom vì nếu có thu gom cũng không biết để đâu; trong khi đó, lại càng không thể mang loại rác thải này về nhà bởi trong bao bì, chai lọ vẫn còn lưu giữ thuốc và đó là rác thải độc hại.

Nhiều khi, người dân đã có ý thức thu gom xử lý rác thải thuốc BVTV, nhưng cũng chỉ làm theo thói quen nên khó ngăn chặn được sự phát tán độc hại từ loại rác này. Ông L.V.L. (xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn) có gần 2 ha đất trồng cây ăn quả gồm các loại như: bưởi, cam, quýt… Để phòng trừ sinh vật gây hại cho cây trồng, ông thường sử dụng một số loại thuốc BVTV, rác thải sau đó được ông gom lại, bỏ vào túi rác sinh hoạt rồi đem chôn lấp.

Thực tế cho thấy, với số lượng thuốc BVTV sử dụng hằng năm lên đến 1.700 tấn, trong khi đó việc thu gom lại “nhỏ giọt”, nếu không nhanh chóng tăng tỷ lệ thu gom lên, mỗi năm các cánh đồng, nương rẫy, kênh mương trên địa bàn tỉnh sẽ phải tiếp tục “gồng mình” tiếp nhận gánh nặng cả trăm tấn rác thải thuốc BVTV độc hại.

Hiện nay, do trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có nhà lưu chứa cũng như chưa có đơn vị nào có năng lực được cấp phép nên đã gây nhiều khó khăn trong thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV ở cơ sở. Do đó, vấn đề ô nhiêm môi trường từ vỏ thuốc BVTV đang trở nên cấp thiết; đây là hồi chuông cảnh báo nguy cơ ô nhiễm môi trường", ông Lê Văn Thành, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh cho biết.

(Còn nữa)

Kỳ 2: Giữ sạch những cánh đồng

Thúy Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.